Đã lâu dịch sốt xuất huyết (SXH) mới lại gây “bão” như hiện nay. Trong những ngày gây sốt theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, SXH khiến những chiến sĩ áo trắng chiến đấu không ngừng nghỉ. Hàng ngàn bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên gồng mình trước những đợt càn quét của virus SXH để cứu chữa bệnh nhân. Có cả những giọt nước mắt, những thảng thốt, âu lo đã xuất hiện trên bao gương mặt mệt mỏi ấy...
Chảo lửa
Cơn bão mà các chuyên gia y tế nhận định chưa biết điểm dừng đã khiến 22 người thiệt mạng và hơn 80.000 người trở thành nạn nhân. Có mặt tại những bệnh viện lớn của Hà Nội mới cảm nhận được sức nóng mà SXH gây ra. TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho tôi một cuộc hẹn tại “chảo lửa” SXH. Câu chuyện bị ngắt quãng liên tục khi hết bác sĩ đến người nhà bệnh nhân vào trao đổi về tình trạng bệnh nhân nặng. Chiều tối, được sự đồng ý của trưởng khoa Truyền nhiễm, tôi theo chân các bác sĩ và điều dưỡng tham gia một ca trực giữa những ngày dịch SXH trở thành nỗi lo của muôn nhà.
Phòng bệnh nào cũng đông nghẹt bệnh nhân, 2-3 người một giường, người nằm co gập chân để dành cho người khác có chỗ ngả lưng truyền dịch, người khỏe hơn lựa chỗ ngồi ngay mép giường, đôi chân thõng xuống đất, gương mặt lộ rõ sự mệt mỏi và lo lắng. Tầng 2 khoa Truyền nhiễm có những phòng toàn bệnh nhân đang mang thai. Họ lo cho mình thì ít mà sợ căn bệnh ảnh hưởng đến tính mạng của thai nhi nhiều hơn. Chị H.Th.P (27 tuổi, Phú Thọ) đang mang thai tuần thứ 24 ngồi dựa vào tường, bàn tay khẽ đặt lên bụng bầu lộ sau lớp áo bệnh nhân. P. làm công nhân xây dựng ở Thanh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được vài tháng nay. Bụng mỗi ngày một to nên P. nhận công việc lo cơm nước cho chồng và đội thợ xây của công trường. Rồi P. bị sốt, lo lắng nên ngày hôm sau chị vào Bệnh viện Trung ương Quân đội khám được chẩn đoán sốt chưa rõ nguyên nhân. Đến ngày thứ 3, cơn sốt chưa dứt nên chồng đưa vào Bệnh viện Bạch Mai khám, kết quả P. mắc SXH phải ở lại viện điều trị nội trú. Bác sĩ điều trị cho biết, nguy cơ của những thai phụ mắc SXH là đẻ non, nên những bà bầu không giấu được lo lắng. Nằm giường bên cạnh P., cô gái N.Th.L. (23 tuổi, ở quận Thanh Xuân) mặt đỏ ửng, mắt khẽ nhắm vì cơn sốt đang đến. Bác sĩ Cường chỉ định cho bệnh nhân truyền dịch. Chồng L. lách từ ngoài cửa vào bên bác sĩ Cường, giọng âu lo khi cơn sốt của vợ chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Rất nhiệt tình và cẩn trọng, bác sĩ Cường trấn an người chồng rằng bệnh tình của vợ vẫn trong tầm kiểm soát của các bác sĩ. Rồi quay sang nữ bệnh nhân nằm chung giường với L., bác sĩ Cường khám, xem kết quả xét nghiệm và vui vẻ thông báo: “Tốt rồi, em có thể xuất viện, nhớ khám lại theo lịch hẹn”. Những gương mặt vốn ăm ắp nỗi lo bất chợt giãn ra. Bởi với họ, lúc này, một người được xuất viện là niềm vui chung, khiến họ tin vào khả năng của các bác sĩ, tin rằng mình sẽ là người may mắn tiếp theo khỏi bệnh. Tôi nhìn sang bên cạnh, thấy một cô gái khoác áo blouse trắng khẽ mỉm cười. Bất chợt nhìn thấy cô gái ấy cũng đang mang bầu chắc sắp đến ngày sinh, tấm bảng tên trên ngực áo ghi “Điều dưỡng trưởng phòng Nhiễm khuẩn Nguyễn Thị Nhung”.
Tôi theo Nhung đi thăm các phòng bệnh, chẳng ai nghĩ người phụ nữ đang mang thai 32 tuần ấy lại có thể di chuyển nhanh nhẹn đến thế, luôn nhiệt tình trả lời mọi thắc mắc của bệnh nhân và người nhà. Bên trong các phòng bệnh, giường được xếp nhiều nhất có thể, khoảng cách giữa các giường chỉ đủ cho bác sĩ đứng khám hoặc điều dưỡng thao tác tiêm, truyền.
Bên ngoài hành lang, người nhà bệnh nhân kiên nhẫn chờ đợi từng tia hy vọng đến với người thân của mình. Những người đàn ông ngày thường vốn mạnh mẽ mà giờ phấp phỏng đứng nhòm qua khung cửa sổ xem bác sĩ khám bệnh và chẩn đoán. Chẳng biết có nghe được điều gì không, nhưng chỉ cần có bóng bác sĩ hay điều dưỡng vào phòng là họ thấy yên tâm. Ông Nguyễn Văn Trung (54 tuổi, quận Đống Đa) đang chăm vợ mắc SXH không giấu được tâm trạng bồn chồn, hết đứng lại ngồi, nhòm qua cửa sổ để xem vợ thế nào. Ông bảo: “Bệnh nhân đông quá, nhìn nhân viên y tế tất bật mà thương. Tôi được chứng kiến có người mới vào viện, bệnh nhân đông nên phải nằm ghép, họ nổi xung, quát mắng điều dưỡng. Thế mà các cô ấy vẫn nhịn, kiên nhẫn phân tích và sắp xếp chỗ nằm cho bệnh nhân”.
Vừa dứt cuộc chuyện với ông Trung, thấy bóng bác sĩ Cường đi rất nhanh ra cầu thang, tôi vội bước theo anh. Thì ra, có bệnh nhân cấp cứu. Sảnh tầng 1 khoa Truyền nhiễm đang tập trung 4 bệnh nhân vừa được chuyển đến. Những gương mặt lờ đờ vì sốt cao, người nhà đứng chật xung quanh. Ngay lập tức, bác sĩ Cường khám và phân loại bệnh nhân để kịp điều trị. Ổn thỏa cho những bệnh nhân mới vào, lại thấy anh thoăn thoắt bước vào khu hồi sức dành cho bệnh nhân nặng. Một bệnh nhân nam bị tai nạn giao thông đang đợi ngày phẫu thuật chân không may mắc SXH. Anh vừa cẩn thận kiểm tra các thông số trên máy theo dõi, vừa trao đổi về tình trạng bệnh với người nhà.
Cách khoa Truyền nhiễm chỉ vài trăm mét là điểm nóng SXH lớn nhất trong điều trị bệnh, Bệnh viện Bệnh Truyền nhiễm T.Ư. Những ngày qua số lượng bệnh nhân đến khám dồn dập, với chưa đầy 300 bác sĩ và điều dưỡng nhưng thường xuyên tiếp nhận 800-1.000 lượt bệnh nhân đến khám mỗi ngày, chưa kể số bệnh nhân điều trị nội trú liên tục gia tăng. Ngay cả hội trường bệnh viện cũng được trưng dụng làm phòng khám và điều trị ngoại trú cho bệnh nhân SXH. Chỉ sau một ngày tận dụng hội trường bệnh viện để làm nơi điều trị, Trung tâm điều trị ban ngày đã đông kín bệnh nhân. Có thời điểm người bệnh phải nằm ghép 2 người/giường. Đây là lần đầu tiên bệnh viện này phải biến hội trường thành phòng điều trị với 20 giường bệnh. PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện phải cầu cứu sự hỗ trợ từ phía Bộ Y tế. Tư lệnh ngành Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu làm đề xuất để tạo điều kiện cho bệnh viện được tuyển nhân lực hợp đồng trong lúc nước sôi lửa bỏng như hiện nay.
Khoảng lặng
Mặc cho ngoài trời đã sẩm tối, không khí căng thẳng trong phòng giao ban của khoa Truyền nhiễm vẫn nóng như nó vốn thế suốt nhiều ngày qua. Bác sĩ, TS Đoàn Thu Trà, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm đang cùng bác sĩ nội trú trao đổi về ca bệnh nặng. Xung quanh các điều dưỡng, bác sĩ tất bật với những tập hồ sơ bệnh án. Bác sĩ, TS Bùi Đức Nguyên, Phó phòng Lây nhiễm bắt đầu nhận ca trực mới. Bệnh nhân đầu tiên của ca trực là cô gái 30 tuổi, giáo viên tại Hà Nội. Người nhà ra sức muốn bác sĩ cho nhập viện nhưng xét các yếu tố liên quan thì bệnh nhân có thể điều trị tại nhà. Phải hết sức giải thích và dẫn chứng cho thấy xung quanh toàn bệnh nhân nặng mới nhập viện điều trị mà tình trạng quá tải vẫn diễn ra, bệnh nhân mới chấp nhận về nhà dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Một điều dưỡng đang bận rộn với chồng bệnh án khẽ giật mình khi thấy người đàn ông bước nhanh vào phòng yêu cầu cho người nhà không phải nằm ghép. Hết sức từ tốn, cô điều dưỡng với vóc dáng nhỏ nhắn giải thích cặn kẽ về tình trạng quá tải đang diễn ra.
Cả tháng nay những điều dưỡng, bác sĩ không biết đến ngày nghỉ cuối tuần. Tất cả từ lãnh đạo đến nhân viên đều căng mình chống dịch. Cả khoa có 25 bác sĩ, 40 điều dưỡng với 107 giường bệnh lúc nào cũng hoạt động hết công suất. Họ phải làm việc thông trưa. Miếng cơm nuốt vội không thấy ngon, có lúc khát cũng không kịp uống nước vì bệnh nhân vào liên tục, lại khám, sắp xếp giường bệnh, giải thích cho người nhà bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang của khoa Truyền nhiễm cũng “dính” SXH khiến lãnh đạo khoa thêm lo lắng, bởi lúc này đây, thiếu 1 người thôi gánh nặng sẽ dồn lên vai những người còn lại.
Mệt mỏi - áp lực - vất vả, những cụm từ này vẫn không thể diễn tả hết công việc của nhân viên y tế trong lúc dịch SXH đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Nhịp sinh học của họ bị thay đổi từ giờ ăn cho đến giấc ngủ. Nhưng họ vẫn thầm lặng tiếp tục công việc của mình. SXH đang khiến lòng người lo lắng, cơ quan chức năng đau đầu, bệnh nhân hoang mang... Và những thiên thần áo trắng, họ biết khó có thể có những bữa cơm giản dị bên người thân...
Điều dưỡng Nguyễn Thị Nhung bảo tôi: “Chuyện xảy ra như cơm bữa chị ạ, nhiều người đòi hỏi phải có chỗ nằm riêng nhưng đến giờ phòng làm việc của nhân viên y tế còn dùng làm phòng khám thì lấy đâu cho nằm riêng. Có người hiểu thì không sao, người không hiểu họ làm ầm lên, chửi bới bọn em. Áp lực vì quá tải thêm thái độ nhiều khi không thiện chí của người nhà khiến bọn em mệt mỏi và căng thẳng lắm”.
Thái Hà/Tiền phong