Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Dinh dưỡng cho bà bầu: Một số điều cần chú ý

Chế độ dinh dưỡng cân đối và khoa học là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé trong suốt thời kỳ mang thai. Trong quá trình 9 tháng 10 ngày, đối với những người lần đầu tiên làm mẹ là một điều kỳ diệu nhưng cũng không kém phần bỡ ngỡ, khó khăn.

Những dưỡng chất cần thiết trong 3 tháng đầu

Bà bầu ăn gì trong 3 tháng đầu rất quan trọng vì nó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. BSCK II. Đinh Thị Kim Liên - Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Đây là giai đoạn bạn đang làm quen dần với những thay đổi trong thai kỳ. Do thai nhi đang hình thành, nhu cầu năng lượng chưa cao nên thực đơn không cần thay đổi nhiều, chỉ cần duy trì cung cấp chất dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ như trước khi mang thai và bổ sung thêm vitamin và khoáng chất theo hướng dẫn của bác sĩ là đầy đủ.

nh_minh_ha.jpg Chế độ dinh dưỡng cân đối và khoa học là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé.

BS. Liên cũng lưu ý một số dưỡng chất bà bầu nên ăn trong 3 tháng đầu thai kỳ là axit folic, sắt, canxi và protein. Những dưỡng chất này có nhiều trong các thực phẩm như súp lơ, các loại rau có màu xanh như xà lách, cải bẹ xanh; họ hàng nhà đậu; các loại quả có nhiều múi như cam, quýt, bưởi; đậu phộng, trứng, cá hồi, sữa….

Chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh: Axit folic đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ống thần kinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển não bộ và cột sống của bé nên ngay từ khi có ý định mang thai bạn nên chú ý bổ sung axit folic cho cơ thể. Mỗi ngày mẹ nên chú ý thêm khoảng 400 mg axit folic trong thực đơn của mình.

Không chỉ chứa nhiều protein, trứng gà là một trong số ít thực phẩm có chứa vitamin D, rất cần thiết cho thai phụ. Nhiều bà mẹ “rỉ tai” nhau rằng ăn trứng ngỗng khi mang thai sẽ giúp bé thông minh hơn! Tuy nhiên, theo BS. Liên chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều này. Trứng ngỗng không chứa nhiều protein như trứng gà nhưng lại nhiều chất béo hơn. Vì vậy mẹ nên chú ý không ăn quá nhiều trứng ngỗng để tránh tình trạng dư thừa chất béo.

Chế độ ăn khi mang thai từ tháng thứ 4 tới khi sinh

Giai đoạn này thai nhi phát triển mạnh cả về thể chất, trọng lượng, trí não nên đòi hỏi một lượng chất dinh dưỡng cao hơn nhiều, bao gồm cả chất đa lượng và vi lượng. Người mẹ nên chú ý tăng cường bổ sung dưỡng chất trong giai đoạn này để đảm bảo cho sự phát triển của trẻ và sức khỏe của mẹ. Mẹ cũng cần thêm năng lượng để duy trì hoạt động của cơ thể nên cần ăn thêm 1 đến 2 bát cơm/ ngày so với khi chưa có thai.

Trong thực đơn hàng ngày các mẹ nên duy trì đủ 4 nhóm thực phẩm gồm đạm, chất béo, tinh bột và chất xơ. Nhóm thực phẩm giàu đạm gồm thịt, cá, trứng, sữa… Nên ăn từ 4-7 quả trứng/1 tuần, ít nhất 1-2 cốc sữa tươi hoặc sữa đậu nành, ngũ cốc/ngày. Mỗi ngày cần thêm 3-4 thìa cà phê dầu ăn hoặc mỡ bằng cách xào thức ăn hoặc trộn xa lát.

Chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên các bà bầu nên tăng cường bổ sung chất xơ vào chế độ ăn của mình. Rau củ quả là nguồn cung cấp vitamin và chất xơ hoàn hảo cho các mẹ và thai nhi. Các loại rau màu xanh thẫm, các loại củ quả có màu vàng, da cam cần được bổ sung thêm vào thực đơn hàng ngày, ví dụ: cà rốt, bí đỏ, rau ngót, rau dền, bông cải, cam, quýt, đu đủ, chuối và các loại hạt đậu… Các bà bầu nên ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt để đảm bảo giữ dược các vitamin còn trong lớp vỏ thực phẩm.

Một số lưu ý chế độ ăn uống khi mang thai

- Không nên uống rượu, bia, cà phê và các chất kích thích khác.

- Không nên ăn các loại thịt, cá chưa chín; tiết canh; phô mai tươi vì các loại thực phẩm này dễ bị nhiễm khuẩn, gây ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.

- Cá biển cung cấp nhiều axit béo omega 3 có tác dụng phát triển trí não, tăng miễn dịch và phòng đẻ non cho thai nhi. Tuy nhiên hiện nay một số loại cá biển sâu (cá ngừ, cá thu, cá kiếm) chứa hàm lượng thủy ngân cao nên các bà bầu cũng không nên ăn nhiều, chỉ nên ăn khoảng 300g cá biển/tuần.

- Tránh tăng cân quá nhiều: Mẹ bị béo phì hoặc tăng cân quá mức trong thời kỳ mang thai đều ảnh hưởng không tốt đến cả bà mẹ và thai nhi, dẫn đến những biến chứng trong thai kỳ và khi sinh nở (gây tiểu đường, cao huyết áp, đẻ non, đẻ khó…).

Mai Thanh

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image