BSCKII. Nguyễn Thị Phương Loan - Trưởng phòng Tâm thần người cao tuổi, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết: SSTT là một hội chứng do bệnh lý của não, có diễn biến từ từ và mang tính chất nặng dần. SSTT được đặc trưng bởi sự suy giảm nhiều chức năng cao cấp của vỏ não (trí nhớ, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, tri giác, suy luận, phán đoán, điều hành) mà không có rối loạn ý thức, gây suy giảm và trở ngại đáng kể cho các hoạt động nghề nghiệp, xã hội và các hoạt động sống hàng ngày của người bệnh. SSTT do nhiều nguyên nhân, trong đó Alzheimer chiếm 60-80%.
Các dấu hiệu nhận biết sớm SSTT: Mất khả năng ghi nhớ các thông tin mới (Suy giảm trí nhớ, đặc biệt là trí nhớ ngắn hạn); Khó thực hiện các hoạt động, công việc, nhiệm vụ quen thuộc; Gặp khó khăn với ngôn ngữ (thường quên những từ đơn giản hoặc thay thế những từ bất thường, làm cho lời nói hoặc viết khó hiểu); Mất phương hướng thời gian và địa điểm (có thể bị lạc ở những nơi quen thuộc như con đường về nhà, quên nơi họ ở và không biết làm thế nào để trở về nhà); Phán đoán kém hoặc giảm; Mất khả năng tư duy; Nhầm lẫn vị trí, quên vị trí đồ đạc nơi ở, làm việc; Thay đổi cảm xúc hoặc hành vi; Thay đổi tính cách; Mất tính chủ động (trở nên rất thụ động, ngồi trước tivi hàng giờ, ngủ nhiều hơn bình thường hoặc không muốn tham gia các hoạt động của gia đình, xã hội).
Tiếp nối chương trình, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân còn được tiếp thu thêm nhiều kiến thức bổ ích với nội dung “Chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ” do BSCKI Tạ Thị Hằng - Viện Sức khỏe tâm thần trình bày.