Khoa “đầu sóng ngọn gió”
Nếu câu chuyện “để đời” của bác tài là sự sống sót kỳ diệu trước “cung đường tử thần”; niềm hạnh phúc của một hồn thơ là khi đứa con tinh thần được đón nhận thì với người bác sĩ đó chính là khoảnh khắc sự sống hồi sinh nơi người bệnh.
Cứ cách dăm bảy phút, cuộc trò chuyện của chúng tôi với PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lại ngắt quãng bởi người nhà bệnh nhân tìm hỏi tình trạng bệnh thậm chí là những cuộc gọi từ quê ra nhờ ông tư vấn. Với bác sĩ Hùng, những cuộc điện thoại lúc nửa đêm không phải là điều xa lạ. Ấy vậy mà, khi người nhà bệnh nhân gọi điện thông báo rằng đang trên đường từ Lào Cai xuống viện; hỏi dấu hiệu, cách xử trí đau bụng ruột thừa… lúc 2h sáng khiến ông lại "nghĩ ngợi", lo lắng cho bệnh nhân.
Được biết, mỗi tua trực ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức gồm các bác sĩ từ nhiều chuyên khoa khác nhau như chuyên khoa Thần kinh, Chấn thương chỉnh hình, Phẫu thuật Tiết niệu… Theo TS.BS Lê Nguyên Vũ, bác sĩ trực chính ngày 30/12, sỡ dĩ bác sĩ các chuyên khoa “từ đầu tới… chân” cùng tham gia trực nhằm đảm bảo khi bệnh nhân thực tổn ở cơ quan nào sẽ có bác sĩ chuyên khoa sâu nhận biết bệnh. Việc đi buồng khám bệnh cũng có nhiều bác sĩ chuyên khoa khác nhau cùng tham gia, giúp bệnh nhân được hưởng quyền lợi điều trị cao nhất có thể.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đang khám cho bệnh nhân - Ảnh: Hữu Lan
Khoa Cấp cứu còn được gọi là khoa “đầu sóng ngọn gió” và người bác sĩ làm việc ở đây phải có “thần kinh thép”. Trong một ngày, số lượng bệnh nhân đổ về lên đến hàng trăm và mặt bệnh vốn lại phức tạp nên bác sĩ phải xử trí nhanh, chính xác thậm chí nhiều hôm chạy “quần quật”. Do đó, việc phân loại bệnh nhân có vai trò rất quan trọng, giúp các bác sĩ cấp cứu xử trí đúng, kịp thời và góp phần giảm tải cho tua trực. TS.BS Lê Nguyên Vũ cho biết, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân được phân loại thành 3 mức độ là bệnh nhân ưu tiên, bệnh nhân nặng và bệnh nhân nhẹ.
Theo đó, bệnh nhân ưu tiên là những bệnh nhân được mổ cấp cứu ngay và mổ cấp cứu trong ngày sau khi có chẩn đoán. Thứ hai là bệnh nhân nặng, bên cạnh việc đánh giá một cách tổng thể còn cần đánh giá những thương tổn có liên quan đến nhau. Còn trường hợp bệnh nhân nhẹ là những bệnh nhân thường có thể tự đến. Những bệnh nhân nhẹ cần được điều trị trong bệnh viện một thời gian, sau đó mới áp dụng kĩ thuật để giải quyết bệnh như bệnh viêm túi mật, sỏi thận…
Tuy nhiên, tâm lý chung của người nhà bệnh nhân khi có người thân nằm viện đều rất sốt sắng, mong muốn được bác sĩ xử trí ngay và luôn. Trong khi đó, tại Khoa Cấp cứu, các bác sĩ làm việc theo thứ tự ưu tiên nặng nhẹ chứ không đơn thuần theo thứ tự, ai đến trước phải được khám trước như “mua đồ ở cửa hàng”. Có lẽ, chính điều này nhiều khi dẫn đến sự hiểu lầm giữa mối quan hệ người nhà bệnh nhân - bác sĩ. “Cũng có người quát tháo, đe dọa chém này nọ nhưng lúc này bác sĩ phải bình tĩnh giải thích cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về tình trạng bệnh để họ tin tưởng và yên tâm chữa trị” - TS.BS Lê Nguyên Vũ chia sẻ.
Người bệnh chính là người thầy
Trao đổi với phóng viên, TS.BS Lê Nguyên Vũ cho biết thêm, khoảng 90% các ca phẫu thuật trong ngày 30/12 do tai nạn giao thông và để lại hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, phần lớn các ca bệnh nặng đều được chuyển thẳng lên Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong đêm mà không qua sơ cứu. Kể cả lúc 2-3h sáng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh hay Lào Cai... chuyển ra trong đêm không báo trước. Việc không tiến hành sơ cứu trước khi chuyển ra bệnh viện trung ương sẽ khiến bệnh nhân đau đớn, dễ nhiễm trùng và bệnh nặng hơn tình trạng ban đầu.
Khi xảy ra tai nạn, nhiều người thường chuyển bệnh nhân lên xe taxi, chạy thẳng lên bệnh viện mà không biết rằng việc này có thể khiến họ bị gãy xương, mất máu, xương chọc vào mạch máu gây nguy hiểm. PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng cho biết, có khoảng 50% bệnh nhân bị chết trên đường đi do không tiến hành sơ cứu ban đầu. Theo TS.BS Lê Nguyên Vũ, các vụ tai nạn thường xảy ra dọc đường quốc lộ nhưng ở đây gần như không có các biển báo chỉ đường về bệnh viện tuyến huyện, tỉnh. Việc được sơ cứu trước khi chuyển lên tuyến trung ương, tình trạng bệnh nhân sẽ tốt hơn nhiều so với việc chuyển thẳng lên tuyến trên.
Được biết, một bác sĩ tham gia mổ chấn thương sọ não không khi nào về nhà trước 12h đêm. Đúng 12h đêm, bệnh nhân P.C.H (22 tuổi, Nam Đàn, Nghệ An) bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông được chuyển vào phòng mổ. Ths.Bs Trần Đình Văn, Khoa Phẫu thuật Thần kinh I, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức là người trực tiếp mổ cho bệnh nhân H. Đến hơn 2h30 phút sáng, ca phẫu thuật mới kết thúc. Nói về những bác sĩ tham gia mổ hay còn gọi là phẫu thuật viên PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng cho biết, bên cạnh yếu tố sức khỏe, tư duy, năng khiếu họ cần có bản lĩnh.
Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng
Năng khiếu của người bác sĩ ở đây không phải là việc khéo léo tay chân đơn thuần. Nó được ví như một nghệ nhân tài hoa tự mình thiết kế, hoàn thành sản phẩm đặc sắc. Một căn bệnh ung thư vốn rất rối rắm như ung thư dạ dày có thể dính cả vào gan, lách… nếu người bác sĩ chỉ biết đi thẳng sẽ tiến thoái lưỡng nan. Cũng theo ông, tư chất thông minh, năng khiếu, sức khỏe của người bác sĩ có thể do bẩm sinh mà có. Tuy nhiên, bản lĩnh của người bác sĩ do quá trình rèn luyện mà thành. Bản lĩnh ở đây là tinh thần chịu trách nhiệm, thực hiện nhiệm vụ một cách tối ưu. Trong mọi hoàn cảnh đều phải nhận ra yếu tố được, chưa được để khắc phục, rút kinh nghiệm, nâng cao trình độ.
Vừa thăm khám cho bệnh nhân, hướng dẫn các sinh viên y khoa thực tập, bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, giảng viên bộ môn Hồi sức Cấp cứu, Đại học Y Hà Nội vừa tranh thủ trả lời báo chí. Từ câu chuyện trực tiếp cấp cứu cho cháu bé 10 tuổi bị tôn cứa cổ gây tử vong thương tâm anh “quán triệt” các sinh viên của mình tuyệt đối không để bị cuốn theo cảm xúc cá nhân. Với người bác sĩ, đây là điều tối kị vì “tay run thì sao có thể làm được việc”. Người bác sĩ không xem bệnh nhân là vật thể vô tri, vô giác nhưng nếu để cảm xúc cuốn theo sự thương tâm sẽ ảnh hưởng tới việc cấp cứu dù cho đang tiến hành trong tuyệt vọng. Trong lúc này, bác sĩ phải người bình tĩnh nhất và luôn giữ cho mình “một cái đầu lạnh và trái tim nóng”. Có lẽ, so với những gì chúng ta nhìn thấy bên ngoài, bác sĩ mới là người xót xa cho bệnh nhân của mình hơn hết thảy.
Mặt bệnh vốn phức tạp nhưng nhiều khi chính bác sĩ cũng đành bất lực cho bệnh nhân về mà nguyên nhân do người bệnh lơ là chăm sóc sức khỏe. Bác sĩ nội trú Phạm Thị Lưu, khóa 40, Đại học Y Hà Nội cho biết, nhiều trường hợp bệnh nhân để tình trạng bệnh không thể cứu vãn vì những lý do rất đáng tiếc như trường hợp nam bệnh nhân 60 tuổi vừa được con trai đưa nhập viện trong đêm. Ban đầu, bệnh nhân chỉ bị xơ gan nhẹ nhưng do tự ý uống thuốc thầy lang điều trị nên giờ bác sĩ chỉ còn nước cho về. Nếu ngay từ đầu bệnh nhân thăm khám định kỳ, gặp bác sĩ chuyên khoa thì bệnh tình có thể kiểm soát được. Do đó, ý thức tự bảo vệ sức khỏe của người dân rất quan trọng.
“Khi bệnh nhân tìm đến mình không thể gọi đó là mua - bán. Bởi con người có những tiếp xúc đặc biệt, can thiệp đặc biệt. Có nghĩa là, bác sĩ phải biết xót xa cho người bệnh, nhìn người bệnh mà xót xa, lúc nào cũng phải túc trực bên giường bệnh. Cho dù bác sĩ có giỏi đến đâu mà làm nghề không có sự cẩn thận, chu đáo thì cũng hỏng ngay tức khắc, lúc nào cũng phải túc trực bên giường bệnh mà bệnh nhân chính là người thầy của mình”- Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng trải lòng.
Nguồn Congly.vn