Đây là nhận định của tiến sĩ, bác sĩ Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) ngày 19.4, về hàng loạt vụ bạo hành bác sĩ diễn ra trong thời gian gần đây.
Trước việc người nhà, bệnh nhân đánh chửi nhân viên y tế với lý do thấy bác sĩ chậm trễ điều trị, điều trị không hiệu quả nên muốn đe dọa để họ phải sợ, phải cứu chữa tốt hơn, TS. Hùng đánh giá: “Đây là điều hết sức thiếu minh mẫn. Vì về mặt quan hệ xã hội thì không có lĩnh vực nào mà người ta lại đánh người mình đang cầu cạnh, mong muốn họ đối xử tốt hơn với mình. Các cụ đã dạy “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, phải chăng với bác sĩ cũng nên tôn trọng, yêu quý thì mới mong được chữa trị tốt”.
Theo TS Hùng, khi nhân viên y tế bị đánh, chửi, họ bức xúc, mệt mỏi, thậm chí bị thương tích thì không thể khám chữa bệnh tốt được, hệ số an toàn của khám chữa bệnh sẽ bị giảm sút. Bác sĩ sẽ phải vừa khám bệnh vừa đề phòng bị đánh, hoặc căng thẳng, chán ghét vì bị xúc phạm danh dự thì sẽ không có sự tỉnh táo trong điều trị. Đó có thể là lý do xảy ra tai biến y khoa.
TS Hùng so sánh, một hành khách đi máy bay nếu có thái độ xúc phạm nhân viên hàng không đã có thể bị cấm bay, phạt hành khách rất nặng, thậm chí là cấm bay vĩnh viễn. Một người dân nếu không hợp tác với công an có thể bị truy tố vì tội chống thi hành công vụ. Một nhân viên y tế đang điều trị cho bệnh nhân cũng được coi là đang làm nhiệm vụ tại sao bị đánh chửi mà người đánh chửi lại không bị phạt vì tội “chống thi hành công vụ”?
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, Hà Nội vừa bị bố bệnh nhân đánh vỡ đầu ngày 16.4 vừa qua. Ảnh: Infonet
“Ra sân bay nếu không thực hiện các quy định của sân bay, không có giấy tờ thì đừng hòng lên máy bay nhưng tại sao đến bệnh viện, không mang giấy tờ, không thực hiện đúng quy trình lại cứ đòi “bác sĩ nhân nhượng em”. Còn nếu bác sĩ không thực hiện yêu cầu vô lý là chống đối, mắng chửi. Không thể nào chấp nhận chuyện vô lý như vậy” – TS Hùng bức xúc.
Bác sĩ Phạm Vũ Thiên – Phó Giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khỏe dân số thì thẳng thắn bày tỏ sự bất bình: “Không có xã hội nào, ngành nào mà người bị đánh chửi lại vẫn phải nhẫn nhịn quay sang phục vụ người đánh chửi mình như vụ việc các bác sĩ bị đánh chửi ở Việt Nam. Bác sĩ cần có quyền từ chối điều trị cho những kẻ đe dọa tính mạng, nhân phẩm bác sĩ như vậy”.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Thiên, hiện tại các quy định khám chữa bệnh, các văn bản y tế lại hầu như ép nhân viên y tế phải điều trị cho bệnh nhân trong bất cứ trường hợp nào, không có quyền từ chối khám chữa bệnh với bất cứ ai, cho dù đối tượng đó vừa đe dọa, buông lời xúc phạm mình, thậm chí là đánh đập. Và cũng chưa có văn bản nào quy định, người mắng chửi nhân viên y tế bị buộc phải ra khỏi bệnh viện. Do đó, bác sĩ vẫn căng mình chịu đựng sự bạo hành của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mà không dám có hành vi nào để bảo vệ mình.
“Thật bất bình khi bệnh nhân mắng chửi, gây khó khăn cho nhân viên y tế thì được bỏ qua mà nếu có nhân viên y tế nào không kiềm chế nổi cơn nóng nảy “vặc” lại bệnh nhân thì y như rằng sẽ bị dư luận “ném đá”, bị lãnh đạo xử phạt. Đó là mối quan hệ không công bằng” – bác sĩ Thiên nói.
Trong quá trình thực hiện dự án về tăng cường truyền thông trong y tế, bác sĩ Thiên nhận thấy, hiện nay, việc chăm sóc tâm lý cho bác sĩ đang bị bỏ trống. “Thăm dò ý kiến của 45 bác sĩ thì có đến 28-29 bác sĩ cho biết, họ đã từng trải qua cảm xúc sợ hãi, mệt mỏi, căng thẳng, chán nản trong công việc. Một trong những mối lo đó là mệt mỏi vì người nhà bệnh nhân và bệnh nhân có thái độ hỗn hào, xúc phạm, thậm chí đe dọa. Do đó, cần phải có những quy định chặt chẽ để bảo vệ nhân viên y tế khỏi sự xúc phạm của bệnh nhân và người nhà. Đồng thời, ngành y tế cũng cần quan tâm hơn đến tâm lý của nhân viên y tế” – bác sĩ Thiên cho biết.
Theo Diệu Linh/Dân Việt