Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Giám đốc bệnh viện Việt Đức: So sánh giá cả vật tư, hóa chất giữa các viện là khập khiễng

Liên quan đến nội dung Kiểm toán nhà nước công bố có những vật tư, trang thiết bị y tế của BV Việt Đức, như một dây truyền dịch đắt hơn viện khác đến 5 lần, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức cho rằng việc so sánh là khá khập khiễng, bởi cùng một cái tên “dây truyền dịch” nhưng có nhiều chủng loại khác nhau.

Ông Giang khẳng định, giá dây truyền huyết thanh BV mua 18.000 đồng, gấp 5 lần so với BV Bạch Mai bởi đây là dây truyền dịch đặc biệt chuyên dùng trong ghép tạng, được BV đặt riêng cho nhóm bệnh nhân đòi hỏi yêu cầu khắt khe về độ vô khuẩn, nguy cơ tắc mạch. Số lượng này chỉ có 11.000 bộ/năm. Các dây truyền sử dụng phổ biến được BV mua với số lượng kế hoạch lên tới gần 680.000 bộ/năm chỉ có giá hơn 2.800 đồng/bộ.

 GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, bộ dây truyền dịch BV mua đắt hơn viện khác 5 lần bởi đây là dây chuyên dụng chỉ dành cho bệnh nhân ghép tạng. Ảnh: H.Hải

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, bộ dây truyền dịch BV mua đắt hơn viện khác 5 lần bởi đây là dây chuyên dụng chỉ dành cho bệnh nhân ghép tạng. Ảnh: H.Hải

Hay như với hóa chất sử dụng trong xét nghiệm, loại Việt Đức mua hơn 5 triệu khác hoàn toàn loại hóa chất của BV Chợ Rẫy. Trong năm 2015, BV Việt Đức mua đến 4 loại hóa chất của 4 công ty khác nhau, có mức giá khác nhau với cùng có tên gọi là Cleaning solution.

Cụ thể, 1 loại có giá hơn 5 triệu đồng/can (Ailen) do công ty Minh Tâm cung cấp sử dụng cho máy xét nghiệm sinh hóa AU; loại 1,7 triệu/hộp (Công ty Roche - Đức) sử dụng cho các máy Cobas; 1 loại giá hơn 1,9 triệu/chai (của Nhật) sử dụng cho máy đông máu CP2000; 1 loại dùng cho máy đếm tế bào 22 thông số với giá 1 triệu đồng/chai (của Thụy Sỹ).

“Dẫn chứng như vậy để nói, cùng một loại hóa chất nhưng của nhiều hãng khác nhau, với mục đích sử dụng khác nhau ở những dòng máy khác nhau và giá cũng khác nhau. Loại giống như BV Chợ Rẫy là hóa chất của hãng Roche BV Việt Đức mua năm 2015 cũng có giá tương đương như tại BV này, với giá hơn 1,7 triệu đ/hộp", GS Giang nói.

Theo GS Giang BV Việt Đức là bệnh viện chuyên khoa hạng đặc biệt về ngoại khoa, không chỉ là hình mẫu để bệnh viện các tuyến học tập về trình độ chuyên môn, mà gồm có cả học hỏi về kinh nghiệm mua sắm trang thiết bị y tế.

“Nhiều vật tư, máy móc BV Việt Đức mua, sau đó các bệnh viện tuyến dưới đã mua, sử dụng bởi tại BV Việt Đức đã chứng minh được giá cả hợp lý, thiết bị tốt”, GS Giang nói.

Tại BV, việc thực hiện công tác đấu thầu luôn được duyệt chuẩn mực theo quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả cao cả về chuyên môn, kinh tế. Vì thế, trong 5 năm gần đây, giá kế hoạch bệnh viện đưa ra đấu thầu mua sắm trang thiết bị vật tư y tế thuốc men năm sau thường bằng hoặc thấp hơn hẳn năm trước.

“Để có được kết quả này, BV đã tham khảo rất nhiều nguồn cung cấp, chất lượng của thiết bị, thuốc men. BV Việt Đức cũng luôn được hưởng mức giá tương đối ưu đãi hơn các bệnh viện khác”, GS Giang khẳng định.

Ông Giang cho rằng nội dung Kiểm toán là hoàn toàn đúng nhưng không nên đưa ra sự so sánh vật tư của viện này với viện khác vì nếu so sánh như vậy là khá khập khiễng. Cùng một tên thiết bị nhưng có thể có hàng trăm chủng loại khác nhau, với mức giá khác nhau một trời một vực.

Tương tự, tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, GS.TS Nguyễn Anh Trí cũng đã đưa ra những bằng chứng chứng minh 1 thùng hóa chất Diff Timepac, 2x2075ml tại Viện Huyết học Truyền máu TƯ mua 42.607.000 đồng có mức giá tương đương như tại BV Bạch Mai, BV K. Cùng loại hóa chất này tại bệnh viện Chợ Rẫy có giá hơn 14 triệu đồng do khác về quy cách đóng góp, một bên là hộp, 1 bên là kit nên tính ra hàm lượng giá là tương đương nhau.

Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, BV Việt Đức cho biết sẽ báo cáo cụ thể bằng văn bản tới Bộ Y tế các vấn đề này.

Hồng Hải/Dân trí

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image