Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

GS.TS Trần Thiết Sơn: Vị "phù thủy" đem lại hạnh phúc cho người khác

Ông giúp cho nhiều mảnh đời khiếm khuyết, thiếu may mắn vượt qua số phận tìm lại chính mình. Ông là GS.TS Trần Thiết Sơn, nguyên Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Đại học Y Hà Nội, Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, người tiên phong ở Việt Nam trong phẫu thuật trả lại giới tính thực cho những người lưỡng giới.

GSTS TRAN THIET SON

GS.TS Trần Thiết Sơn vui thích vì đem lại hạnh phúc cho người khác.

Có những trường hợp điều trị được ngay từ đầu

Xin chúc mừng Giáo sư (GS) và các bác sĩ nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam! Xin được tôn vinh nghề y - một nghề vất vả, nguy hiểm, đòi hỏi sự hy sinh thầm lặng lớn lao...

Chả vất vả gì đâu! Rất vui thích! Rất sung sướng! Mình đem lại hạnh phúc cho người khác mà?!(cười) Với đàn ông tôi không thấy vất vả gì lắm! Nhưng thừa nhận các nữ bác sĩ thì vất vả gấp đôi!

Được biết GS đã xây dựng một kho dữ liệu lưu trữ, “gói” 30 năm “vui thích” với nghề. Đây là nguyên tắc nghiên cứu khoa học của GS hay còn một mục đích gì khác?

Khi còn học ở Pháp, thầy tôi và những người đi trước luôn xây dựng kho dữ liệu để những thế hệ sau có thể nghiên cứu. Đó chính là nguồn tài nguyên cực kỳ quý. Có những bệnh nhân mình chỉ gặp một lần thôi, nếu không lưu trữ thì không bao giờ tìm lại được. 

Nghề của tôi cũng là nghề giảng dạy, không thể nói chay được, phải có hình ảnh, đầy đủ từ lúc người bệnh đến viện cho đến khi trưởng thành, phát triển. Có những bệnh nhân tôi theo dõi hơn 20 năm. Đấy là nguồn tài liệu quý để giảng dạy.

Thêm nữa, tôi là người say mê viết sách. Khi viết sách phải có bằng chứng. Ví dụ, cuốn sách Hội chứng không nhạy cảm Androgen lưỡng giới giả nam tôi vừa xuất bản mới đây là tập hợp dữ liệu hình ảnh nghiên cứu về các bệnh nhân hơn 10 năm qua.

GS.TS Trần Thiết Sơn trong một buổi giảng dạy.

Người ta gọi ông là “phù thủy” làm thay đổi số phận hàng nghìn con người với những kỳ tích phẫu thuật các di chứng dị tật bẩm sinh... Gần đây GS lại đặc biệt để tâm đến phẫu thuật trả lại giới tính thực cho bệnh nhân. Vì sao vậy?

Đây là một trong những lĩnh vực tôi nghiên cứu lâu nhất. Bên cạnh rất nhiều kỹ thuật thì tôi muốn có một quyển sách bài bản nhất về vấn đề này để các bác sĩ không lẫn lộn trong chẩn đoán, điều trị. Quan trọng nhất là giải tỏa cho những người bị bệnh này và các bậc cha mẹ của họ, để họ biết cách điều trị. Điều trị ngay từ khi nhỏ thì vấn đề đơn giản hơn rất nhiều.

Vậy nghĩa là lưỡng giới giả nam hay giả nữ có những trường hợp điều trị được từ đầu?

Có những người lưỡng giới không phải bệnh lý nhưng nhiều người là do bệnh lý rối loạn di truyền. Bệnh lý này phổ rất rộng từ hình thể nam giới điển hình cho đến bệnh lý kiểu hình bên ngoài là nữ giới nhưng nhiễm sắc thể là nam giới. Giữa một dải phổ rộng đó, cái không điển hình rõ ràng ở giữa thường bị nhiều người bỏ qua, kể cả các bác sĩ. Khi bỏ qua không điều trị thì đứa trẻ bị phát triển lệch lạc. Ví dụ, đẻ ra kiểu hình giống con gái nhưng thực ra có tinh hoàn và một chút dương vật. Nếu ngay từ đầu biết cho dùng hormon hoặc kéo tinh hoàn xuống thì trẻ sẽ phát triển theo xu hướng nam giới. Đó là phương pháp điều trị đơn giản, ít tốn kém nhưng bố mẹ và bác sĩ không để ý dẫn đến để đứa trẻ 20 năm sống với kiểu hình bề ngoài hoàn toàn giả tạo và chịu nhiều đau đớn về tinh thần.

Người ta gọi ông là “phù thủy” làm thay đổi số phận hàng nghìn con người với những kỳ tích phẫu chân voi, phẫu thuật các di chứng dị tật bẩm sinh...

Phẫu thuật từ nữ sang nam khó hơn nam sang nữ phải không?

Có hai loại phẫu thuật: Xác định lại giới tính (bệnh lý) và chuyển đổi giới tính (từ nam sang nữ, từ nữ sang nam). Với những trường hợp giới tính mù mờ, bác sĩ xét nghiệm ADN để xem bệnh nhân là nam hay nữ. Còn những người muốn chuyển đổi hoàn toàn giới tính của mình từ nam sang nữ hay từ nữ sang nam thì công đoạn chuyển giới từ nữ sang nam khó nhất là tạo hình dương vật. Cực khó!

Cực khó nhưng rõ ràng là giáo sư và các bác sĩ Việt Nam đã làm được. Tỷ lệ thành công có cao không thưa GS?

Tôi làm 30 ca thì hỏng 2 ca. Tỷ lệ thành công 93%.

Đó chỉ là tạo hình giúp bệnh nhân tự tin thôi hay có thể sinh hoạt vợ chồng?

Sinh hoạt bình thường, có khoái cảm sâu, vẫn xuất tinh được trong trường hợp có tinh hoàn. Chỉ khác là dương vật luôn cứng 24/24h. 

Để có thể nối chính xác các mạch máu, dây thần kinh cảm giác từ vạt da với bẹn, bác sĩ phải làm chủ được kĩ thuật vi phẫu với sự trợ giúp của kính hiển vi. Dương vật sau khi tạo hình sẽ có chiều dài từ 10-12 cm. Để hoàn thành thì cần rất nhiều công đoạn. Nhưng cơ bản là phải tạo hình dương vật, nối đường niệu của bệnh nhân, tạo hình bao quy đầu... Tạo hình tất cả các bộ phận như cấu tạo một dương vật bình thường. Đó là một quá trình tổng cộng nhiều cuộc phẫu thuật. Nếu bác sĩ không thể kết hợp nhiều trong một cuộc mổ thì số lượng cuộc phẫu thuật sẽ tăng lên nhiều năm do mỗi cuộc mổ cần cách nhau ít nhất 6 tháng.

Người chuyển giới rất quyết tâm

Đó là hành trình tìm lại chính mình nhiều nước mắt, đau đớn nhưng hạnh phúc với các bệnh nhân. Hẳn là GS có nhiều câu chuyện kỷ niệm về họ?

Có những bệnh nhân họ lấy vợ, hạnh phúc, viết thư điện thoại cảm ơn, cả gia đình họ biết ơn bác sĩ vô cùng. Họ gọi mình là người đẻ ra họ lần thứ hai... Nhưng cũng có những người muốn chuyển giới luôn có vấn đề về tinh thần, khó tính, cực đoan, đỏng đảnh, tâm lý không ổn định nên khi không thỏa mãn họ quay sang nói xấu.

Đây là một phẫu thuật phức tạp kéo dài, trong quá trình đó có thể những biến chứng. Và để giải quyết những biến chứng đó cần phải có thời gian để nó ổn định rồi mới làm. Nhưng họ không hài lòng, họ chỉ muốn phải ngay. Là bác sĩ mình chấp nhận điều đó, vì đó là điều mình đam mê mà. Ngay cả trên thế giới cũng không nhiều người làm được. Chuyển giới là vấn đề rất khó, liên quan đến nhiều chuyên khoa khác như: tâm thần, nội tiết, sản khoa... rất nhiều lĩnh vực. Dự định trong thời gian tới Bệnh viện Bạch Mai sẽ thành lập Trung tâm tư vấn giới tính, khi đó tập trung tất cả các bác sĩ chuyên ngành liên quan, bệnh nhân sẽ không phải vất vả chạy đi chạy lại giữa các khoa.

GS.TS Trần Thiết Sơn tham dự hội nghị y khoa quốc tế ở Hàn Quốc.

Rất nhiều bệnh nhân đã tìm đến Thái Lan. Có sự khác biệt nào giữa chuyển giới ở Thái Lan với Việt Nam thưa GS?

Những người muốn chuyển giới thường phải có giai đoạn tâm lý 1-2 năm dùng hormon sau đấy mới phẫu thuật. Ở Thái Lan họ sẵn sàng phẫu thuật chuyển giới. Còn ở Việt Nam, các bác sĩ hết sức cân nhắc, chỉ những bệnh nhân có nguyên nhân bệnh lý mới được chỉ định phẫu thuật. Vì thế, chi phí phẫu thuật dịch vụ ở Thái Lan cao hơn rất nhiều lần chi phí ở các bệnh viện Việt Nam. Đó là sự khác nhau giữa y tế chăm sóc và y tế thương mại. 

Phẫu thuật chuyển giới đòi hỏi một quá trình dài và rất nhiều khó khăn?

Rất nhiều khó khăn. Điểm chung nhất của những người chuyển giới là họ quyết tâm làm đến cùng bất chấp mọi thứ, mọi gian nguy... Có những thứ trên cơ thể, khi cắt bỏ là không thể tái tạo được, nhất là bộ phận sinh dục. Vì vậy, chúng tôi không theo thương mại mà hết sức cân nhắc khi phẫu thuật.

So sánh với thế giới kỹ thuật tạo hình dương vật của Việt Nam có khác biệt gì không?

Tôi đã mang kỹ thuật này đi công bố ở nhiều hội thảo quốc tế Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc... Mỗi nước kỹ thuật có ưu nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, kỹ thuật cuộn da tạo hình dương vật trong phẫu thuật giới tính của Việt Nam dễ làm hơn, tỷ lệ thành công cao.

GS đã có nhiều học trò truyền nhân?

Tôi có 7 - 8 người học trò say mê đi theo chuyên ngành này. Những lĩnh vực này ít người đam mê vì theo dõi một bệnh nhân hàng năm trời, thậm chí phải tự bỏ tiền túi ra để làm cho bệnh nhân. Họ mà không làm nữa thì mình mất bệnh nhân để nghiên cứu.

Nó là đam mê thôi! Quan trọng nhất là mình làm được những việc mà người khác không làm được. Đó là điều rất sung sướng! (Cười)

Xin cảm ơn Giáo sư!

GS.TS Trần Thiết Sơn là "bàn tay vàng" trong điều trị các dị tất bẩm sinh

Nguồn: https://khoahocdoisong.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image