Ngày 12/4, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức tiễn bệnh nhân ra viện. Tham dự lễ tiễn có PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện, GS.TS. Ngô Quý Châu, Phó giám đốc BV; CN Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV; kíp bác sỹ Viện Tim mạch và Khoa Hồi sức tích cực và Bệnh nhân Dương Thị Mai Mai…
Mạch 0, huyết áp 0
Bệnh nhân (BN) Dương Thị Mai Mai, nữ, 27 tuổi, tiền sử khỏe mạnh. Ngày 19/3/2013, bệnh nhân sốt, đau mỏi người, mệt, đau ngực, khó thở. BN tự điều trị tại nhà bằng thuốc hạ sốt, sau 3 ngày vẫn thấy mệt mỏi, khó thở nhiều đã được khám tại BV Bưu Điện, Hà Nội và được chẩn đoán viêm cơ tim cấp, chuyển đến BV Bạch Mai. Tại đơn vị hồi sức tích cực (C1) Viện Tim Mạch – Bạch Mai, lúc vào viện trong tình trạng : tỉnh, HA 80/50 mmHg, nhịp tim 98 l/p, đau ngực, khó thở vừa, có duy trì thuốc dobutamin, điện tim ST chênh lệch ở tất cả các chuyển đạo, men tim Troponin T > 2 ng/ml. Một tiếng sau khi nhập viện, BN xuất hiện khó thở nhiều, nhịp tim 150 ck/p, đau ngực, điện tim có hình ảnh nhịp nhanh thất và rung thất, mất ý thức, mất mạch bẹn (mạch 0, huyết áp 0) nên đã được kíp bác sỹ tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, sốc điện 5 lần, đặt nội khí quản thở máy, xét nghiệm lactat máu 12.2 mmol/l. Sau 20 phút cấp cứu khẩn trương và tích cực, đã có nhịp tim đạp trở lại HA 70/40 mmHg ( Dobutamin 15 mcg/kg/phút). Trước tình hình này, TS. Tạ Mạnh Cường, bác sĩ trực C1 Tim Mạch đã loại trừ các nguyên nhân khác và chẩn đoán đây là một ca viêm cơ tim cấp, tiên lượng rất nặng có nguy cơ tử vong cao nên đã hội chẩn với bác sĩ khoa Hồi sức tích cực (HSTC) để xem xét làm tim phổi nhân tạo sớm cho bệnh nhân. Kết quả hội chẩn quyết định chuyển bệnh nhân đến Khoa Hồi sức tích cực để làm tim phổi nhân tạo. Tuy nhiên, điều làm kíp bác sỹ lo lắng nhất là BN có ngừng tuần hoàn trong thời gian khá dài, điều đó có thể làm não bệnh nhân ảnh hưởng nặng nề thậm chí không hồi phục. Tuy nhiên, sau khi theo dõi và làm các test, kíp bác sỹ thấy bệnh nhân có đáp ứng với kích thích đau, không có dấu hiệu thiếu sót thần kinh đáng kể.
Mạch 90, huyết áp trung bình > 65 mmHg
19h30, ngày 22/3, tại Khoa Hồi sức tích cực. Bệnh nhân thở máy, duy trì dobutamin 15 mcg/kg/ phút, lidocain, an thần, giảm đau (midazolam và fentanyl), huyết áp 80/50mmHg, nhịp tim 128 ck/p, bắt được mạch bẹn, không có nước tiểu, đồng tử 2 bên 3mm. Xét nghiệm nhanh lúc vào khoa Hồi sức tích cực: pH 7.10, PaCO2 30, PaO2 231, HCO3 10.1, BE – 20.3, lactat 12.7 mmol/l, troponin T 2,43 ng/ml. Ngoài các biện pháp hồi sức nội khoa thường quy cũng như nâng cao, hệ thống tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO) ngay lập tức được khới động, đặt catheter động mạch để theo dõi huyết áp động mạch liên tục. Đến 21h, sau khi hệ thống ECMO ( chạy theo kiểu VA ECMO) đã được tiến hành, duy trì huyết áp trung bình > 65 mmHg, ngừng hết tất cả các thuốc Dobutamin, lidocain. Nhịp tim trong nhiều giờ tiếp theo, nhịp tim gần như về 90 – 100 ck/p, siêu âm tại giường lại sau khi thực hiện ECMO thấy các thành tim vận động rất kém.
Trong quá trình ECMO, bệnh nhân bắt đầu có nước tiểu 200 ml trong 2h đầu và sau đó duy trì 150 – 200 ml/h. Từ khi bắt đầu ECMO, nước tiểu duy trì > 150 ml/h, HA trung bình > 65 mmHg.
Bệnh nhân được theo dõi các biến chứng như chảy máu vị trí đặt catheter, chảy máu phổi, tiêu hóa, bàng quang…. Chỉ thấy chảy máu ít quanh vị trí đặt catheter động mạch để theo dõi huyết áp, và máu tụ dưới da cẳng tay. Hằng ngày, BN được siêu âm tim EF tăng dẫn lên trên 50% sau 4 ngày điều trị.
Sau 7 ngày áp dụng kỹ thuật ECMO, tình trạng bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn nên đã ngừng kĩ thuật này và rút ống nội khí quản, bệnh nhân tự thở hoàn toàn mà không cần bất kì hỗ trợ nào khác.
Phát biểu cảm tưởng trong buổi ra viện, BN Dương Thị Mai Mai xúc động: Lúc nằm trên giường bệnh, cháu cảm giác cái chết gần kề. Nhờ có đội ngũ y bác sỹ của Viện Tim mạch, Khoa Hồi sức tích cực kịp thời,ngày hôm nay cháu mới được đứng tại đây để cảm ơn các bác sỹ đã cứu sống cháu.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, giám đốc bệnh viện phát biểu: Thành công này, phải nói đến tinh thần, sự khẩn trương và sự đấu tranh quyết liệt để giành lấy sự sống cho người bệnh của kíp Cấp cứu Viện Tim mạch và Khoa Hồi sức tích cực. Kíp cấp cứu đã phối hợp ăn ý, với những quyết định chính xác, liên tục và tinh thần cao để duy trì sự sống cho người bệnh, để bệnh nhân không bị mất não. Và sự trở về từ cõi chết của bệnh nhân Mai Mai là niềm động viên lớn cho tập thể bác sỹ bệnh viện.
Buổi lễ ra viện cho bệnh nhân Dương Thị Mai Mai kết thúc trong không khí nghẹn ngào xúc động của gia đình bệnh nhân và niềm hạnh phúc của tập thể bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai đã cứu sống được người bệnh từ lưỡi hái tử thần.
Thông tin tham khảo: Viêm cơ tim cấp là một bệnh nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong cao, trong thời gian rất nhanh nếu không kịp phát hiện và nhập viện. Bệnh có thể gây ra do nhiều nguyên nhân như các loại virus Cúm, Coxsackie, Rubella, hoặc do vi khuẩn như thương hàn, sốt mò, hoặc nhiễm độc rượu, thủy ngân.... Khi vào cơ thể, virut sẽ làm tổn thương tế bào cơ tim, làm giảm sức co bóp cơ tim , rối loạn nhịp tim dẫn đến trụy mạch khiến tim dãn to, cơ tim co bóp rất yếu, men tim tăng do các tế bào cơ tim bị hủy hoại. Trong một số trường hợp dù được phát hiện sớm nhưng người bệnh vẫn có thể tử vong trong vòng 24- 48 giờ. Nếu bệnh nhân được phát hiện muộn, nguy cơ tử vong là rất cao. Trường hợp bệnh nhân Mai Mai may mắn thoát chết do được chẩn đoán sớm và cấp cứu kịp thời.
Khuyến cáo: Những người có biểu như như cảm cúm (ho, khò khè, sổ mũi) kèm theo khó thở, đau ngực, da tái, chân tay lạnh, trẻ em bị rối loạn tiêu hóa với sốt cao, li bì, khó thở…; ở trẻ nhỏ bỏ bú, lười ăn, ngủ li bì khó đánh thức…, cần đến cơ sở y tế khám để xác định nguyên nhân, tránh bỏ sót sẽ nguy hiểm tính mạng.
Thông tin tham khảo: Hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể trong viêm cơ tim với mục đích đảm bảo cung lượng tim và tưới máu các tạng, và chỉ sử dụng các thuốc tăng co bóp cơ tim ở mức tối thiểu nếu cần cho đến khi cơ tim hồi phục. Viêm cơ tim cấp trơ với điều trị thường quy thường có tỉ lệ tử vong từ 50 đến 70% nếu không được ngay lập tức hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể.
Hệ thống tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO) có thuận lợi là dễ dàng, nhanh chóng có thể khởi tiến hành nhanh chóng trong vòng 20 – 30 phút mà không phải mở xương ức và đây là biện pháp duy nhất thích hợp cho cả trường hợp có ngừng tuần hoàn. Theo y văn, viêm cơ tim tối cấp thường có xu hướng phục hồi trong vòng vai tuần và lựa chọn ECMO là thích hợp cho viêm cơ tim cấp có sốc không thể điều trị nội khoa
Quá trình thực hiện ECMO thay tim được hiểu là: Máu được lấy ra từ tĩnh mạch đùi hoặc tĩnh mạch trung tâm qua ống thông lớn qua hệ thống môtơ quay tốc độ 500-3000 vòng/phút, với phương thức ly tâm từ trường để trao đổi ôxy (nhận ôxy), thải CO2. Sau đó máu đã được làm giàu ôxy, được bơm trở về động mạch chủ dưới hoặc tĩnh mạch trung tâm, thực chất là làm thay công việc co bóp tống máu của tim và làm giầu o xy của phổi. PGS.TS. Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Kĩ thuật ECMO có thể được áp dụng cho việc hỗ trợ chức năng tim – chức năng phổi khi có suy tim nặng, sốc tim hay các suy hô hấp cấp tiến triển nặng mà không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thường quy cũng như hồi sức nâng cao. Kỹ thuật tiên tiến này được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực: hồi sức cho những trẻ sơ sinh non yếu có phổi chưa trưởng thành, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nặng như: viêm phổi do cúm H5N1, H1N1, H7N9 nặng mà các máy hỗ trợ hô hấp không hiệu quả; viêm phổi do vi khuẩn hoặc do các tình trạng sốc nguyên nhân do tim như: do viêm cơ tim cấp hoặc nhồi máu cơ tim nặng, nhồi máu phổi nặng, suy tim nặng chờ ghép tim…
Bài: Đỗ Hằng