Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

DINH DƯỠNG ĐỐI VỚI NGƯỜI BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH

Là chủ đề buổi sinh hoạt Câu lạc bộ dành cho người nhà người bệnh tại Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai ngày 2/4/2024. Chương trình do Phòng Công tác xã hội phối hợp với Trung tâm hô hấp, Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng tổ chức dành cho gần 80 người bệnh và người nhà người bệnh tại Trung tâm.

Mở đầu chương trình, CN Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Giang - Trung tâm Hô hấp đã nêu rõ những nội quy trong buồng bệnh, quy định về phòng cháy chữa cháy cũng như giải đáp các thắc mắc của người nhà người bệnh về mức hưởng bảo hiểm y tế của người bệnh cũng như nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng thuốc lá trong Bệnh viện.

Tiếp nối chương trình, ThS.BS Trần Thị Thắm - Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng cho biết: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh mạn tính và có những đợt cấp làm người bệnh phải nhập viện. Thông thường ở người bệnh mắc COPD cần tiêu tốn nhiều năng lượng cho quá trình hô hấp hơn người bình thường dẫn đến suy dinh dưỡng năng lượng và protein (suy mòn cơ thể) và được xem là hậu quả của tiến triển bệnh.


 

BS. Thắm nhấn mạnh với những người bệnh này thì chế độ ăn uống và chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều bị bệnh như: Tăng cường hệ thống hô hấp, sửa chữa các mô của cơ thể, ngăn ngừa nhiễm trùng, giảm tác dụng phụ của một số loại thuốc, phòng ngừa, giảm tình trạng suy dinh dưỡng cũng như góp phần cải thiện, duy trì chức năng hô hấp.

Đối với những bệnh nhân COPD thì Carbonhydrate (tinh bột) tạo ra nhiều CO2 trong máu hơn dẫn đến người bệnh COPD thải CO2 khó khăn hơn và hấp thụ Oxy nhiều hơn vì cơ thể cần carbonhydrate để tạo năng lượng. Ngoài ra, người bệnh cần chọn thực phẩm lành mạnh như: ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau; Hạn chế đồ ăn có nhiều carbonhydrate chứa nhiều đường đơn như: bánh quy, khoai tây chiên, kẹo… Bữa phụ thay bằng đồ ăn chứa protein và chất béo lành mạnh: Quả bơ, hạnh nhân, sữa năng lượng chuẩn.

BS Thắm cho biết thêm với những người bệnh COPD có thể gặp triệu chứng như khó thở, khô miệng, mệt mỏi và cảm giác no sớm. Người bệnh COPD nên chia nhỏ bữa, cho dạ dày tránh đầy và cho phép phổi nở ra. Bên cạnh đó thì các sản phẩm như: Sữa chua, sữa công thức, trứng… là nguồn protein tốt; Ngoài ra, người bệnh cần giảm lượng muối ăn vào nếu huyết áp cao hoặc cơ thể giữ nước; Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn như : xúc xích, thịt hộp, khoai tây chiên… Tránh thực phẩm có hơn 300 mg muối mỗi khẩu phần. Để tránh nguy cơ mệt mỏi đối với người bệnh, Bs Thắm cũng khuyến cáo nên ngơi 15-20 phút sau ăn; Ngồi dậy sau ăn giúp tiêu hóa tốt hơn và giảm áp lực lên phổi; Ăn các bữa nhỏ thường xuyên và ăn bữa lớn khi đỡ mệt mỏi hơn. Người bệnh COPD nên uống đủ nước ( 6-8 cốc/ngày); Tăng cường chất xơ ( 25g-35g/ ngày)  ( ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây…); Tập thể dục; Khi chế biến chú ý thực phẩm mềm, soup, bánhpudding, chuối…


 

Bs Thắm cũng đưa ra lời khuyên với những người bệnh COPD cần lựa chọn những thực phẩm giàu canxi giúp xương chắc khoẻ như sữa, phomai, sữa chua và vitamin D. Ngoài ra còn có các dạng canxi từ sữa như rau lá xanh, cam, hạnh nhân và đậu. Các thực phẩm giàu chất xơ như rau, trái cây, các loại đậu nguyên hạt, gạo nguyên cám ngăn ngừa táo bón và giúp kiểm soát lượng đường cũng như cholesterol. Cuối cùng là các thực phẩm giàu chất béo như Acid béo không bão hòa đa Omega 3 (PUFA) có tác dụng chống viêm và có lợi cho người bệnh COPD; Các nguồn thực vật cung cấp Omega-3 bao gồm: hạt chia; dầu hạt cải, quả óc chó, hạt lanh các loại rau lá xanh như rau bina, bông cải xanh, cải thìa, súp lơ.. Các loại sữa bổ sung DHA, EPA.

Những thực phẩm người bệnh COPD cần tránh gồm: Các loại quả ngọt nhiều, sấy khô: Chuối, mít, na, nhãn, vải… Các loại thực phẩm sinh hơi, đầy bụng: Nước uống có gas, các thực phẩm chứa nhiều sorbitol, mỡ động vật và phủ tạng động vật.


 

Cũng trong khuôn khổ buổi sinh hoạt câu lạc bộ, cán bộ Phòng Công tác xã hội đã chia sẻ về CTXH trong Bệnh viện là hoạt động hỗ trợ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân (NNBN) trong quá trình khám, chữa bệnh. Đối với BN ngoại trú: Phòng sắp xếp đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp tiếp đón, hỗ trợ BN và NNBN ngay từ Cổng Bệnh viện và tại Khoa Khám bệnh, Khoa Khám bệnh theo yêu cầu với 03 quầy thông tin hỗ trợ chỉ dẫn, phục vụ xe lăn, ô cầm tay và sách báo phục vụ người dân đến thăm khám. Đối với BN nội trú, Phòng tham gia hội chẩn ca bệnh nặng, có hoàn cảnh khó khăn với các chuyên khoa, hỗ trợ tâm lý, kinh phí điều trị cho BN tại các đơn vị, giải quyết các trường hợp BN không có người nhận/ bị bỏ rơi và BN tử vong không có người nhận. Ngoài ra, Phòng còn tổ chức đào tạo các học viên, sinh viên từ các Bệnh viện, Trường Đại học chuyên ngành CTXH. Với xã hội, Phòng cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động CTXH cộng đồng tại các địa phương khó khăn, vùng sâu vùng xa trên cả nước như tặng quà, thuốc, khám chữa bệnh, tư vấn cũng như tuyên truyền và đạo tạo tuyến dưới.

Cuối chương trình, Phòng Công tác xã hội đã gửi đến chương trình 3 tiết mục guitar đệm hát và được sự đón nhận cũng như hưởng ứng rất nhiệt tình của những người tham gia. Đồng thời, Ban tổ chức mong muốn trang bị thêm kiến thức về chế độ dinh dưỡng, các thực phẩm cần bổ sung cũng như những thực phẩm nên tránh dành cho người bệnh COPD.

Lê Đạt

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image