Sáng ngày 11 tháng 5 năm 2023, tại Bệnh viện Bạch Mai đã diễn ra Hội thảo với chủ đề: “Xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật về quản lý khoa học công nghệ và ứng dụng kỹ thuật mới trong khám, chữa bệnh” với sự tham dự của gần 150 đại biểu đến từ Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tư Pháp, Bộ Khoa học Công nghệ, Hội đồng đạo đức quốc gia miền Bắc Khối các trường Đại học Y tế, các khối Sở Y tế, các Bệnh viện/Viện trong và ngoài công lập, khối Công ty và doanh nghiệp cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực Y- Dược, Khoa học - Công Nghệ, pháp chế. Hội thảo do Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế chủ trì; Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị đồng tổ chức.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Mục đích quan trọng của cuộc hội thảo này nhằm trình bày các dự thảo sửa đổi, bổ sung và xin ý kiến đóng góp vào dự thảo trong quản lý khoa học công nghệ và ứng dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh. Thời gian qua, việc triển khai đề tài nghiên cứu khoa học và những ứng dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong lĩnh vực y tế đã gặp không ít khó khăn chủ quan và khách quan. Bộ Y tế đã và đang rất khẩn trương tổ chức xin ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam với mong muốn xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật tạo điều kiện khả thi cho việc phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, kỹ thuật mới, phương pháp mới vào cuộc sống, phục vụ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trong bài phát biểu chào mừng hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng khẳng định: Ngành Y là một trong những ngành luôn triển khai những mũi nhọn về khoa học công nghệ, có nhiều ứng dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới, liên quan tới công tác đào tạo khoa học, chuyển giao kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân. Trên thế giới, các kỹ thuật, thuốc điều trị trước khi được áp dụng phải được FDA, CE… chứng nhận. Vì thế việc cập nhật để kịp thời xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật là rất cần thiết, tạo hành lang pháp lý để các Bệnh viện, cơ sở y tế và đội ngũ y bác sĩ tiếp tục cống hiến, nhất là trong giai đoạn mới khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
Hội thảo cũng đã theo dõi 4 tham luận của TS. Võ Thị Nhị Hà - Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế trình bày “Dự thảo thông tư quy định quy trình quản lý các nhiệm vụ Khoa học công nghệ thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế” và “Dự thảo nội dung chi tiết hướng dẫn điều 99, thử nghiệm lâm sàng với kỹ thuật mới, phương pháp mới và thiết bị y tế trong nghị định của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật khám, chữa bệnh”; TS. Nguyễn Xuân Hưng - chuyên gia miễn dịch học đã chia sẻ một số hướng dẫn trên thế giới về thử nghiệm lâm sàng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; TS. Evelyne Kestelyn - Trưởng phòng Quản lý Lâm sàng của Đại học Oxfort cũng trao đổi những kinh nghiệm của đơn vị mình về những vấn đề mà hội thảo đang quan tâm.
Trong phiên thảo luận và đóng góp ý kiến, cùng với sự chủ trì của TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục KHCN&ĐT, BYT, các đại biểu đều tập trung vào những vấn đề trọng tâm cần được tháo gỡ theo nghị định mới là: Những nghiên cứu Y- Sinh học trên đối tượng nghiên cứu là con người thuộc Bộ Y tế quản lý; Quản lý khoa học và ứng dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong ngành Y mang tính đặc thù vì liên quan đến con người, vừa tuân thủ quy định về đạo đức và đồng thời đưa được thành tựu của các nghiên cứu, các kỹ thuật, phương pháp tiên tiến phục vụ chính con người; Các vấn đề quy định về thời gian nghiên cứu, thử nghiệm vào thực tế cần linh hoạt theo từng đề tài; Mở rộng biên độ quy định về các đề tài nghiên cứu dựa vào các nguồn lực và kinh phí xã hội hóa để thu hút nhiều nghiên cứu thành công, đưa các thành tựu có tính đột phá vào công việc khám chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị được tốt hơn; Những ứng dụng mới tiên tiến của thế giới về tế bào và một số đột phá mới trong chẩn đoán và điều trị đưa vào nước ta; Công việc phân loại thế nào là phương pháp mới, kỹ thuật mới; Hướng dẫn thử nghiệm lâm sàng trên các thiết bị y tế và việc cấp phép đưa vào hoạt động….
Nhiều vấn đề xoay quanh hai chủ đề của hội thảo đã được thảo luận trao đổi trên tinh thần mong muốn sớm có những văn bản quy định mới thật rõ ràng, cụ thể, khoa học và những hướng dẫn đầy đủ, linh hoạt cho việc ứng dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám chữa bệnh, tất cả để phục vụ chẩn đoán, điều trị cho người bệnh mỗi ngày được tốt hơn. Cần khẩn trương hoàn thiện sửa đổi và bổ sung kịp thời các văn bản, các quy định trong năm nay để sớm ban hành trước thềm Luật Khám bệnh chữa bệnh có hiệu lực.
Bài: Thùy Dương/Ảnh: Thành Dương