Responsive Image

DetailController

Bài viết chuyên môn

DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH MẮC BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh có thể dự phòng và điều trị được. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng như khó thở, ho khạc đờm và tắc nghẽn đường dẫn khí do phản ứng bất thường của đường thở với khói, bụi hoặc khí độc hại (Theo GOLD 2023)

Người bị COPD có thể tiêu tốn nhiều hơn 50% năng lượng so với người khỏe mạnh cho việc thở. Khi đợt cấp COPD tiến triển, các triệu chứng như khó thở, thay đổi vị giác do khô miệng, mệt mỏi…góp phần làm giảm lượng thức ăn ăn vào, khi giảm lượng thức ăn kéo dài có thể dẫn đến giảm cân không mong muốn và hậu quả là suy dinh dưỡng.

Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn

- Cung cấp đủ năng lượng: 30-35 kcal/kg cân nặng/ngày có thể lên đến 45 kcalo/kg/ngày nếu người bệnh có suy dinh dưỡng.

- Protid: Nhu cầu 1.2-1.7 g/kg, hoặc 20% tổng số năng lượng để bảo tồn khối cơ đặc biệt là cơ hô hấp.

- Glucid: 45 - 55% tổng năng lượng.

- Lipid: 25- 35% tổng năng lượng. Trong đó 1/3 là acid béo no, 2/3 là acid béo không no.

- Vitamin và khoáng chất: cung cấp đầy đủ, đặc biệt chú ý đến vitamin C, vitamin D, calci, magie, phospho, sắt.

- Muối khuyến nghị 6g/ngày. Hạn chế muối khoảng 2 - 3g/ngày khi bệnh nhân có suy tim kèm theo.

- Lượng nước: cung cấp theo nhu cầu khuyến nghị 35-40ml /kg cân nặng/24h

- Chia nhiều bữa trong ngày, có thể 5 hoặc 6 bữa nếu bệnh nhân có khó thở nhiều.

- Dạng chế biến: Chế biến tùy khả năng của người bệnh nên chế biến dưới dạng mềm, dễ tiêu hóa.

Lời khuyên dinh dưỡng

 

Nhóm thực phẩm

Thực phẩm nên dùng

Thực phẩm hạn chế dùng và không nên dùng

Nhóm tinh bột


 

- Carbonhydrate phức hợp: Gạo lứt, gạo xay xát dối, ngô, khoai lang, khoai tây, khoai sọ, yến mạch...

-Thực phẩm chứa nhiều đường đơn như: bánh ngọt, khoai tây chiên, kẹo, quả sấy khô, nước ngọt…

Nhóm chất đạm


 

- Thực phẩm  giàu đạm nguồn gốc động vật như: thịt nạc, cá nạc, tôm, trứng, sữa...

- Thực phẩm có nguồn  gốc đạm thực vật: Đậu tương và các sản phẩm chế biến từ đậu tương (Đậu phụ, sữa đậu nành...), đậu hà lan,...

-Thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối: Thịt hộp, cá hộp, giò, chả, xúc xích,

Nhóm chất béo


 

- Dầu thực vật: Dầu oliu, dầu hướng dương, dầu hạt cải…

- Thực phẩm giàu chất béo lành mạnh như: Quả bơ, hạt óc chó, cá nhiều béo, dầu dừa, phô mai…

- Mỡ động vật: mỡ lợn, mỡ bò, da gà...

- Phủ tạng động vật như: óc, lòng, tim, gan...

Nhóm rau, quả


 

- Các loại quả ngọt vừa:  dưa hấu, dưa vàng, cam, nho, táo, thanh long....

- Ăn đa dạng các loại rau để cung cấp vitamin và chất xơ

- Các loại quả nhiều ngọt như: quả sấy khô, quả sầu riêng, na, mít...

Một số lưu ý đối với bệnh nhân COPD

- Khi ăn uống cũng tiêu hao năng lượng à nên nghỉ ngơi 15-20 phút sau ăn

- Ngồi dậy sau ăn giúp tiêu hóa tốt hơn và giảm áp lực lên phổi.

- Áp dụng phương pháp thở mím môi trước và sau bữa ăn, hạn chế nói chuyện trong khi ăn khi người bệnh khó thở nhiều.

- Uống nước cuối bữa ăn để tránh cảm giác no sớm.

- Ăn các bữa nhỏ thường xuyên, khi đỡ mệt mỏi hơn thì ăn bữa lớn hơn

- Uống đủ nước để làm loãng đờm

- Không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích

- Không hút thuốc lá.

Thực đơn mẫu

Ví dụ: Thực đơn :  Năng lượng: 1700kcal/ngày; Protid: 85g (20%), Lipid: 30%, Glucid: 50% cho người bệnh 50-55 kg

Bữa ăn

Thực phẩm

Định lượng

Đơn vị thường dùng

Bữa sáng

Phở thịt gà

Bánh phở

150g

1 lưng bát to

Thịt gà nạc

60g

Rau thơm, giá đỗ

30g

Bữa phụ sáng

Bơ dầm sữa chua

Quả bơ vỏ xanh

100g

½ quả vừa

Sữa chua

100g

1 hộp

Bữa trưa:

Cơm, cá trắm xốt cà chua, bí xanh luộc, nước rau luộc

Gạo tẻ

80g

1 miệng bát con cơm

Cá trắm

80g (cả xương 120g)

1 khúc vừa

Cà chua

50g

1 quả nhỏ

Dầu ăn

8ml

1.5 thìa cà phê

Bí xanh luộc

200g

1 lưng bát con

Bữa phụ chiều

Dưa hấu

100g

2 miếng nhỏ

Bữa tối

Cơm, thịt nạc rim, đậu phụ luộc, rau muống xào

Gạo tẻ

80g

1 miệng bát con cơm

Thịt nạc rim

70g

7-8 miếng mỏng

Đậu phụ luộc

60g

1bìa nhỏ

Rau muống xào

200g

1 lưng bát con

Dầu ăn

10ml

 2 thìa cà phê

Bữa phụ tối

Sữa năng lượng chuẩn

200ml

1 cốc 200ml

Thực phẩm thay thế tương đương

Nhóm đạm: 100g thịt lợn nạc tương đương với: 100g thịt bò, thịt gà; 120g tôm, cá nạc.

Nhóm chất bột đường: 100g gạo tương đương 2 lưng bát cơm; 100g miến, 100g phở khô; 100g bún khô; 250g bánh phở tươi; 300g bún tươi; 400g khoai củ các loại.

Nhóm chất béo: 1 thìa dầu ăn (5ml) tương đương với 8g lạc hạt, 8g vừng.

Muối: 1g muối ăn tương đương với 5ml nước mắm, 7ml nước tương.

ThS.BS. Trần Thị Thắm

Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai

 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image