Đây là phiên hội thảo và đào tạo liên tục lần thứ 2 về chủ đề trên, tiếp theo phiên thứ nhất đã diễn ra thành công vào ngày 25/5/2023. Phiên thứ 2 đi sâu vào phân tích những ca thực hành lâm sàng tại các bệnh viện và các vấn đề đặt ra. Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến và trực tiếp với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành Ngoại tổng hợp, Ung thư, Hồi sức tích cực, Tim mạch qua các điểm cầu tại Bệnh viện Bạch Mai, BVĐK tỉnh Quảng Ninh, BVĐK tỉnh Nghệ An.
THUYÊN TẮC HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH - CĂN BỆNH THẦM LẶNG NGUY HIỂM
Huyết khối tĩnh mạch là cục máu đông được hình thành trong lòng mạch máu, thuyên tắc xảy ra khi cục huyết khối bong ra từ nơi tạo thành và di chuyển trong mạch máu, và kẹt lại ở lòng mạch có kích thước nhỏ hơn. Tĩnh mạch là hệ thống mạch máu giúp máu lưu thông về tim, tĩnh mạch nông có thể nhìn thấy dưới da, tĩnh mạch sâu nằm trong cơ.
Huyết khối tĩnh mạch thường diễn ra ở vị trí bắp chân, vùng chậu, đùi. Tuy nhiên, biến chứng có thể xảy ra khi huyết khối di chuyển đến mạch máu phổi gây thuyên tắc phổi. Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi nhiều khi có diễn biến thầm lặng nhưng nguy hiểm, đe dọa tính mạng bệnh nhân trong khi nằm viện hoặc ngay sau khi ra viện.
Trong bài khai mạc, PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã nhấn mạnh: Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (TTHKTM) là một trong những bệnh lý phổ biến trong thực hành lâm sàng diễn ra ngay trong thời kỳ bệnh nhân nằm viện, nhiều khi thầm lặng mà hậu quả khó lường, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Đôi khi, mải chữa bệnh chính mà chúng ta quên mất bệnh phụ, nhưng cũng rất nguy hiểm có thể khiến bệnh nhân tử vong, hoặc khó xử lý khi để diễn biến nặng. Nếu không có những biện pháp dự phòng và điều trị đúng TTHKTM cho bệnh nhân thì nhiều cuộc phẫu thuật đáng lý ra thành công tốt đẹp lại bị có kết cục xấu bởi hậu quả của TTHKTM. Hội thảo phiên thứ 2 lần này với những thực tế sinh động qua các ca thực hành lâm sàng cùng với sự cập nhật những kiến thức chuyên môn mới nhất từ các chuyên gia hàng đầu sẽ giúp các bác sĩ tuyến cơ sở có thêm những thông tin hữu ích để ngay lập tức hành động, giúp các bệnh nhân tránh nguy cơ tử vong do TTHKTM sâu và thuyên tắc phổi trong thời gian nằm viện và sau khi ra viện.
TS.BS Trần Quế Sơn - Giảng viên Bộ môn Ngoại, Trường Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Bạch Mai có bài báo cáo: Ca lâm sàng dự phòng TTHKTM trên bệnh nhân ngoại ung thư tại Bệnh viện Bạch Mai qua quá trình phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân nam cao tuổi có nhiều bệnh nền, ung thư đại tràng. Sau phẫu thuật đại tràng 8 ngày thì có biểu hiện chân phải sưng nề và hạn chế vận động, với các thông tin cận lâm sàng và đánh giá nguy cơ theo thang điểm Caprini, cho thấy bệnh nhân có nguy cơ cao TTHKTM. Sau khi đánh giá nguy cơ xuất huyết ở bệnh nhân, cho thấy bệnh nhân không có chống chỉ định với điều trị thuốc kháng đông, các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân được dự phòng TTHKTM theo các khuyến cáo và đem lại kết quả khả quan. Từ thực tiễn ca lâm sàng nêu trên với phần thảo luận sôi nổi giữa các điểm cầu trực tuyến với nhiều câu hỏi đặt ra, các chủ tọa đã có kết luận đối với những bệnh nhân ung thư cao tuổi, hoặc đa chấn thương, mắc nhiều bệnh nền, nên dự phòng TTHKTM trước mổ bằng phương pháp cơ học, hoặc cân nhắc phương pháp dược lý sau khi hội chẩn liên khoa, thận trọng với nguy cơ chảy máu và nguy cơ tắc mạch. Sau khi phẫu thuật, ngay lập tức quan tâm liều dự phòng hoặc liều điều trị TTHKTM theo thang điểm, các chỉ số sinh tồn...
TS.BS Nguyễn Đức Phúc - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An báo cáo ca lâm sàng dự phòng TTHKTM trên bệnh nhân hồi sức tích cực (ICU). Qua trường hợp bệnh nhân nam cao tuổi, có bệnh nền huyết áp cao, nhập viện với bệnh viêm phổi cộng đồng mức độ nặng, suy hô hấp, suy thận. Bệnh nhân phải đặt nội khí quản, duy trì vận mạch và có chống chỉ định với thuốc chống đông. Bệnh nhân đã được chỉ định dự phòng TTHKTM bằng tất áp lực y khoa. Sau 7 ngày điều trị tích cực tại ICU đã cai được máy thở, nguy cơ chảy máu giảm, và tiếp tục được điều trị dự phòng TTHKTM bằng thuốc Enoxaparin 40mg cho tới ngày ra viện và khuyến khích vận động sớm. Qua trường hợp bệnh nhân ICU với phần thảo luận thú vị, các chủ tọa đã đưa ra những ý kiến xác đáng: Đối với những bệnh nhân ICU có thể hồi phục và ra khỏi ICU, tuy nhiên lại có thể tử vong vì thuyên tắc tĩnh mạch sâu chi dưới hoặc thuyên tắc mạch phổi. Vì vậy, ngay trong quá trình điều trị ICU phải thường xuyên theo dõi sát sao hàng giờ, đánh giá nguy cơ tắc mạch và nguy cơ chảy máu thường xuyên theo thang điểm, để có hướng xử trí kịp thời. Khi bệnh nhân ra viện cũng cần căn cứ các yếu tố để cho liều dự phòng hay liều điều trị TTHKTM trong 3 tháng.
BSCKI. Loan Tám Bảy - Khoa Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Quảng Ninh đã báo cáo về ca lâm sàng TTHKTM trên bệnh nhân Ngoại Khoa Chấn thương chỉnh hình. Bệnh nhân cao tuổi nhập viện sau khi tai nạn gãy liên mấu chuyển xương đùi phải. Bệnh nhân đã được đánh giá có nguy cơ cao TTHKTM và không có chống chỉ định với điều trị kháng đông. Vì vậy được điều trị dự phòng TTHKTM trước khi phẫu thuật bằng phương pháp dược lý tiêm dưới da Enoxaparin 9h 4000 UI x 1 bơm. Sau khi phẫu thuật tiếp tục được điều trị dự phòng TTHKTM như trước khi phẫu thuật. Nhưng sau mổ, bệnh nhân diễn biến khó thở, phải đặt nội khí quản sau khi hội chẩn kết luận bị thuyên tắc phổi và chuyển lên Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị, truyền chống đông, kháng sinh, duy trì vận mạch, chăm sóc hô hấp, chống sốc ... Kết quả bệnh nhân được ra viện sau gần 1 tháng và tiếp tục có liều dự phòng TTHKTM. Qua những câu hỏi rất sôi nổi, chủ tọa đã có những ý kiến sâu sắc: Đây là bài học lâm sàng rất thú vị, mặc dù đã có đánh giá nguy cơ TTHKTM và cho liều dự phòng, nhưng bệnh nhân vẫn bị thuyên tắc phổi, vậy cần phải đánh giá khi bệnh nhân cao tuổi nhập viện cần tích cực thăm dò cận lâm sàng, kiểm tra chức năng thất phải tim, chụp động mạch phổi, xem xét rối loạn huyết động để có chỉ định tiêu sợi huyết, tái tạo máu.