BSCKII. Phạm Liên Hương, Trung tâm Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai sẽ giúp bạn hiểu về các triệu chứng sớm của bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch. Để từ đó có hướng kiểm soát và điều trị kịp thời.
Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết các dấu hiệu để nhận biết nguy cơ mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch?
BSCKII. Phạm Liên Hương: Các dấu hiệu điển hình để nhận biết bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch bao gồm:
- Xuất hiện các vết bầm tím không rõ nguyên nhân.
- Xuất huyết dưới da, thể hiện qua các đốm đỏ nhỏ (petechiae) trên da.
- Tiểu máu hoặc phân có máu.
- Chảy máu chân răng hoặc mũi.
- Kinh nguyệt kéo dài hoặc nhiều hơn bình thường.
Đây là một bệnh hiếm gặp, với tỷ lệ mắc khoảng 1 trên 10.000 người. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở trẻ em và phụ nữ.
Phóng viên: Bác sĩ có thể cho biết nguyên nhân sinh bệnh và cách ngừa bệnh?
BSCKII. Phạm Liên Hương: Có thể kể đến 3 nhóm nguyên nhân sau:
- Tự miễn dịch: Hệ thống miễn dịch bị rối loạn tự sinh ra các kháng thể tấn công và phá hủy tiểu cầu.
- Nhiễm trùng hoặc bệnh lý khác: Có thể do nhiễm trùng HIV, viêm gan hoặc vi khuẩn H. pylori (vi khuẩn gây tình trạng loét dạ dày). Ở trẻ em, giảm tiểu cầu có thể xuất hiện sau khi nhiễm virus như quai bị hoặc cúm. Hoặc là kết quả của các bệnh lý khác như lupus, bệnh lý từ tủy xương (suy tủy, lơ-xê-mi cấp…).
- Thuốc và vaccine: Một số thuốc và vaccine có thể kích hoạt phản ứng tự miễn, dẫn đến giảm tiểu cầu miễn dịch.
Hiện nay chưa có biện pháp phòng ngừa cụ thể cho giảm tiểu cầu miễn dịch do bệnh có nguyên nhân tự miễn. Tuy nhiên, nếu quản lý tốt các bệnh tự miễn khác và hạn chế sử dụng thuốc không cần thiết có thể sẽ giảm được những nguy cơ mắc bệnh.
Bác sĩ Trung tâm Huyết học và truyền máu thăm khám cho bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch đang điều trị tại Trung tâm
Phóng viên: Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh có biến chứng nguy hiểm gì không, thưa bác sĩ?
BSCKII. Phạm Liên Hương: Nếu không được phát hiện và điều trị, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch có thể dẫn đến chảy máu nghiêm trọng, bao gồm chảy máu não hoặc nội tạng, có thể gây tử vong. Chảy máu nội sọ là một biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của bệnh.
Phóng viên: Bác sĩ có thể cho biết ai có nguy cơ mắc bệnh này?
BSCKII. Phạm Liên Hương: Trẻ em sau nhiễm trùng virus; Phụ nữ từ 20 - 40 tuổi; Người có bệnh tự miễn khác như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp là những nhóm có nguy cơ mắc bệnh.
Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nam giới, đặc biệt trong độ tuổi sinh sản.
Phóng viên: Vậy người bệnh sẽ cần làm những xét nghiệm gì để xác định bệnh?
BSCKII. Phạm Liên Hương: Các xét nghiệm để xác định bệnh bao gồm:
- Xét nghiệm công thức máu: Để kiểm tra số lượng tiểu cầu.
- Tủy đồ: Đôi khi cần thiết để loại trừ các bệnh lý khác như bạch cầu cấp.
- Xét nghiệm kháng thể kháng tiểu cầu: Để xác định sự hiện diện của kháng thể chống lại tiểu cầu.
- Các xét nghiệm khác để loại trừ nguyên nhân thứ phát: Các xét nghiệm về virus ( HIV, HbsAg, HCV, CMV…), xét nghiệm bệnh hệ thống ( ANA, dsDNA, Coombs TT,GT…), test tìm vi khuẩn HP…
Vết bầm tím không rõ nguyên nhân là một trong những dấu hiệu của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch
Phóng viên: Hiện nay có những phác đồ nào để điều trị bệnh, thưa bác sĩ?
BSCKII. Phạm Liên Hương: Có các phương pháp điều trị tối ưu sau:
- Điều trị bằng corticosteroid: Giúp giảm phản ứng miễn dịch và tăng số lượng tiểu cầu.
- Immunoglobulin truyền tĩnh mạch (IVIG): Sử dụng trong các trường hợp cấp tính để tăng nhanh số lượng tiểu cầu.
- Thuốc đồng vận thụ thể thrombopoetin (Eltrombopag và Romiplostim): có tác dụng kích thích tủy xương tạo tiểu cầu
- Cắt lách: Được xem xét nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
- Rituximab: kháng thể đơn dòng chống lại CD 20 ở tế bào lympho B, làm giảm sinh kháng thể chống tiểu cầu.
Phóng viên: Bác sĩ có lời khuyên gì cho người dân để phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh?
BSCKII. Phạm Liên Hương: Người dân nên chú ý theo dõi sức khỏe định kỳ, đặc biệt nếu có tiền sử bệnh tự miễn hoặc triệu chứng nghi ngờ.
Với những người đã mắc bệnh nên cẩn thận tránh các hoạt động gân chấn thương dẫn đến nguy cơ chảy máu.
- Không tự ý dùng thuốc: Tránh sử dụng aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ, vì chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như xuất hiện các đốm đỏ, bầm tím không rõ nguyên nhân, hoặc chảy máu kéo dài, nên tìm kiếm sự tư vấn và điều trị kịp thời từ chuyên gia y tế.
- Chuyên khoa cần khám: Nên gặp bác sĩ chuyên khoa Huyết học hoặc Nội tổng quát để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị.
Diệu Hiền
Tại Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Huyết học và Truyền máu đã triển khai điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh lý huyết học ác tính và lành tính với trên 10 năm kinh nghiệm, cùng với sự phối hợp chuyên môn đa chuyên khoa như: Hồi sức tích cực, Dinh dưỡng, Dược lâm sàng, Bệnh nhiệt đới, Hô Hấp, Tiêu hoá, Chẩn đoán hình ảnh…
Nếu muốn khám sàng lọc bệnh tại Trung tâm Huyết học và Truyền máu - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân có thể liên hệ:
Hotline: 086.958.7730 hoặc đến khám tại Phòng 107 toà nhà B1.