Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Đầu hè, trẻ nghiện game vào viện tăng

Sáng 10-6, riêng bác sĩ Dương Minh Tâm, Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, đã khám cho 3 trẻ nghiện game, chưa tính các bác sĩ khác tiếp nhận bệnh nhân cùng ngày.

gameonline quangdinh 2read only 1560179865033559879284

Chơi game online tại một tiệm game ở quận Bình Thạnh, TP.HCM

"Mùa hè là thời gian rảnh rỗi nên các cháu chơi game nhiều, cũng là lúc lượng phụ huynh mang con đến khám tăng lên" - bác sĩ Tâm chia sẻ.

Theo bác sĩ Ngô Anh Vinh - khoa sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi T.Ư, khi nghiện game, trẻ không hứng thú với các hoạt động và học tập như trước kia vẫn thích, trẻ có thể mắc chứng trầm cảm, lo âu, mất tự tin...

Những vụ việc đau lòng

"Trẻ đến viện khám vì nghiện game thường chơi bất kể giờ giấc, các cháu có thể chơi game cả ngày và hệ lụy là gặp rất nhiều thể bệnh liên quan tới sức khỏe tâm thần"- bác sĩ Tâm chia sẻ.

Trong số những vụ việc hệ quả từ nghiện game tuổi học đường, các bác sĩ đã dẫn một vụ án mạng xảy ra tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An năm 2018, nạn nhân tranh cãi về tên nhân vật trong game với "hung thủ", và cậu bé 11 tuổi đã dùng dao chém vào đầu bạn gây tử vong.

Một vụ việc khác cũng xảy ra năm 2018, khi hai học sinh 13 tuổi ở Thái Nguyên đã sát hại người bà họ hàng nhằm cướp tiền để chơi game.

Theo bác sĩ Vinh, đã từng có những vụ trẻ đột tử do kiệt sức, suy nhược cơ thể vì chơi game kéo dài và liên tục. Những hình ảnh liên tục thay đổi, hấp dẫn khiến trẻ học đường mê đắm "thế giới hình vuông" là chiếc màn hình máy tính hay điện thoại. "Đây là lý do Tổ chức Y tế thế giới xếp nghiện game vào dạng rối loạn tâm lý, tương tự như bệnh lý trầm cảm hay tâm thần phân liệt, cần điều trị chuyên khoa giúp các "con nghiện" thoát khỏi ám ảnh tâm lý" - bác sĩ Vinh cho biết.

Phải làm sao nếu nghiện game?

Bác sĩ Vinh cho biết trẻ nghiện game có thể gặp rất nhiều hệ lụy về sức khỏe. Trong đó, hậu quả nặng nề nhất là rối loạn tâm lý, cuộc sống hằng ngày bị ảnh hưởng vì trẻ chơi game bất kể giờ giấc, trẻ cũng có thể lo âu, mất kiểm soát, tự ti vì không kiểm soát được mong muốn chơi game...

"Trẻ cũng có thể bị rối loạn giấc ngủ do não bị kích thích bởi những ám ảnh khi chơi game, đặc biệt là khi chơi các trò chơi bạo lực. Điều này rất nguy hiểm với sức khỏe của trẻ do cơ thể suy nhược, thiếu tập trung, về lâu dài có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể bị khô mắt, đỏ mắt, đau cổ tay, đau lưng... do ngồi lâu cùng tư thế và nhìn lâu vào màn hình" - bác sĩ Vinh cho biết.

Bác sĩ Vinh cũng chia sẻ dấu hiệu nhận biết trẻ nghiện game là khi cháu chơi game mà quên hết các thú vui, sở thích khác, quên cả giờ học, giờ ăn, kết quả học tập kém... 

Nhưng giai đoạn điều trị tốt nhất là khi trẻ mới ham chơi game, cháu có chơi nhiều nhưng vẫn dừng việc chơi game lại được để ăn uống, tắm rửa, học tập. 

Ở giai đoạn này, nếu gia đình nhận biết các dấu hiệu và sớm đưa trẻ đến gặp bác sĩ, bác sĩ sẽ có những tư vấn phù hợp và quan trọng nhất là "cách ly môi trường" giữa trẻ và cơ hội chơi game.

"Ban đầu khi bị cách ly trẻ cũng chán nản, không thiết tha thú vui nào, nếu lúc đó gia đình sát sao với cháu, có thể từ từ đưa những trò giải trí lành mạnh như cho cháu xem bộ phim cháu thích, nói cháu vẽ một bức tranh...

Cái khó hiện nay là các gia đình thường đưa con đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn nặng và không sát sao được để cháu cách ly khỏi môi trường game, mà cứ nghĩ sau sẽ tự khỏi" - bác sĩ Vinh khuyến cáo.

Thời điểm mùa hè hiện nay, khi trẻ được nghỉ học và trẻ em ở đô thị có thể ở nhà suốt ngày mà không có bố mẹ kèm cặp, dễ sa đà vào game online. Nếu gia đình thấy cháu có những dấu hiệu như bác sĩ phân tích, hãy sớm đưa trẻ đến gặp bác sĩ

chuyên khoa để có thể có cơ hội điều trị sớm. Từng có lúc cha mẹ nghĩ đưa cho trẻ cái máy tính, cái điện thoại để trẻ chơi cho "rảnh", mà không thể ngờ rằng nó có thể gây nghiện, làm trẻ xao nhãng học hành, những thú vui lành mạnh khác và có thể dẫn tới những sai lầm, hệ lụy khó nói trong cuộc sống sau này.

Nguồn: https://tuoitre.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image