Sáng 17/5, Hưởng ứng “Ngày Tăng huyết áp (THA) thế giới” (17/05/2018) và hưởng ứng phong trào MMM (May Measurement Month = Tháng Năm đo HA) do hội THA quốc tế (ISH) khởi xướng, Hội Tim mạch Việt Nam, Viện Tim mạch Việt Nam – Bệnh viện Bạch Mai và Chương trình Quốc gia Phòng chống các bệnh tim mạch đã phát động “Tuần lễ đo HA”. Mục đích của “Tuần lễ đo HA” là nâng cao nhận thức của toàn xã hội về căn bệnh rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được và sàng lọc những người bị THA trong cộng đồng...
Tăng huyết áp – Kẻ giết người thầm lặng
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia cho biết: tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ tim mạch hàng đầu; bệnh phát triển âm thầm từ từ và ngày càng phổ biến. Thống kê cho thấy, trước năm 2000, trên 60% bệnh nhân nội trú tại Viện là do bệnh lý van tim (như hẹp, hở van tim...); chỉ 10-20% là do do biến chứng của tăng huyết áp (suy tim, đột quỵ, phình tách động mạch chủ...). Tuy nhiên, năm 2017, Viện Tim mạch tiếp đón 23.000 lượt bệnh nhân vào thì chỉ 20% là do bệnh lý van tim; còn lại đa số do biến chứng tăng huyết áp 40-50%. PGS. TS. Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng”. Ai trong số chúng ta cũng có thể bị THA. Ước tính cứ 10 người lớn thì đã có 2- 4 người có khả năng bị tăng huyết áp. Người chưa bị tăng huyết áp thì sau này có thể bị. THA có thể gây ra rất nhiều biến chứng nặng nề ở tim, mắt, não, thận và các mạch máu lớn, từ đó gây tàn phế cho người bệnh và thậm chí có thể gây tử vong. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới thì hiện đã có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới bị THA. Mỗi năm cũng có khoảng 9,4 triệu người THA đã bị tử vong.
GS.TS. Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cũng cho biết thêm, bệnh tăng huyết áp nếu không được điều trị, kiểm soát có thể để lại biến chứng hết sức nặng nề, thậm chí tử vong. Tuy nhiên, tỷ lệ người không biết bệnh rất lớn, tỷ lệ điều trị cũng rất thấp. Một điều tra của Viện Tim mạch cho thấy, hơn 50% người bị tăng huyết áp nhưng không biết; gần 40% người biết bị tăng huyết áp nhưng chưa điều trị và có đến gần 64% người bệnh điều trị nhưng không đạt được huyết áp mục tiêu ( dưới 140/90 mmHg).
“Hãy nhớ số đo HA như số tuổi của mình”
THA được coi là “Kẻ giết người thầm lặng” vì chỉ có một số ít bệnh nhân thấy có những triệu chứng gợi ý cho họ đi khám bệnh như: Nhức đầu, chóng mặt, ù tai, cảm giác như có “ruồi bay” trước mặt, mặt đỏ bừng… Nhưng còn rất nhiều bệnh nhân bị THA mà không hề có các triệu chứng cơ năng, các dấu hiệu cảnh báo trước. Chỉ đến khi tình cờ khám bệnh hoặc đã bị một triệu chứng nặng nào đó thì mới biết là mình đã bị THA.
Chính vì vậy, biện pháp duy nhất để biết mình có bị THA hay không là phải đo HA để biết được chính xác con số HA của mình. Khi HA tâm thu (HA tối đa) ≥ 140mmHg và/hoặc HA tâm trương HA tối thiểu) ≥ 90mmHg thì tức là bạn đã bị THA. GS.TS. Nguyễn Lân Việt khuyến cáo: Biện pháp duy nhất để biết mình có bị tăng huyết áp hay không là phải đo huyết áp. “Hãy nhớ số đo HA như số tuổi của mình”. Bên cạnh đó, mỗi chúng ta cần điều chỉnh để có một lối sống hợp lý ngay từ lúc còn trẻ. Cụ thể là:
- Không nên ăn mặn, không ăn nhiều mỡ động vật hoặc các thức ăn có chứa nhiều Cholesterol.
- Hạn chế uống rượu, bia.
- Không hút thuốc lá, thuốc lào.
- Tập thể dục đều đặn hàng ngày.
- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh.
- Tránh bị lạnh đột ngột.
- Nên khám sức khỏe định kỳ, có kiểm tra số đo HA và làm một số xét nghiệm cơ bản (điện tâm đồ, siêu âm tim, sinh hóa máu,…)
Và khi đã bị THA thì lập tức phải điều chỉnh lối sống hợp lý và tuân thủ phác đồ điều trị mà thầy thuốc đã hướng dẫn. Cần nhớ là điều trị THA là phải điều trị lâu dài, liên tục.
Nhân dịp “Ngày THA thế giới” năm nay, Hội THA quốc tế đã gửi đến người dân ba thông điệp đáng lưu ý như sau: 1.THA là yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng nhất. 2. Mỗi năm có gần 10 triệu người trên thế giới bị tử vong vì THA. 3. Vẫn có khoảng 50% những người THA nhưng chưa hề biết là mình đã bị THA. |
Đỗ Hằng