Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Giúp tuyến dưới chủ động kỹ thuật cao

Nhờ được chuyển giao, đào tạo từ các chuyên gia bệnh viện hạt nhân, nhiều kỹ thuật cao, ngang tầm Trung ương đã được các bác sĩ bệnh viện vệ tinh ở cơ sở thực hiện thành thục, thường quy, góp phần giảm tải cho tuyến dưới. Kỹ thuật mổ thay khớp gối đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh thực hiện thường quy.

Chuyển giao kỹ thuật cao, giảm tải tuyến dưới

BS Hoàng Văn Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lào Cai chia sẻ, trước đây, tại BVĐK tỉnh Lào Cai, khi gặp bệnh nhân bị sỏi hệ tiết niệu – bệnh lý bà con vùng cao rất hay gặp, các bác sĩ phải mổ một đường rất lớn để gắp viên sỏi chỉ khoảng 1cm ra. Nhưng nay, bằng kỹ thuật tán sỏi niệu quản qua nội soi ngược dòng bằng laser – một phương pháp hiện đại có thể tán được tất cả các loại sỏi, kể cả những viên sỏi có kích thước lớn mà không gây tổn thương niệu quản, viên sỏi trong hệ tiết niệu sẽ được “xử lý” gọn gàng chỉ 15 phút. Bệnh nhân có thể ra viện sau 1 ngày, thay vì nằm viện điều trị hàng tuần như trước đây.

Một kỹ thuật khác được các bác sĩ tại BVĐK tỉnh Lào Cai và một số BVĐK tỉnh khác là Hà Giang, Điện Biên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình cũng thực hiện thành thạo, giảm tối đa bệnh nhân chuyển tuyến Trung ương, đó là phẫu thuật chấn thương, vết thương mạch máu ngoại vi, mổ máu tụ trong não. Theo GS.TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, phẫu thuật mạch máu là loại phẫu thuật tinh tế, phức tạp nhất trong ngoại khoa, đòi hỏi kỹ thuật viên có trình độ tay nghề rất cao. Nếu phẫu thuật viên không được chuẩn bị kỹ thì dù có nối được, mạch máu cũng sẽ bị đông, bị tắc, khiến chi không được cấp máu, chỉ trong khoảng 6 tiếng, chi sẽ hoại tử, phải cắt cụt chi để cứu bệnh nhân.

Còn tại Hà Tĩnh, đầu tháng 2/2016, lần đầu tiên BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã phẫu thuật lấy thai và cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn thành công cho một sản phụ mắc bệnh tim nặng, thai có dây rau quấn cổ. Điều đáng lo lắng là vì nhịp tim sản phụ quá chậm (35 lần/phút), nguy cơ ngừng tim trong chuyển dạ và phẫu thuật rất cao, BVĐK tỉnh đã tổ chức hội chẩn toàn viện tìm phương án xử trí, xin ý kiến chuyên gia đầu ngành tại Trung ương, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định tiến hành cấy máy tạo nhịp tim tạm thời cấp cứu để phẫu thuật lấy thai. Hai ngày sau phẫu thuật lấy thai, Khoa Tim mạch đã khám, đánh giá tình trạng sản phụ, tiến hành cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho bệnh nhân thành công.

Trước đây, khi gặp những tình huống tương tự, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh rất khó xử lý và thường phải chuyển tuyến trên. Đến nay, kỹ thuật cấy thành công máy tạo nhịp tim vĩnh viễn đã được các bác sĩ thực hiện thành thạo. Đây là một trong số hơn 70 kỹ thuật cao, có những kỹ thuật ngang tầm các bệnh viện Trung ương, mà BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã được chuyển giao và thực hiện thành công nhờ Đề án Bệnh viện vệ tinh (BVVT) của Bộ Y tế. Trong giai đoạn 2013-2015, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh là BVVT của 4 Bệnh viện hạt nhân gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Tim Hà Nội. Giai đoạn 2016 - 2020, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh sẽ là BVVT của thêm 2 bệnh viện: Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương.

Chuyên gia giỏi "xắn tay" cùng xuống y tế cơ sở

Chia sẻ về những kết quả đạt được trong 2 năm qua của mô hình Bệnh viện vệ tinh và Đề án Giảm quá tải bệnh viện, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: "Giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện là một trong các nhiệm vụ ưu tiên của ngành Y tế. Tới thời điểm hiện tại, đã có nhiều bệnh viện được cải tạo, xây mới. Số giường bệnh ở bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối đã tăng thêm. Mạng lưới BVVT phát triển với 15 bệnh viện hạt nhân và 53 bệnh viện vệ tinh ở 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tình trạng nằm ghép tại các bệnh viện đã được cải thiện rõ nét...".

Nhiều BVVT đã làm chủ và thực hiện thường quy các kỹ thuật do bệnh viện hạt nhân chuyển giao, 37,5% số BVVT đã có xu hướng giảm tỷ lệ chuyển tuyến chuyên khoa tiếp nhận do được chuyển giao kỹ thuật như: BVĐK tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tiền Giang; Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ; Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai...

Đánh giá kết quả bước đầu cho thấy hiệu quả của các Đề án rõ rệt, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, từng bước giảm quá tải BVVT của 5 chuyên khoa. Các BVVT được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, có kinh phí đối ứng đã có bước phát triển toàn diện, vượt bậc.

Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, trong quá trình thực hiện Đề án vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn như: Một số địa phương đã tham gia đề án giai đoạn 2013-2015 nhưng chưa cấp hoặc cấp chưa đủ kinh phí đối ứng, chưa đầu tư trang thiết bị, chưa bố trí đủ nhân lực cho BVVT để bảo đảm điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trên; hiện nay còn 25/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có BVVT; tình trạng quá tải vẫn còn ở một số bệnh viện tuyến Trung ương và đặc biệt là bệnh viện tuyến dưới ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội.

Nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh

Để tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến dưới, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ngày càng tăng của nhân dân, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, cần tiếp tục tăng cường thực hiện, nhân rộng mô hình BVVT, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, đặc biệt cần có sự tham gia của cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, mở rộng mạng lưới BVVT. Trong đó nêu rõ, các giải pháp giảm quá tải bệnh viện được thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững hơn ở các tuyến, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Y tế, các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo mở rộng mạng lưới BVVT, ưu tiên đầu tư cho các BVVT bảo đảm có đủ điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật. Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện tuyến trên tăng cường chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, một tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các bệnh viện; công bố danh sách các bệnh viện đủ tiêu chuẩn làm bệnh viện hạt nhân để các BVVT lựa chọn đề xuất hỗ trợ chuyên môn; khẩn trương ban hành quy định để các chuyên gia, bác sĩ giỏi ở các bệnh viện hạt nhân có trách nhiệm tham gia khám, chữa bệnh ở các BVVT. Không phân biệt bệnh viện nhà nước hay bệnh viện tư nhân trong lựa chọn bệnh viện hạt nhân, BVVT.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ y tế từ xa

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết: "Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, nhóm giải pháp giảm quá tải bệnh viện, đặc biệt là khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng mới bệnh viện ngoài công lập, hợp tác với các bệnh viện nhà nước; thực hiện chế độ cơ sở y tế tuyến trên định kỳ cử chuyên gia, bác sĩ đến khám, chữa bệnh tại cơ sở tuyến dưới, nhất là ở các vùng khó khăn; chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ngành sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống hỗ trợ y tế từ xa (telemedicine) trong việc hội chẩn, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, tư vấn, hội thảo, đào tạo giữa các bệnh viện và hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở trên cơ sở gắn với mô hình Bác sĩ gia đình, bảo đảm phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng vùng, miền; triển khai nhân rộng kết quả thực hiện thí điểm mô hình Bác sĩ gia đình...".

Phấn đấu ít nhất mỗi tỉnh có một đơn vị tham gia mạng lưới bệnh viện vệ tinh

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016, Bộ Y tế đã đưa ra 7 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Giảm quá tải bệnh viện; đổi mới cơ chế tài chính các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; thực hiện Luật BHYT và lộ trình BHYT toàn dân; tăng cường y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu; phát triển nhân lực; thí điểm khám, chữa bệnh theo yêu cầu; nâng cao hiệu quả thông tin - truyền thông - giáo dục sức khỏe.

Ngành Y tế đã đưa một loạt giải pháp tổng thể và đồng bộ để thực hiện mục tiêu quan trọng là giảm tải bệnh viện. Đó là cải tiến quy trình khám bệnh để giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân; phát triển mạng lưới BVVT; tăng số cơ sở y tế, giường bệnh; đẩy mạnh và nâng cao đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ cho tuyến dưới...

Kết quả số giường bệnh/1 vạn dân đã tăng từ 21,5 giường năm 2011 lên 24 giường năm 2015. Quy trình khám bệnh giảm từ 12-14 bước còn 4-8 bước (tùy theo loại hình), so với năm 2012 thời gian khám bệnh giảm trung bình 48,5 phút/1 lượt khám bệnh. Tỉ lệ chuyển tuyến của 46 BVVT đang có xu hướng giảm rõ rệt. Công suất sử dụng giường bệnh tại 25% số bệnh viện tuyến huyện tăng lên. Nhờ đó, tình trạng quá tải ở nhiều bệnh viện Trung ương và tuyến dưới được cải thiện.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tham mưu trình Chính phủ việc ban hành Chỉ thị đến các địa phương, đồng thời ngành cũng đã có kế hoạch như sắp xếp chương trình làm việc giữa các bệnh viện hạt nhân là các bệnh viện tuyến dưới, với các BVVT, giúp đào tạo chuyển giao nhân lực; chuẩn bị kinh phí để phục vụ đào tạo, trang thiết bị chẩn đoán từ xa, một số máy móc trang thiết bị cơ bản cho bệnh viện tuyến dưới…

Đến nay, đã có khoảng 45-47 bệnh viện tuyến tỉnh tham gia mạng lưới BVVT thuộc 5 chuyên khoa đang quá tải (sản, nhi, chấn thương chỉnh hình…). Trong năm 2016, ngành sẽ phấn đấu ít nhất mỗi tỉnh có một bệnh viện tham gia mạng lưới BVVT.

Nguồn Giadinh.net.vn

 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image