Hai tháng gần đây Viện Nhi TƯ điều trị gần 50 cháu bị sởi biến chứng viêm phổi, hiện trong số này có hai cháu phải thở máy, có một cháu bị Down, tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong cao...
Từ những con số
Sở Y tế Hà Nội cũng vừa thông báo từ ngày 23 - 30.10, TP có thêm 11 ca sốt, phát ban sởi, tính từ đầu năm Hà Nội đã 168 ca, trong đó 45 trường hợp xét nhiệm dương tính với virus sởi, chiếm 50% ca sởi phía Bắc.
Cháu H.B.A, SN 2017 (8 tháng), ở xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng tử vong do sởi ngày 9.10. Sởi mắc rải rác ở 21 quận, huyện, các tuần gần đây có xu hướng tăng với trung bình là 4 - 5 ca/tuần.
Cũng từ đầu năm Viện Nhi TƯ đã điều trị cho 61 trẻ sởi biến chứng, trong đó 45% là dưới 9 tháng tuổi, chưa tiêm phòng sởi. BV Xanh Pôn thuộc Sở Y tế Hà Nội cũng tiếp nhận 17 ca bệnh sởi, đều chưa tiêm phòng. Năm nay sởi xuất hiện sớm hơn bởi thông thường đông - xuân là mùa phát sởi.
Từ đầu năm, cả nước có 229 ca sởi, giảm 27,9% so với năm 2016, tuy nhiên, dịch sởi năm 2014 - bài học rất gần - cảnh báo không để mất cảnh giác lần nữa.
Sau 3 năm tạm lắng (liệu có phải vì thế mà chương trình mục tiêu y tế quốc gia được Chính phủ thông qua năm 2012 cho giai đoạn 2012 - 2015 có nội dung khống chế số người mắc sởi dưới 1/1.000.000 dân?) thì năm 2013, từ 6 ca đầu tiên xuất hiện vào tháng 4, dịch sởi đạt đỉnh lần 1 tháng 7 (184 ca xét nghiệm dương tính với virus sởi), rồi giảm và đạt đỉnh lần 2 tháng 11 (245 ca xét nghiệm dương tính); duy trì ở mức cao trong tháng 12 (137 ca xét nghiệm dương tính); cả năm 2013 có trên 3.900 ca biểu hiện triệu chứng sởi...
Tháng 1.2014, bệnh bùng phát ở 24 tỉnh thành, có cả TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, với 993 ca bệnh và 7 tử vong; 30% ca bệnh ở Hà Nội và 50% tử vong ở Hà Nội. GS Nguyễn Văn Tuấn, thuộc Hội đồng quốc gia về nghiên cứu y khoa và y tế Australia nói rằng, từ tháng 1.2014, đã có trung bình 30 ca/ngày ở TPHCM, đến ngày 5 tháng 2 có hơn 630 ca biểu hiện bệnh sởi... Chiều 15.4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra Viện Nhi TƯ và yêu cầu bộ Y tế báo cáo tình hình sởi.
Sáng ngày 18.4, Bộ Y tế họp báo thông báo dịch sởi nhưng khẳng định không tuyên bố dịch vì nhiều lý do. Lúc này sởi đã lan rộng ra 61/63 tỉnh thành, với 8.500 ca bệnh và ít nhất 114 tử vong: Viện Nhi TƯ 105 ca, Viện Nhiệt đới TƯ 4 ca, BV Bạch Mai 2 ca, còn lại ở các nơi khác. Viện Nhi TƯ quá quá tải... do bệnh nhi sởi; BV Bạch Mai có lúc 7 bệnh nhi trên một giường bệnh.
Theo Báo điện tử Chính phủ, đến ngày 1.5 có 3.832 ca sởi được xác định trong số 12.411 ca sốt, phát ban sởi ở 61/63 tỉnh, TP; 25 ca tử vong có kết quả xét nghiệm dương tính với virus sởi (trong số 130 ca nặng xin về và đã tử vong).
Ngày 30.5, Bộ Y tế công bố tổng kết dịch với 4.602 ca xét nghiệm dương tính với sởi trên tổng số 21.639 ca sốt, phát ban nghi sởi; 142 ca tử vong và khẳng định “Việt Nam đã phản ứng rất nhanh đối với dịch sởi”, nhưng dư luận không đồng tình, hẳn nhiều người chưa quên!?
Nhận diện bệnh sởi
Gây bệnh là chi Morbilivirus, họ Paramyxoviridaevirus - một loại virus ARN, tìm thấy trong dịch tiết mũi hầu họng, máu và nước tiểu người và đến nay chỉ phát hiện một type huyết thanh. Hiếm người không mắc sởi và trên 90% mắc trước 20 tuổi.
Sởi điển hình, có ba giai đoạn ủ bệnh, tiền triệu và phát ban. Ủ bệnh, khoảng 10 - 14 ngày, không có biểu hiện gì. Tiền triệu, khoảng 5 - 15 ngày: Sốt nhẹ đến vừa; biểu hiện viêm đường hô hấp trên (ho khan, hắt hơi, chảy nước mũi); viêm kết mạc (đỏ mắt) và sợ ánh sáng; có thể viêm thanh quản cấp (khàn tiếng); nội ban (hạt Koplik) là dấu hiệu chỉ điểm, thấy ở vòm khẩu cái, khoảng 0,5 - 1mm, trắng ngà, có viền đỏ xung quanh, nổi và mất nhanh trong 12 - 24h; đôi khi giai đoạn này biểu hiện nặng ngay như co giật hoặc hoặc viêm phổi.
Phát ban: Là ban dạng dát - sẩn hơi nổi lên trên bề mặt da, sờ mịn như nhung, không đau, không hoặc ít ngứa, không sinh mủ, kích thước trên dưới 1cm; thường xuất hiện trước nhất ở vùng chân tóc sau tai, đến mặt rồi lan xuống thân trong 24 - 48h.
Ban nhẹ: Các nốt gần nhau nhưng riêng biệt. Ban nặng: Các nốt ban hợp thành mảng lớn trông như mảng xuất huyết (dân gian gọi là sởi đen).
Ban đặc biệt nặng: Chính là dấu hiệu xuất huyết. Ban lan đến chân thì hết sốt hoặc giảm nếu không có biến chứng. Rồi ban nhạt dần và mất tuần tự như phát; da trông như vằn da báo; ho có thể còn 1 - 2 tuần khi hết ban…
Sởi không điển hình: Sốt nhẹ thoáng qua, viêm đường hô hấp nhẹ và phát ban ít, tình trạng toàn thân tốt nên không nghi ngờ, dẫn đến lây nhiễm nhiều mà không biết!
Sởi không gây tử vong nhưng biến chứng sẽ tử vong. Do sức đề kháng suy giảm mạnh nên các loại vi khuẩn nhân cơ thể suy yếu gây bệnh với các biến chứng viêm phế quản, thanh quản, tai giữa, viêm phổi; tiêu chảy; bùng phát lao tiềm ẩn; viêm loét giác mạc hoặc làm mủ trong nhãn cầu gây mù lòa (nhất là trẻ suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A); viêm cơ tim cấp (do chính virus sởi), viêm não (1 - 2/1000)...; trong đó ba bệnh cảnh viêm phổi, cơ tim cấp và não gây tử vong cao (phạm vi bài viết xin không đề cập biểu hiện lâm sàng)...
Hiếm hơn là hội chứng Guillain - Barrée (biểu hiện chính là liệt vận động, mất phản xạ tiến triển); liệt nửa người; huyết khối tĩnh mạch não.
Nguy cơ sởi quay lại nếu tiêm chủng không đủ
Hilleman Walter, người điều chế vacxin sởi, cứu sống 1 triệu người mỗi năm.
Thế giới từng chứng kiến những đại dịch sởi khủng khiếp: Năm 1916, dịch sởi khắp nước Mỹ, 12.000 người chết, 75% là trẻ dưới 5 tuổi. Năm 1951, đảo Greenland, Đan Mạch, dân số 4.262 người, chỉ có 5 người không mắc sởi.
Năm 1963 đã có vacxin chống sởi và năm 1988 có vacxin 3/1 MMR (chống sởi, quai bị, rubbela) nhưng do không tiêm hoặc tiêm không đủ nên đại dịch sởi vẫn hoành hành.
Từ 1989 - 1991, có 55.622 ca bệnh, hầu hết là trẻ dưới 1 tuổi ở những nơi chưa tiêm chủng như Tây Ban Nha; bang Utah và Nevada, Mỹ...
Tháng 4.2009 - 2010, Bulgaria có 24.000 ca sởi, 24 người chết. Năm 2010, Pháp có 5.090 ca sởi.
Tháng 1 - 10.2011, có trên 26.000 ca sởi ở 36 nước Châu Âu, 83% ở Tây Âu, riêng Pháp có 14.000 ca, 7.288 ca nhập viện. TS Rebecca Martin, phụ trách chương trình vacxin EU của WHO cho biết, khoảng 30% trẻ em Pháp không được tiêm chủng!
Congo: Năm 2010 có 5.407 ca sởi, 82 tử vong; năm 2011 có 134.000 ca sởi, 1.145 tử vong; năm 2012 gần 74.000 ca; năm 2013: 54.000 ca bệnh, gần 800 tử vong; thế giới nghi ngờ báo cáo của Congo chỉ là 1/10 thực tế!...
WHO thông báo, 3 tháng đầu năm 2014, có gần 56.000 ca bệnh sởi ở 75 nước. Philippine tuyên bố dịch với hơn 17.600 ca bệnh, 69 tử vong; Trung Quốc có 26.000 ca...…
Virus sởi tuy yếu, chỉ sống khoảng 31h ngoài môi trường, nhưng sởi lây trực tiếp qua đường hô hấp, đôi khi gián tiếp qua đồ vật mới dính chất tiết mũi họng của người bệnh. Mức lây truyền sởi nhanh và cao nhất, một người có thể lây cho 20 người, vì thế nên nhanh chóng phát thành đại dịch là dễ hiểu!
Từ năm 1985, do chương trình TCMR, nước ta đã giảm tỉ lệ mắc sởi từ 91/100.000 dân năm 1986 còn 2,35/100.000 năm 2006. Tuy nhiên, chúng ta chỉ mới tạm thời kiểm soát bệnh sởi mà chưa hoàn toàn xóa bỏ được, bệnh vẫn còn tản phát, lẻ tẻ ở nhiều nơi, nghĩa là còn mầm bệnh, còn nguy cơ lay lan...
Phân tích dịch năm 2013, thấy 85% những người mắc bệnh không tiêm phòng; những người tiêm một mũi vẫn mắc (14%)... Đây là hiện tượng không đáp ứng miễn dịch ở một số cá thể người vì một vài nguyên nhân (thống kê quốc tế khoảng 5 - 7% số người tiêm phòng sởi); chính vì thế cần phải tiêm mũi 2.
Việt Nam hiện tiêm phòng sởi lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng, vì thế 45% (trong số 61 cháu sởi biến chứng viêm phổi nằm viện Nhi) mắc sởi không cần bàn vì chưa tiêm chủng. Tuy nhiên, một số nước có sởi lưu hành mạnh, tiêm chủng mũi đầu từ 6 tháng tuổi, chúng ta có nên học tập? Thứ đến, vacxin sởi không được tiêm cho người mang thai (vì là virus sống giảm độc lực), tuy nhiên nếu cải tiến để tiêm được thì tác dụng vô cùng lớn…
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, từ 2012 - 2016, TP có 32.600 trẻ chưa tiêm phòng sởi, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch khi mùa đông xuân đang ở ngưỡng cửa!
BS Bình Nguyên