Mặc dù được quan tâm, phát triển tại cả hệ thống khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập nhưng đến nay, hệ thống bác sĩ gia đình tại TPHCM vẫn là một bức tranh khá ảm đạm.
Nỗ lực phủ kín bác sĩ gia đình...
Là một trong những địa phương thực hiện thí điểm về bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình từ năm 2013 đến nay, TPHCM đã có 19/23 bệnh viện quận, huyện đã thành lập phòng khám bác sĩ gia đình thuộc khoa Khám bệnh; 191/319 trạm y tế phường, xã thuộc 24 quận - huyện triển khai phòng khám bác sĩ gia đình, một số phòng khám bác sĩ gia đình hoạt động độc lập với công tác của trạm y tế.
TPHCM hiện có 8 phòng khám bác sĩ gia đình nằm trong phòng khám đa khoa tư nhân; 17 phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân độc lập và 1 phòng khám bác sĩ gia đình thuộc ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vừa mới thành lập.
Ảnh minh họa
Bộ môn Y học gia đình ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã đào tạo 46 bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học gia đình; 232 bác sĩ định hướng chuyên khoa Y học gia đình; 391 bác sĩ được bồi dưỡng kiến thức về Y học gia đình trong 3 tháng; 343 bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa bác sĩ gia đình.
Ông Nguyễn Ngọc Duy – Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TPHCM cho biết, trong năm 2016, toàn bộ các phòng khám bác sĩ gia đình của TPHCM thực hiện được 652.262 lượt khám, chữa bệnh, trong khi tổng số lượt khám tại các bệnh viện là hơn 35 triệu lượt; chỉ có 2,8% số người bệnh được lập hồ sơ quản lý tại các trạm y tế.
Ông Nguyễn Ngọc Duy thẳng thắn thừa nhận, người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại trạm y tế nên không đến với phòng khám bác sĩ gia đình của trạm y tế. Người dân chưa quan tâm đến việc quản lý sức khỏe, khám sàng lọc phát hiện bệnh tật mà chỉ khám, chữa bệnh khi có dấu hiệu bệnh.
Trạm y tế chưa lồng ghép được việc quản lý sức khỏe cho người dân như quản lý sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ mang thai… Việc thực hiện các hoạt động phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, truyền thông phòng bệnh, tiêm chủng tại các phòng khám bác sĩ gia đình còn hạn chế, chưa được đưa vào hoạt động của phòng khám bác sĩ gia đình mà còn tách biệt trong nhóm hoạt động khác của bệnh viện hoặc trạm y tế.
Hiện nay, các phòng khám bác sĩ gia đình chủ yếu khám, chữa bệnh đối với bệnh lý nội khoa mạn tính (COPD, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành…), các hoạt động chuyên môn khác như sơ cứu, cấp cứu. Khám chữa bệnh cấp tính đa khoa chưa được phát huy.
Cần sự phối hợp giữa bệnh viện và trạm y tế
BS Nguyễn Thanh Trang, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Bình cho biết, các phòng khám bác sĩ gia đình tại Tân Bình hoạt động rất không hiệu quả. Toàn quận chỉ có 10 trạm y tế có bác sĩ cơ hữu, 5 trạm y tế không có bác sĩ do đã nghỉ việc hết, chỉ có 2 trạm y tế được ký hợp đồng bảo hiểm y tế với bảo hiểm xã hội thành phố. Các trạm y tế của Tân Bình vẫn chưa được áp dụng phần mềm quản lý hồ sơ bệnh nhân nên chưa thể kết nối với các bệnh viện tuyến trên.
BS Trang thẳng thắn: “Với mức thu 30.000 đồng một lần khám bác sĩ gia đình trong khi khám thường chỉ 7 – 10.000 đồng thì không có người dân nào chịu khám. Có bệnh nhân nào là chúng tôi “chộp” ngay bệnh nhân đó. Người dân thì không muốn đến khám, bác sĩ thì nản vì máy móc thiết bị có mà không có bệnh nhân”.
Trong khi đó, theo BS Lê Văn Thể, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quận 1, từ khi áp dụng thông tuyến bảo hiểm y tế (tháng 3.2016), bệnh nhân đều lên bệnh viện quận để khám và lấy thuốc. Việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe khó triển khai, vẫn phải làm thủ công, chưa có phần mềm quản lý.
Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng quận Tân Phú, một trong những quận huyện phát triển tốt mô hình bác sĩ gia đình thì cho biết, để đảm bảo mỗi trạm y tế có 2 bác sĩ, vì không thể tuyển dụng được bác sĩ nên quận đã chuyển hướng tuyển y sĩ, sau đó cho đi đào tạo, như vậy mới có đủ số bác sĩ như hiện nay.
Còn tại quận Gò Vấp, phòng khám bác sĩ gia đình chỉ hoạt động tại các bệnh viện, trong khi tại các trạm y tế hầu như không có hiệu quả.
Theo Bảo hiểm xã hội TPHCM, hiện có 151/ hơn 300 trạm y tế của TPHCM ký hợp đồng với bảo hiểm xã hội nhưng trong số đó có đến trên 70 trạm y tế không có bệnh nhân.
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhận định, dường như một số địa phương đang có sự hiểu nhầm hoặc hiểu chưa đúng vì Bộ không yêu cầu phải thành lập phòng khám bác sĩ gia đình bên trong trạm y tế, mà đây là tích hợp hoạt động của bác sĩ gia đình tại trạm y tế.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đặt câu hỏi, vì sao số lượng trạm y tế ký hợp đồng bảo hiểm y tế chưa được 50%, trong khi trạm y tế là tuyến đầu, có thể giải quyết 70% nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu? Việc tích hợp bác sĩ gia đình vào trạm y tế nhằm mục đích nâng cao chất lượng của trạm y tế, là giải pháp căn cơ để giảm tải, tiết kiệm chi phí.
Làm việc với Sở Y tế TPHCM về bác sĩ gia đình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, chủ trương của Chính phủ là tăng cường y tế cơ sở nhằm chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân, giảm tử vong, kéo dài tuổi thọ, trong đó có tích hợp trạm y tế xã, phường theo mô hình bác sĩ gia đình. Muốn phát triển tốt mô hình bác sĩ gia đình cần phải có sự phối hợp giữa bệnh viện và trạm y tế triển khai bác sĩ gia đình, không thể để mặc trạm y tế tự bơi. Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư 16 (sửa đổi) về thí điểm bác sĩ gia đình, trong đó quy định rõ những danh mục kỹ thuật, tài chính, thuốc cơ bản dùng cho các trạm y tế xã - phường.
Những điều khoản sửa đổi sẽ hướng trạm y tế đến mục tiêu vừa thực hiện chức năng phòng dịch, phòng bệnh lây nhiễm, đồng thời phòng cả những bệnh không lây nhiễm, kết hợp chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện, điều trị những bệnh nhẹ.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Các phòng khám bác sĩ gia đình sẽ được bảo hiểm y tế chi trả những kỹ thuật cận lâm sàng cơ bản trong chẩn đoán, điều trị những bệnh nhẹ, bệnh thông thường. Trong tương lai, những gói dịch vụ về quản lý sức khỏe toàn diện, chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng sẽ được bảo hiểm y tế chi trả”.
Theo Lao động