Trong những năm gần đây, dường như việc tiếp nhận, cấp cứu và xử trí cho những nạn nhân, bệnh nhân ở mức độ nặng không còn xa lạ và hiếm gặp ở bệnh xá các đảo lớn nhưXã Song Tử Tây, Thị trấn Trường Sa nữa. Ở đây, rất nhiều đối tượnglà “khách hàng” của bệnh xá, ngoài cán bộ, chiến sĩ, còn có cả người dân, ngư dân đánh bắt cá trên biển...
Tháng 9/2015, bệnh xá đảo Trường Sa tiếp nhận bệnh nhân chấn thương sọ não. Xác định bệnh nhân mất nhiều máu, và có khả năng phải truyền máu trong quá trình phẫu thuật, trong vòng 5 phút, bệnh nhân được xác định nhóm máu A. Song song với việc cấp cứu, xử trí ban đầu, bệnh xá đã thông tin kịp thời về đất liền, Bệnh viện 175 lập tức cử ekip phẫu thuật, mang theo máu dự trữ ra đảo để xử trí cho bệnh nhân. Tiên lượng bệnh nhân cần được truyền máu kịp thời, trong khi chờ máu từ đất liền ra phải mất ít nhất 3 giờ bay nênQuân Y và Chỉ huy đảo đã thống nhất huy động lượng máu tại chỗ để kịp thời cứu bệnh nhân qua cơn hiểm nghèo. Rất may là ekip y tế ở đây đã được tập huấn về truyền máu trước khi đi đảo, trong đó có một bác sĩ và một kỹ thuật viên phụ trách về cận lâm sàng và truyền máu, lại được dự trữ sẵn túi máu, huyết thanh mẫu và phương tiện để định nhóm máu nên việc truyền máu cấp cứu được thực hiện thành công.
Bác sĩ Thái Ngọc Bình, phụ trách bệnh xá, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân nhớ lại: “Sau khi phát thông tin cần máu cấp cứu, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đã có mặt ở bệnh xá, sẵn sàng hiến máu cho nạn nhân. Hai đơn vị máu đã được lấy và truyền kịp thời. Nhìn làn da đang hồng trở lại của bệnh nhân, ai cũng thở phào nhẹ nhõm…”. Tháng 1/2016, nhóm ekip của bệnh xá cũngđã thực hiện lấy và truyền 4 đơn vị máu toàn phần nhóm O, cứu chữa kịp thời cho một bệnh nhân bị chấn thương vỡ tụy.
BS Bình chia sẻ về kết quả truyền máu trên đảo Trường Sa
Anh Phan Huy Hiệu (1995), chiến sĩ trên Đảo Trường Sa cho biết: “Tôi có nhóm máu O, năm 2015 tôi đã từng hiến máu cứu nạn nhân trên đảo, việc hiến máu hoàn toàn vô hại và tôi luôn sẵn sàng hiến máu”. Còn anh Nguyễn Ngọc Hà, cán bộ Quân Y đảo Trường Sa, đã hiến máu 4 lần và khi đăng ký hiến máu dự bị đã khẳng định: “Trong mọi trường hợp cấp cứu truyền máu, cán bộ y tế thường là những người đầu tiên sẵn sàng hiến máu cho người bệnh. Việc đăng ký, xét nghiệm nhóm máu cho mình, cũng là cách rất tốt để dự trữ phương án nếu chính bản thân mỗi người không may cần truyền máu”.
Phan Huy Hiệu, chiến sĩ đã từng hiến máu cứu nạn nhân trên đảo Trường Sa
Cần có phương án cho truyền máu cấp cứu
Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thế Lưu, phụ trách bệnh xá đảo Sơn Ca cho biết, ekip của anh có 4 người, có thể thực hiện tiểu phẫu, mổ ruột thừa, cấp cứu những ca tai nạn nặng như vỡ tạng đặc, gãy xương... Việc đánh giá lượng máu mất và nhu cầu truyền máu có thể thực hiện được và tiến hành những biện pháp cơ bản như cầm máu, truyền dịch cao phân tử để duy trì khối lượng tuần hoàn. Nếu cần truyền máu thì phải gửi bệnh nhân về đất liền hoặc sang đảo lớn hơn. Nhiều khi nhìn bệnh nhân mất nhiều máu mà rất sót ruột.
Còn bác sĩ Nguyễn Đình Thành, Phụ trách bệnh xá đảo Nam Yết thì khá tự tin, “chúng tôi có một cử nhân xét nghiệm và thành thạo quy trình lấy máu, định nhóm máu. Chúng tôi được cung cấp túi lấy máu, huyết thanh mẫu để có thể thực hiện truyền máu”. Tuy nhiên, bác sĩ Thành vẫn băn khoăn: “Việc truyền máu còn ít xảy ra, nên có thể nhiều quy trình chưa được vận hành trơn tru, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm được bảo quản trong điều kiện còn nhiều khó khăn, hạn chế nên có thể ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng truyền máu”.
Ở Đảo Sinh Tồn, nhu cầu trang bị kiến thức, kỹ năng và phương án truyền máu cấp cứu càng cao hơn. Thuộc vị trí trung tâm của cụm đảo Sinh Tồn, nơi có các hộ dân sinh sống trên đảo, nhu cầu chăm sóc sức khỏe nói chung và truyền máu nói riêng là rõ rệt. Tuy nhiên, với ekip nhân lực cơ bản của đảo, nếu gặp bệnh nhân cần truyền máu thì chỉ có thể xử lý cơ bản và chuyển bệnh nhân về đất liền hoặc chờ được cung cấp máu từ đất liền. Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Đảo trưởng, đảo đã đề xuất các cấp lãnh đạo tiếp tục nâng cấp trang bị về y tế cho đảo để có thể cấp cứu những ca bệnh khó và có thể thực hiện được truyền máu cấp cứu được kịp thời.
… Và mô hình truyền máu cấp cứu đang dần hoàn thiện
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, các đảo gần bờ như Phú Quốc, Cát Hải, Lý Sơn, Cồn Cỏ… luôn có những thuận lợi nhất định và có thể dự trữ máu hoặc được cung cấp chế phẩm máu có chất lượng từ đất liền. Tuy nhiên, khi xảy ra tai nạn, thảm họa cần truyền máu với số lượng lớn hơn dự trữ hoặc không được cung cấp kịp thời, thì việc xây dựng các ngân hàng máu sống dựa trên lực lượng hiến máu dự bị tại chỗ là vô cùng cần thiết và là biện pháp hiệu quả, bền vững. “Máu được dự trữ ngay trong chính những người dân khỏe mạnh ở trên các đảo, đây là những ngân hàng máu đặc biệt”, GS Trí cho biết.
Ở các đảo xa bờ, thì tùy điều kiện và quy mô mà được chuẩn bị phương án khác nhau. Bác sĩ Hồ Sỹ Hùng, phụ trách Quân Y vùng 4 Hải Quân cho biết, lực lượng sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp đã được xác định nhóm máu và sàng lọc virus trước khi công tác ở đảo, nên có thể là lực lượng dự bị sẵn sàng hiến máu. “Các bệnh viện khi cử ekip thầy thuốc ra các đảo, đều được tập huấn và trang bị những sinh phẩm thiết yếu phục vụ truyền máu cấp cứu. Và thực tế chúng tôi đã nhiều lần truyền máu kịp thời nhờ lấy máu tại chỗ và cứu sống bệnh nhân”. Tuy nhiên, mô hình này cần hoàn thiện và nhân rộng ra nhiều đảo khác, bác sĩ Hùng cho biết thêm.
BS Phạm Tuấn Dương – Phó Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương trao thẻ hiến máu dự bị cho cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa
Chuyến khảo sát này cung cấp những thông tin bổ ích để Viện Huyết học – Truyền máu TW cùng Quân Y của Hải Quân nâng cao chất lượng truyền máu cho khu vực đảo xa, nơi quân y đóng vai trò chủ lực trong công tác chăm sóc sức khỏe. Trong đó, việc cấp thiết là xây dựng phương án, quy trình kỹ thuật và hướng dẫn cần thiết cho việc thực hiện truyền máu cấp cứu, và việc trước mắt là xây dựng các lực lượng sẵn sàng dự bị hiến máu là chính cán bộ chiến sĩ trên các đảo. “Việc cấp thẻ hiến máu dự bị cho các cán bộ chiến sĩ hải quân, sẽ là một phần của phương án này, bởi thẻ này sẽ theo các cán bộ, chiến sĩ nếu họ luân phiên phục vụ ở các địa bàn khác nhau. Vấn đề là quan tâm, quản lý thông tin và thực hiện sàng lọc virus định kỳ hằng năm cho họ”, BSCKII Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW khẳng định.
GS Phạm Quang Vinh – Trưởng khoa Huyết học truyền máu BV Bạch Mai và BS Dương trao đổi về kinh nghiệm thực hành truyền máu và chuyền giao những vật dụng thiết yếu bổ sung cho đảo Trường Sa
Hợp tác chặt chẽ quân – dân y ở khu vực biển, đảo đã mang lại những hiệu quả tích cực trong những năm gần đây. Với việc tiếp tục quan tâm, đầu tư thúc đẩy công tác truyền máu, việc cứu chữa kịp thời cho các nạn nhân, bệnh nhân cần máu ở vị trí tiền tiêu của quần đảo Trường Sa sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh ở nơi “phên dậu” của tổ quốc.
Nguồn Suckhoedoisong.vn