NGND. PGS TS Trần Quang Phục, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Dược Hải Phòng: “Lo ngại xuất hiện thế hệ cử nhân Y dược”
Quan điểm của chúng tôi, riêng trong ngành đào tạo Y dược phải được sự thẩm định của ngành y. Đặc biệt là cơ sở thực hành có đảm bảo hay không vì đào tạo ngành y, cơ sở thực hành phải chuẩn. Đấy là chưa nói đến đội ngũ giảng dạy có đáp ứng được hay không.
Ở các trường công lập, phía sau họ có rất nhiều các bệnh viện lớn. Chẳng hạn ĐH Y Hà Nội thì có bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức. ĐH Y dược Thái Bình thì có BV tỉnh. Vì thế, nhiều anh em trong ngành chúng tôi lo ngại, với một trường dân lập như thế, cơ sở thực hành sẽ như thế nào?
Chúng tôi có theo dõi thông tin qua Dân trí thì thấy, trường cho biết đã có các phòng thí nghiệm và bệnh viện thực hành Đức Giang. Tôi nghĩ, xây dựng cơ sở tiền lâm sàng (các phòng thí nghiệm) thì dễ thôi, có thể mua được nhưng có bệnh viện để thực hành mới quan trọng. Bệnh viện này phải chuẩn hóa, là viện hạng I nên một số bệnh viện tuyến tỉnh không thể đáp ứng được.
Việc trường lấy điểm đầu vào thấp quá, năng lực người học có đáp ứng được không, có thành bác sĩ được không còn tùy năng lực đào tạo của trường đó có đáp ứng nổi hay không.
Đào tạo ngành y có đặc thù rất lớn, đó là ngoài kiến thức lý thuyết cần có cả thực hành. Nếu chỉ có kiến thức sách vở mà không có thực hành hoặc thực hành không tốt, chúng tôi lo ngại chỉ đào tạo ra một thế hệ cử nhân y dược đi khám bệnh chứ không phải bác sĩ.
GS TS Lê Quan Nghiệm, nguyên Phó Hiệu trưởng, hiện đang là giảng viên Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh: “Giới chuyên môn rất lo ngại”!
Không riêng gì công luận mà cả giới chuyên môn chúng tôi cũng rất lo ngại khi trường ĐH Kinh doanh Công nghệ mở chuyên ngành đào tạo Y dược.
Tôi nghĩ, về mặt hình thức trường đã đáp ứng đủ quy định do Bộ GD&ĐT đề ra. Chúng tôi cũng không phản đối chủ trương này của bộ.
Tuy nhiên, tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là năng lực đào tạo của trường đó. Trong cam kết là như thế nhưng trên thực tế, họ có làm đúng hay không mới quan trọng.
Nhiều khi một trường tư thục rất chiều chuộng sinh viên, nhưng do triết lý kinh doanh phải luôn luôn có lãi, họ sẵn sàng “hy sinh” một số nguyên tắc đào tạo nên có thể nói, giữa lý thuyết và thực tế diễn ra sẽ rất khác nhau.
Với điểm đầu vào là 20, tôi cho rằng nó không phải quá thấp, vẫn đạt được nền tảng cơ bản của đào tạo nhưng chắc chắn những em đó sẽ không bằng các trường hợp xuất sắc hơn, dẫn đến sự khác biệt về trình độ giữa thế hệ sinh viên của trường này với sinh viên y khoa của trường khác.
Nhiều người cho rằng, để đào tạo được ngành y, nhiều trường phải đầu tư hàng chục tỉ đồng cho mỗi phòng thí nghiệm nhưng theo tôi, hàng chục tỉ thì vẫn còn rất thấp so với một trường đào tạo ngành y.
Thứ nhất, yêu cầu trường đó phải có các phòng thí nghiệm để học ban đầu, sau đó chuyển qua huấn luyện lâm sàng. Đây cũng là điểm khó khăn của các trường đào tạo ngành y công lập chứ chưa nói đến trường dân lập bởi phía sau họ phải có các bệnh viện lớn.
Thường thường, các trường có truyền thống đào tạo ngành y dược, sau lưng họ có các bệnh viện công lập lớn trên địa bàn nhưng một trường dân lập mới mẻ, tôi không biết họ tính toán ra sao với việc này.
Tôi đã từng tham gia thẩm định giúp một số trường mở mã ngành thì thấy có hai phương án: Nếu đầy đủ cơ sở vật chất, đơn vị đó phải đầu tư rất sớm. Thứ hai, các trường có thể cam kết đào tạo tới đâu sẽ đầu tư tới đó.
Vì thế, đáng ra khi vào đào tạo chuyên ngành thì phải đầy đủ cơ sở vật chất nhưng nhiều trường hiện đang nhập nhèm giữa hai phương án này nên mới có chuyện khi được quyết định mở mã ngành nhưng chỉ được vài chục giáo viên, trường đã tuyển ồ ạt hàng trăm sinh viên.
Vì thế, những người trong ngành như chúng tôi rất lo lắng, trường này có tuân thủ các nguyên tắc như đề án mở ngành đã đưa ra hay không?
Ngoài ra, qua theo dõi thông tin trên báo giới, tôi được biết trường hiện chưa có nhà xác. Là người nhiều năm trong nghề tôi thấy, trước hết các em phải học lý thuyết, sau đó đến học trên mô hình, tiếp theo là học trên xác ướp và học trên xác tươi.
Việc học tập trên xác người là chủ yếu và một trong những phần rất quan trọng, không thể thiếu trong ngành y. Từ học giải phẫu sinh lý mới có thể biết được cơ thể người thế nào, khám bệnh ra sao.
Nếu tính tổng chi phí của các học phần/năm thì chi phí cho việc học giải phẫu trên xác thật là đắt đỏ nhất và vô cùng quan trọng.
Ở các trường như chúng tôi, chi phí xây dựng một nhà xác với công nghệ làm lạnh, chi phí để bảo quản các xác sau khi được hiến rồi đưa đi chôn cất còn tốn hơn gấp rất nhiều lần so với một người qua đời và đưa đi chôn thông thường.
Tôi không hiểu những điều này, nhà trường sẽ giải quyết thế nào để đầu năm sau đã có thể mở khóa đào tạo đầu tiên được.
“Không thể mở ngành Y tràn lan”
Chia sẻ với PV Dân trí, một lãnh đạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, tất cả các trường khi được mở ngành đào tạo phải qua một quy trình thẩm định vô cùng chặt chẽ. Trước hết, phải thiết lập một chương trình, có đầy đủ giảng viên, cơ sở vật chất được thẩm định.
“Việc này đã được quy định rất rõ ràng nên tôi nghĩ, một khi họ đã được có quyết định thành lập, nghĩa là họ đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra của Bộ GD&ĐT. Vì thế, chúng tôi không dám có ý kiến gì về quyết định này do chưa tường tận được tất cả mọi việc”, lãnh đạo này cho biết.
Được biết, theo khảo sát trước đây của trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, nhiều em loanh quanh 20 điểm cũng không bị tụt lại nếu em đó biết cố gắng. Vì thế, việc lấy điểm đầu vào thấp không thể kết luận em học sinh đó sau này sẽ có đầu ra kém.
“Tôi không khẳng định trường đó tốt hay xấu nhưng có thể thấy, một học sinh sẽ trở nên tốt hay không tốt, còn tùy thuộc vào việc giảng dạy của trường đó ra sao.
Một em có điểm đầu vào chỉ khoảng 7 điểm/môn nhưng biết cố gắng, nhà trường đào tạo tốt, trong 6 năm học họ vẫn đủ năng lực học rất tốt. Tuy nhiên nếu một em có đầu vào cao nhưng trường đào tạo chưa tốt, chưa chắc học sinh đó trở thành được bác sĩ giỏi”, ông chia sẻ.
Về việc nhiều người lo ngại, nếu quá dễ dãi khi cho phép mở mã ngành sẽ dẫn đến “phổ cập bác sĩ” trong thời gian tới, lãnh đạo này cho rằng để làm đúng quy định khi mở ngành đào tạo Y khoa rất khó. Trước hết, đội ngũ giáo viên của trường phải đủ và đáp ứng được khoảng 80% chương trình.
Về cơ sở vật chất để đào tạo ngành y cũng khác với các trường thông thường, phải có đầu tư vô cùng tốn kém, thậm chí đến hàng chục tỉ đồng trở lên cho mỗi phòng thí nghiệm.
Mỗi trường đào tạo y khoa như vậy, ít nhất phải có 8 phòng thí nghiệm với đầy đủ trang thiết bị trở lên, nên các trường không thể mở ngành này tràn lan.
Nguồn dantri.com.vn