Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị đầu tiên ở miền Bắc có đội phản ứng nhanh cấp cứu bệnh nhân đột quỵ.
Hôm nay (13/4), tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc chuyên ngành hồi sức cấp cứu và chống độc.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, với các trường hợp đột quỵ, việc đáp ứng nhanh, tiếp cận sớm là điều vô cùng quan trọng để can thiệp, giảm tổn thương não cho bệnh nhân. Đội phản ứng nhanh được thành lập nhằm đáp ứng kịp thời việc khám, chụp chẩn đoán, can thiệp mạch tiêu sợi huyết cho bệnh nhân, nhất là khi số ca cấp cứu do đột quỵ đang gia tăng trong các năm gần đây, có thời điểm Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận từ 3 đến 5 ca/1 ngày.
PGS.TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai
Tiêu chuẩn vàng trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là thực hiện tiêu sợi huyết dưới 3 tiếng đồng hồ sau khi bệnh nhân có triệu chứng và thời gian cho phép tối đa là sau khoảng 4 giờ. Thời gian từ khi tiếp cận, chẩn đoán đến khi can thiệp điều trị cho bệnh nhân cần đạt tiêu chuẩn không quá 45 phút nhưng tại Bệnh viện Bạch Mai, việc này được thực hiện trước 45 phút với hầu hết các ca cấp cứu đột quỵ.
Các triệu chứng đột quỵ gồm những dấu hiệu bất thường về chức năng ý thức, vận động như: nói khó, nói ngọng, liệt nửa mặt… Khi đó nên cho bệnh nhân nằm với tư thế an toàn: đầu cao nghiêng 1 bên để lưỡi không tụt vào đường thở và bệnh nhân không bị sặc nếu có đờm dãi hoặc nôn. Sau đó, liên lạc trung tâm cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Nếu xử trí không đúng, bệnh nhân có thể tử vong do sặc vào phổi.
Các dấu hiệu của đột quỵ nhẹ có thể thoáng qua rồi tự hết khiến người bệnh chủ quan, cho là bị trúng gió. Do vậy, khi thấy bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế. Đặc biệt, không nên cho bệnh nhân uống an cung ngưu hoàng hoàng để cấp cứu đột quỵ vì khi đó bệnh nhân phản xạ kém, có thể bị sặc vào phổi, gây nguy hiểm tính mạng./.