Sáng 10/4, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo bàn giải pháp quản lý và hạn chế tình trạng ngộ độc rượu methanol.
Chỉ tính riêng tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong hơn 3 tháng qua đã ghi nhận 34 trường hợp ngộ độc rượu methanol, trong đó có 9 trường hợp tử vong. Đặc biệt, tại Lai Châu đã xảy ra vụ ngộ độc rượu methanol với hàng chục người nhập viện và 10 trường hợp đã tử vong.
Trước thực trạng này, sáng nay (10/4), Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo bàn giải pháp quản lý và hạn chế tình trạng ngộ độc rượu methanol.
Tại hội thảo, các bác sĩ từng chữa trị cho bệnh nhân ngộ độc methanol cho biết, tình trạng các bệnh nhân thường rất nặng. Lo sợ nhất là tình trạng tổn thương não, dây thần kinh thị giác, hoại tử não giống những trường hợp đột quỵ nặng nề, cộng thêm tổn thương nội tạng. Điều lo ngại là ngộ độc rượu methanol phải sau 24h mới xác định được, vì vậy khi vào viện bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê.
Bộ Y tế đã đưa ra phác đồ điều trị phát hiện và xử trí, hạn chế tối đa việc tử vong do ngộ độc rượu methanol. Nhưng quan trọng nhất vẫn phải là quản lý được những loại rượu có thể gây ra ngộ độc.
"Vẫn còn một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ tiếp tục lén lún đưa các sản phẩm rượu không có nguồn gốc xuất xứ ra thị trường. Đặc biệt là vẫn còn người sử dụng sản phẩm rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên sử dụng rượu không có nguồn gốc xuất xứ, không được công bố tiêu chuẩn để hạn chế tối đa hậu quả của việc ngộ độc rượu methanol" - PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết.
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã thu hồi và tiêu hủy hơn 70.000 lít rượu không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, mức xử phạt mới chỉ mang tính hình thức. Vì vậy, Bộ Y tế và Bộ Công Thương đang kiến nghị với Quốc hội sửa đổi Luật an toàn thực phẩm để nâng mức xử lý và truy tố hình sự đối với các đối tượng kinh doanh rượu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo VTV