Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, mấy ngày rét đậm vừa qua, số bệnh nhân đến không tăng đột ngột, nhưng các bệnh liên quan đến thời tiết lạnh đột ngột như: tăng huyết áp, đột quỵ, tim mạch… có xu hướng tăng lên, đáng chú ý có cả nhiều người trẻ - có thể nghĩ mình còn trẻ khỏe nên chủ quan.
TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai) cho rằng, về mặt thống kê, hơn 20 bệnh nhân liên quan đến tai biến mạch máu não nhồi máu cơ tim chỉ trong 3 ngày, rõ ràng có sự tăng đột biến.
Qua khai thác người nhà các bệnh nhân, nhiều trường hợp đột quỵ, nhồi máu não liên quan đến sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, đang trong chăn ấm, trong nhà ấm đi ra bên ngoài gặp rét đột ngột khiến cơ thể phản xạ gây co mạch và gây những tai biến này. Bên cạnh đó, một số bệnh nhân là người trẻ do bị tai biến, có thể họ mắc bệnh lý dị dạng mạch máu, khi gặp yếu tố thời tiết tác động gây hiện tượng co mạch làm tai biến.
“Khi ở trong nhiệt độ ấm, đi ra ngoài gặp khí lạnh đột ngột sẽ khiến các mạch máu co lại là nguyên nhân gây tăng huyết áp đột ngột, tai biến có thể xảy ra. Vì thế, việc đảm bảo làm sao không có sự chênh lệch nhiệt độ là rất quan trọng trong phòng tai biến mạch máu não ở người cao huyết áp vào ngày rét. Chỉ đơn giản ở trong nhà, nhiệt độ cỡ 20 độ C, mở cửa ra gió lạnh ùa vào, nền nhiệt chỉ khoảng 8 độ C, sự thay đổi trong tích tắc có thể ngay lập tức khiến người bệnh lên cơn đột quỵ”, TS Hùng nói.
Vì thế, TS Hùng đặc biệt lưu ý người già, những người đã có tiền sử bệnh cao huyết áp, tiền sử tai biến mạch máu não cần hết sức chú ý về sự thay đổi nhiệt độ trong những ngày giá rét này. Ông cũng khuyến cáo người già đêm hôm lạnh muốn đi vệ sinh không nên ra ngoài trời (nhất là ở các vùng nông thôn). Hệ thống vệ sinh khép kín trong nhà sẽ phòng được đáng kể nguy cơ gặp lạnh đột ngột do đang trong chăn ấm vùng dậy, mở cửa ra ngoài đi vệ sinh.
Bên cạnh đó, các bệnh lý mãn tính về hô hấp như viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mãn tính cũng tăng hơn so với thời điểm nắng ấm trước đó.
Ths.BS Phạm Thế Thạch, Khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) cho biết, 45 giường bệnh khoa Hồi sức tích cực kín chỗ, trong đó nhóm bệnh lý hô hấp người già kể trên khá phổ biến. Những bệnh nhân này gặp đợt cấp, lại thêm nhiễm lạnh gây bội nhiễm viêm phổi nên tình trạng bệnh lý càng nặng hơn.
TS Hùng cho biết thêm, mức hạ nhiệt độ nguy hiểm cho tính mạng là từ dưới 32 độ trở xuống, khi đó người bệnh có thể ngừng tim, rung thất và phải cấp cứu. Vì thế, giữ ấm cơ thể, tránh gió lùa, đặc biệt giữ ấm ngực, đôi bàn chân là rất quan trọng để cơ thể không bị hạ nhiệt. Mọi người tuyệt đối không tập thể dục vào sáng sớm, buổi tối ở ngoài trời. Khi ngủ dậy cần ra khỏi giường một cách từ từ, ra khỏi chăn là phải khoác thêm áo ấm để sẵn trong giường; không nên dậy vào lúc 4-5 giờ sáng vì lúc đó huyết áp hay tăng; không đi tiểu ngoài trời giá rét, người già có thể tiểu bô trong nhà để phòng nguy cơ tai biến.
Người già, trẻ em nếu không có việc gì tốt nhất không nên đi ra ngoài mà ở trong nhà đóng kín cửa, ăn uống đồ ấm nóng phòng các nguy cơ sức khỏe do giá rét gây ra.
Nguồn dantri.com.vn