Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

ĐIỀU TRỊ F0 TẠI NHÀ: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Hiện nay, số ca mắc Covid-19 đang tăng lên nhanh chóng. Điều này, khiến cho hệ thống y tế bị quá tải, một số người dân gặp khó khăn khi có nhu cầu tiếp cận với y tế. Tâm lý tích trữ thuốc và sử dụng thuốc theo đơn truyền miệng đang diễn ra khá phổ biến. Lời khuyên nào cho người dân khi bị mắc Covid-19? Thuốc nào nên có và không nên dự trữ để sử dụng? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ThS.BS.Nguyễn Quốc Thái - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Phụ trách Phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Bạch Mai về vấn đề này.

 tongdai1022 1

PV: Hiện số người dân Hà Nội mắc Covid-19 gia tăng khá cao, người dân có tâm lý dự trữ thuốc để phòng ngừa. Xin bác sĩ cho biết loại thuốc nào nên dự trữ và loại thuốc nào người dân không nên dự trữ?

ThS.BS. Nguyễn Quốc Thái: Khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều người dân có tâm lý dự trữ thực phẩm và trong chừng mực nào đó họ dự trữ cả thuốc men. Thực ra, người dân không cần phải mua thuốc dự trữ vì thuốc có hạn sử dụng không thể để lâu. Mặt khác, khi bị bệnh thì chúng ta đã có hệ thống hỗ trợ của các cơ sở y tế, không lo không có thuốc điều trị. Tuy nhiên, nếu người dân muốn có sẵn thuốc trong trường hợp không tiếp cận được hỗ trợ chăm sóc y tế thì có thể chuẩn bị một số thuốc như: Thuốc hạ sốt Paracetamol, thuốc ngậm giảm đau rát họng Strepsil, si-rô hoặc thuốc viên giảm ho... Nếu có điều kiện thì người dân có thể chuẩn bị sẵn phương tiện theo dõi như nhiệt kế, huyết áp kế, máy đo độ bão hòa oxy (SpO2).

PV: Một số người đang có tâm lý dự trữ các loại thuốc điều trị như Molnupiravir của Ấn Độ hoặc Favipiravir của Nga. Việc mọi người mách nhau đơn thuốc để sử dụng và dữ trự như vậy có nên không thưa bác sĩ?

ThS.BS.Nguyễn Quốc Thái: Thuốc kháng vi-rút SARS-CoV-2 như Molnupiravir hoặc Favipiravir là thuốc sử dụng do bác sĩ chỉ định. Hiện nay, thuốc được cấp phát để điều trị tại nhà cho người bệnh Covid-19 mức độ nhẹ tại nhiều địa phương. Không thể phủ nhận hiệu quả của thuốc kháng vi-rút SARS-CoV-2 trong việc làm giảm nguy cơ diễn biến nặng của bệnh Covid-19 và giảm nguy cơ phát tán mầm bệnh trong cộng đồng. Tuy vậy, việc người dân tự ý mua tích trữ thuốc có thể dẫn tới tình trạng khan hiếm thuốc sử dụng cho những người cần dùng, mặt khác có thể khiến cho thuốc dễ bị lạm dụng, sử dụng không có kiểm soát. Việc dùng thuốc kháng vi-rút không có kiểm soát có thể khiến cho người dùng bị các tác dụng không mong muốn của thuốc như sinh quái thai, ngộ độc gan… Nguy cơ phát sinh các chủng vi-rút kháng thuốc cũng là mặt trái của việc dùng thuốc kháng vi-rút không có kiểm soát.

PV: Do tình trạng y tế đang quá tải, F0 rất khó có thể kết nối đến hệ thống y tế, vậy bác sĩ có lời khuyên hay phác đồ nào cho các giai đoạn bệnh không, thưa bác sĩ?

ThS.BS. Nguyễn Quốc Thái: Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 leo thang, số lượng người mắc nhiều khiến cho hệ thống y tế quá tải, nhiều người F0 có thể sẽ không liên hệ được thầy thuốc cũng như cơ sở y tế. Khi đó, người bệnh cần bình tĩnh bảo đảm nghỉ ngơi thoải mái, không bỏ bữa, uống đủ nước và tự theo dõi sức khỏe bản thân. Hàng ngày, người bệnh cần tập thở và vận động tại chỗ nhẹ nhàng khoảng 15 phút. Mỗi buổi sáng và buổi chiều hoặc bất cứ lúc nào có thể, người bệnh cần tự theo dõi bản thân, tự đếm nhịp thở, tự đếm mạch và đo độ bão hòa oxy SpO2, tự đo huyết áp. Đây là các thao tác cần thiết để biết tình trạng cơ thể có diễn biến nặng hay không?

Nếu người bệnh thấy mệt lả, thở nhanh trên 25 lần/phút, độ bão hòa oxy SpO2 dưới 96%, mạch nhanh trên 120 nhịp/phút, huyết áp tụt dưới 90/60 mmHg hoặc có bất kỳ tình trạng nào cảm thấy nguy hiểm thì cần ngay lập tức liên hệ vận chuyển cấp cứu 115 để đến cơ sở y tế gần nhất. Trong thời gian chưa xuất hiện tình trạng nặng hoặc cấp cứu, người bệnh cần tích cực gọi điện thoại hoặc liên lạc qua internet với các Trạm y tế lưu động quanh nhà, với tổ Covid-19 cộng đồng, với các nhóm Zalo chống dịch tại tổ dân phố... để có được sự hỗ trợ kịp thời khi cần.

NVYT huong dan F0 dieu tri tai nha

PV: Mọi người mách nhau bài thuốc xông giải cảm bằng các loại lá, đây có phải là giải pháp hữu hiệu cho bệnh nhân mắc Covid không?

ThS.BS. Nguyễn Quốc Thái: Xông các bài thuốc lá như lá chanh, lá bưởi, sả, lá tre, vông, tía tô, ngải cứu, cúc tần... là cách điều trị dân gian cho các trường hợp nhiễm vi-rút cấp tính đường hô hấp như cúm. Cách điều trị này đã cho thấy cũng có hiệu quả trong bệnh Covid-19 mức độ nhẹ. Tuy nhiên, cần lưu ý chuẩn bị nồi nước xông sao cho an toàn, tránh bị bỏng khi xông.

PV: Mọi người tự ý dùng các thuốc bổ như vitamin C, vitamin B và xông mũi họng bằng tinh dầu có được không, thưa bác sĩ?

ThS.BS. Nguyễn Quốc Thái: Các thuốc bổ sung vitamin B, vitamin C sẽ chỉ phát huy hiệu quả trong những trường hợp thiếu hụt vitamin B, vitamin C, thường là do cơ thể suy kiệt ốm lâu ngày hoặc do chế độ dinh dưỡng thiên lệch gây thiếu hụt nguồn cung cấp vitamin B, C. Người bệnh Covid-19 nếu vốn dĩ ăn uống bình thường, không có bệnh nền thì không nhất thiết phải dùng thuốc bổ sung vitamin B, C trong quá trình điều trị. Nhiều loại tinh dầu cũng được đề cập đến để xông mũi họng điều trị Covid-19 nhưng trên thực tế có những trường hợp dùng các loại tinh dầu này lại gây viêm mũi họng nặng hơn do dị ứng hoặc kích ứng tại chỗ. Do vậy cần hết sức thận trọng khi sử dụng các loại tinh dầu này.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ./.

Đỗ Hằng (thực hiện)

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image