Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Đề án cấp cứu TNGT đường bộ - Bộ Y tế: Có thể giảm 10% số ca tử vong

Theo thống kê trung bình cả nước hiện mỗi ngày có hơn 30 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (TNGT), trong đó TNGT đường bộ là nguyên nhân chủ yếu, chiếm tới 96% số vụ, 97% số người chết và hơn 98% số người bị thương trong tổng số các vụ TNGT.

Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng tai nạn giao thông trong thời gian qua là do ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông yếu kém, cơ sở hạ tầng giao thông còn chưa hoàn chỉnh... Chính vì vậy, việc Bộ Y tế xây dựng Đề án cấp cứu TNGT đường bộ sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại do tình trạng này gây nên.

Thực tế quá cấp thiết

Hàng năm số lượng nạn nhân bị thương do TNGT cần phải sơ cứu lên tới gần 50.000 người và mạng lưới đường bộ dài 221.000km. Theo tính toán, việc nâng cao năng lực hệ thống cấp cứu TNGT thông qua việc đào tạo kiến thức cho đội ngũ cộng tác viên, xây dựng các trạm sơ cứu dọc các tuyến đường nhằm cấp cứu kịp thời và đúng cách các trường hợp nạn nhân TNGT có nguy cơ tử vong cao có thể giảm đi 10% số người bị chết do TNGT, tướng ứng với khoảng hơn 1.000 nạn nhân. Trong khi đó, thực trạng hoạt động của các cơ sở y tế nằm dọc theo các tuyến quốc lộ luôn trong tình trạng quá tải về cấp cứu các trường hợp TNGT. Vì vậy để tổ chức việc cấp cứu TNGT ở hầu hết các bệnh viện hiện nay đều có đội cấp cứu ngoại viện để ứng trực khi được điều động. Nhưng khi có cấp cứu hoặc TNGT trên đường, người bị nạn không liên lạc được với các đội cấp cứu này vì không biết số điện thoại, do đó, các nạn nhân TNGT trên các tuyến đường thường chỉ biết dựa vào những người xung quanh hoặc người đi đường đưa vào bệnh viện bằng bất cứ phương tiện gì sẵn có. Điều này nhiều khi vô tình lại gây thêm chấn thương hoặc làm xấu đi tình trạng chấn thương của nạn nhân.

qua-tai.jpg
TNGT khiến cho nhiều BV đầu ngành như Việt Đức luôn trong tình trạng quá tải.

Vấn đề đặt ra ở đây là cơ chế hoạt động cũng như sự đầu tư một cách bài bản cho hệ thống này đến nay vẫn chưa thực sự được quan tâm. Chính vì vậy, việc Bộ Y tế xây dựng Đề án cấp cứu TNGT đường bộ đặt ra nhiều kỳ vọng giải quyết những khó khăn, vướng mắc này.

      Đề án "Xây dựng qui định và tăng cường năng lực của hệ thống cấp cứu TNGT đường bộ" do Bộ Y tế đang tiến hành xây dựng sẽ được triển khai thực hiện ngay trong năm 2010. Theo dự thảo, đề án cấp cứu TNGT sẽ được triển khai thí điểm trên 4 tuyến quốc lộ gồm: Hà Nội - Nghệ An; Hà Nội - Hải Phòng; TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ; Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu ngay trong năm 2010 và tiếp tục triển khai trên tất cả các tuyến quốc lộ.

Nâng cao năng lực cấp cứu

Đề án "Xây dựng qui định và tăng cường năng lực của hệ thống cấp cứu TNGT đường bộ" dựa trên việc hợp nhất 3 đề án về cấp cứu TNGT do Ban ATGT của Bộ Y tế xây dựng từ năm 2008 nhằm mục tiêu xây dựng, bổ sung và củng cố hệ thống cấp cứu tại các tuyến, đủ khả năng đáp ứng tốt với cấp cứu tai nạn thương tích nói chung và TNGT nói riêng nhằm giảm tỷ lệ tử vong, giảm di chứng với cấp cứu hàng loạt và tiến tới đạt mức chuẩn so với các quốc gia trong khu vực. Để đạt được điều này, cần phải xây dựng hệ thống các trạm cấp cứu TNGT dọc trên các tuyến quốc lộ đảm bảo tiếp nhận và cấp cứu ban đầu TNGT. Khi có thông báo tai nạn chỉ sau 10 - 15 phút, cán bộ y tế có thể tiếp cận với người bị nạn, tổ chức cấp cứu ban đầu tại hiện trường và vận chuyển cấp cứu người bị nạn đến các cơ sở y tế an toàn.

Giải pháp về nhân lực vốn được coi là một khó khăn khi triển khai đề án bởi không dễ để bố trí một lực lượng cán bộ y tế chỉ để trực chốt, cấp cứu TNGT. Tuy nhiên theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế): Việc sơ cứu ban đầu nếu có nhân viên y tế thì là điều tốt nhưng không nhất thiết hoàn toàn phải là cán bộ y tế. Việc cấp cứu quan trọng là phải kịp thời và đúng cách nên có thể tổ chức đội ngũ cộng tác viên là các lực lượng luôn có mặt trên đường như: CSGT, xe "ôm", lái xe taxi hoặc người dân sống ven đường... Vấn đề quan trọng là phải trang bị kiến thức, kỹ năng cho họ.

Về trang thiết bị cấp cứu ban đầu, trong vòng 15km ít nhất  sẽ phải có 1 xe cứu thương phục vụ cho ít nhất 3 trạm cấp cứu. Trung tâm cấp cứu của tỉnh hoặc tương đương có nhiệm vụ điều hành đội xe cấp cứu, đảm bảo 10 - 15 phút sau khi được thông báo tai nạn có thể tiếp cận nơi xảy ra tai nạn. 

Thân Tình - Nguyễn Hồng
suckhoedoisong.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image