Phụ huynh và người nhà mất ăn mất ngủ vì bốn trẻ sơ sinh bị nữ hộ sinh tại bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức tiêm vắc xin ngừa lao sai chỗ.
Hiện nay, có 5 loại vắc xin đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Cách tiêm cũng như vị trí tiêm đã được Bộ Y tế quy định rất rõ ràng. Theo đó, vaccine ngừa lao (BCG) lẽ ra phải tiêm trong da phía trên cánh tay trái nhưng nữ hộ sinh lại tiêm vô… đùi trái của trẻ.
“Lần đầu tiên TP.HCM xảy ra việc tiêm vaccine ngừa lao nhầm chỗ do sơ ý. Sở Y tế TP.HCM sẽ có hướng xử lý những cá nhân liên quan”. Ngày 16-11, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết.
Bệnh viện phải cam kết trẻ an toàn
Anh Sơn (quận 9, TP.HCM) cho biết con trai anh được sinh tại BV Đa khoa khu vực Thủ Đức vào ngày 2-11. Qua ngày sau, anh được nhân viên y tế khoa Sản thông báo tiêm vắc xin ngừa lao trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho con.
“Chích cho con tôi là một nữ hộ sinh còn trẻ. Sau khi chích không lâu, tôi hết hồn khi nghe thông báo nữ hộ sinh đã chích sai chỗ. Tôi đứng ngồi không yên vì lo lắng cho sức khỏe của con” - anh Sơn nói.
Sau đó, lãnh đạo BV Đa khoa khu vực Thủ Đức đã gặp anh Sơn cùng ba phụ huynh khác xin lỗi về sự cố đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cũng giải thích và đề nghị BV Đa khoa khu vực Thủ Đức theo dõi sát sao sức khỏe các bé.
Phụ huynh tên Thành (quận 9, TP.HCM) cũng tá hỏa khi nghe tin con trai hai ngày tuổi bị chích vắc xin ngừa lao sai vị trí. Sau khi chích không lâu, con anh Thành lên cơn co giật khiến hai vợ chồng xanh mặt. Sau khi được bác sĩ xử trí, em bé đã trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, anh Thành đề nghị BV Đa khoa khu vực Thủ Đức phải “cam kết từ đây đến khi con tôi biết đi nếu xảy ra chuyện không hay thì BV phải chịu trách nhiệm”.
Tiêm ngừa lao sai vị trí có thể gây các biến chứng và phản ứng nhiễm độc cho trẻ(ảnh có tính minh họa)
Hộ lý chưa được cấp chứng nhận tiêm ngừa
“Đúng là nữ hộ sinh khoa Sản của BV Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) tiêm vắc xin ngừa lao cho bốn trẻ sơ sinh 1-2 ngày tuổi sai vị trí. Hiện BV vẫn tiếp tục theo dõi sát sức khỏe của 4 cháu này”, ThS. BS Trịnh Đình Thắng, Giám đốc BV Đa khoa khu vực Thủ Đức, cho biết vào chiều 15-11.
Theo ông Thắng, có 10 bé được tiêm vắc xin ngừa lao trong ngày 3/11. Hai nữ hộ sinh tham gia, trong đó nữ hộ sinh tên Đ. đã tiêm sai vị trí 4 bé. Trong đó có một bé bị co giật sau khi tiêm và được xử lý. “Nữ hộ sinh Đ. làm việc tại BV được khoảng 6 tháng, chưa được cấp chứng nhận tập huấn về tiêm chủng. Sau sự cố trên, BV Đa khoa khu vực Thủ Đức tạm thời đình chỉ công tác tiêm ngừa của chị Đ.” - ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, sau khi phát hiện sự cố trên, lãnh đạo BV lập tức nhận sai sót với thân nhân các cháu bé và kiểm tra lại quy trình tiêm chủng. “Hiện BV tiếp tục theo dõi phản ứng lao tố (tác dụng của vắc xin) và hiện tượng áp xe tại vị trí tiêm ngừa của bốn cháu trong vòng sáu tháng tới” - ông Thắng thông tin.
Có thể bị áp xe và phản ứng nhiễm độc
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm, khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hóc Môn (TP.HCM), cho biết trong “Hướng dẫn tiêm an toàn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, Bộ Y tế quy định rất rõ: Vắc xin ngừa lao (BCG) tiêm trong da phía trên cánh tay trái; viêm gan B tiêm bắp mặt ngoài giữa đùi; Quinvaxem (5 trong 1) tiêm 1/3 mặt ngoài đùi; sởi và viêm não Nhật Bản B tiêm dưới da phía trên cánh tay. Tiêm sai vị trí tức tiêm không an toàn, có thể gây các biến chứng khác như áp xe và phản ứng nhiễm độc.
Tùy vào cơ địa của từng trẻ sơ sinh, nếu tiêm vắc xin ngừa lao sai vị trí có thể gây biến chứng nên cần phải theo dõi sát sao. Ngoài ra, trẻ dưới một tuổi nếu tiêm vắc xin lao sai vị trí thì tác dụng thuốc không cao. Do vậy, phải tiêm lại mũi khác đúng vị trí.
Sau khi sự cố xảy ra, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã yêu cầu BV Đa khoa khu vực Thủ Đức tạm ngưng hoạt động tiêm chủng tại khoa Sản. Trung tâm cho biết cũng sẽ điều tra toàn bộ quy trình tiêm chủng tại BV này và xin ý kiến chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM.
Nguồn Dantri.com.vn