Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Đồng nghiệp nhớ thương nữ bác sĩ chọn cái chết để sinh con

Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh, bác sĩ Khoa Cơ xương khớp đã qua đời sau gần 3 năm từ chối điều trị ung thư tuyến vỏ thượng thận để sinh thêm một đứa con.

hanh bach mai 1542369073515906858135 15424413450091135470710

Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh (ảnh: BVBM)

Dự kiến ngày thứ ba, 20-11 tới, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai sẽ tiễn đưa người đồng nghiệp trẻ Nguyễn Thị Hạnh - bác sĩ Khoa Cơ xương khớp, đã qua đời sau gần 3 năm từ chối điều trị để sinh thêm một đứa con.

Bác sĩ Phạm Cẩm Phương - phó giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và điều trị ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai - là người đã đồng hành với đồng nghiệp Nguyễn Thị Hạnh trong suốt quá trình điều trị. 

Chị Phương kể khoảng 3 năm trước, trong một lần khám sức khỏe tại cơ quan, bác sĩ Hạnh được phát hiện có khối u và sau này xác định là ung thư tuyến vỏ thượng thận.

"Khi ấy Hạnh vừa qua tuổi 30, mới lấy bằng bác sĩ nội trú được hơn 1 năm và mới có một cô con gái. 

Nếu mẹ ra đi, các con có chị em đỡ đần nhau

Hạnh được phẫu thuật cắt bỏ khối u, lúc ấy đã có di căn, nhưng cô ấy từ chối các phương pháp điều trị bổ trợ để thực hiện một công việc mà cô ấy mong mỏi: sinh thêm một đứa con, để sau này cô ấy có ra đi thì các con có chị có em đỡ đần nhau" - bác sĩ Phương xúc động chia sẻ.

Rồi Hạnh sinh thêm một cô con gái, nhưng khối u tái phát ngay sau đó. Sát tết Mậu Tuất 2018 này, bác sĩ Hạnh lại được phẫu thuật, ca phẫu thuật kéo dài gần 7 giờ đồng hồ.

Khối u khi đó đã di căn khắp nơi, có hạch trong ổ bụng, trong nhiều cơ quan nội tạng, các phẫu thuật viên rất nỗ lực nhưng không thể tìm thấy và lấy hết các khối u. 

Cách tết nguyên đán 2 ngày và mới là 1 ngày sau cuộc đại phẫu, các đồng nghiệp gặp Hạnh sau khi bác sĩ trẻ vừa hồi tỉnh. Nhưng trên môi cô ấy là nụ cười. 

"Cô ấy rất kiên cường, cô ấy bảo sẽ vượt qua"- ông Nguyễn Ngọc Hiền, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Sau cuộc mổ, Hạnh còn đươc điều trị 3-4 đợt hóa chất, nhưng chứng bệnh ung thư tuyến vỏ thượng thận đáp ứng rất ít với hóa chất, trong khi ung thư đã lan tràn. 

Hạnh quyết định dừng điều trị và dành những ngày cuối cùng ở cuộc đời bên gia đình và hai cô con gái nhỏ, trong đó có con gái thứ 2 sinh sau khi Hạnh đã xác định mắc ung thư giờ mới gần hai tuổi. Cô sống thêm được 9 tháng và ra đi hôm 16-11.

"Tôi sẽ nhớ mãi cô ấy, một nữ đồng nghiệp giản dị. Cô ấy rất giỏi chuyên môn, hệ đào tạo bác sĩ nội trú là hệ đào tạo đặc biệt của ngành y, cho những người giỏi nhất"- bác sĩ Phạm Thị Bích Mận, trưởng Phòng công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Còn nhiều câu chuyện về các bác sĩ...

Kể cả bác sĩ Hạnh, đã có 4 bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai được phát hiện mắc ung thư trong khoảng 10 năm gần đây, 3 người trong đó đã qua đời, còn một người, câu chuyện của anh ấy cũng khiến rất nhiều người xúc động.

"Anh ấy là bác sĩ B., hiện đang công tác ở Khoa Điều trị tích cực. Gần 10 năm trước, khi mới ngoài 30 tuổi (bác sĩ B. sinh năm 1975), B. được xác định mắc ung thư máu thể hiếm gặp, điều trị ở VN chưa ổn, cả bệnh viện đã quyên góp tiền để hỗ trợ B. đi Mỹ ghép tủy. 

Nguồn tủy hiến chưa có, thông qua mạng lưới tình nguyện khắp thế giới trên inetrnet, một người tình nguyện tử tế đã đồng ý hiến tặng tủy cho bác sĩ B., anh ấy được ghép tủy thành công năm 2009"- ông Hiền chia sẻ.

Theo ông Đào Xuân Cơ, Trưởng Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, ngay sau khi dược ghép tủy thành công, bác sĩ B lại gặp một biến chứng của bệnh và bị mù. 

Cuộc đời của người bác sĩ trẻ tưởng như bế tắc, nhưng rồi anh ấy lại vượt qua bằng nỗ lực của chính mình và sự chia sẻ của những người đồng nghiệp. 

Giờ B. vẫn đang giữ vị trí bác sĩ ở Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, trong vai trò là bác sĩ tư vấn. Anh ấy nói tiếng Anh rất tốt và cập nhật kiến thức liên tục, bác sĩ B. cũng thường xuyên được mời giảng bài cho sinh viên y khoa và các bác sĩ nội trú.

"Tôi vẫn thường gặp bác sĩ B., anh ấy vẫn làm việc rất tốt, chỉ có điều là không nhìn thấy mặt chúng ta thôi. Cả bác sĩ Hạnh và B. đều là những người có tinh thần bằng thép, đều không bi quan trước những ngã rẽ sinh tử của số phận. 

Cách đây vài tháng, bệnh viện chúng tôi cũng chia tay một đồng nghiệp là bác sĩ Hùng, anh ấy được phát hiện mắc ung thư khi bệnh đã ở giai đoạn 4, nhưng anh ấy đã dành hết những nỗ lực của mình để chữa bệnh và sống thêm được gần 7 năm, dù gần 7 năm trước, rất ít người có thể tưởng tượng ra điều đó. Tôi tự hào về những đồng nghiệp của mình..."- ông Hiền nói.

Bác sĩ đi chữa bệnh cho mọi người, và cũng có lúc họ mắc bệnh, giống như mọi người. Nhưng khác mọi người ở chỗ bác sĩ biết điều gì ở phía trước, biết căn bệnh của mình, và họ chọn làm những điều gì ý nghĩa nhất cho cuộc sống. 

Theo bác sĩ Mận, bệnh viện và gia đình bác sĩ Hạnh đã chọn ngày tiễn đưa bác sĩ Hạnh là ngày 20-11, nhưng một lời chia tay, như một sự tri ân của một bác sĩ trẻ đã dành rất nhiều thời gian cho việc học làm bác sĩ, đã làm tốt rất tốt vai trò của một bác sĩ, đồng thời làm rất tốt vai trò của một người mẹ, và ra đi ở tuổi 33 tươi đẹp.

Nguồn: https://tuoitre.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image