Không tin tưởng vào y tế cơ sở tuyến dưới, có hơn 50% số bệnh nhân vượt tuyến khám chữa bệnh tại tuyến trên, tuyến Trung ương không cần thiết là một thách thức với ngành y tế.
Quá tải bệnh viện vì hơn 50% bệnh nhân vượt tuyến
Ngành y tế cũng đang phải đối mặt với thực tế, có 35,4% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến Trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. Có tới 41,5% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã. Tuy nhiên, người dân vẫn lựa chọn khám, chữa bệnh vượt tuyến mà chưa có niềm tin ở y tế cơ sở vì tay nghề bác sĩ, vì thuốc men được cấp phát… Nhìn nhận thực tế này, Bộ trưởng Y tế cho hay, hiện nay các trạm y tế chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu nên người dân bỏ qua việc dự phòng, nâng cao sức khỏe, chỉ khi ốm đau mới đi bệnh viện. Phần lớn các trạm y tế chưa quản lý bệnh mạn tính, quản lý sức khỏe một số đối tượng ưu tiên. Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít. Các trạm y tế xã mới chỉ thực hiện được 50-70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến... Đặc biệt, ngân sách Nhà nước chưa bảo đảm 30% chi dự phòng. Ngân sách cho trạm y tế chỉ chi lương, không có kinh phí chi hoạt động và chưa có hướng dẫn cơ chế tài chính cho Trung tâm y tế đa chức năng. “BHYT hiện đangchi rất thấp, chỉ chi khoảng 3%/20% khám, chữa bệnh BHYT tại xã; chi 27-28%/50% khám, chữa bệnh BHYT tại huyện, chưa chi cho dự phòng, khám sàng lọc, phát hiện sớm, khám chữa bệnh lưu động”, Bộ trưởng cho hay. TS.BS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận thực tế có đến 70% số bệnh không cần thiết phải lên tuyến bệnh viện hạng đặc biệt như Bệnh viện Bạch Mai, dẫn đến sự lãng phí to lớn của xã hội, dẫn đến quá tải cho tuyến trên, khiến người dân phải đợi lâu, bác sĩ quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ của bệnh viện. Đây là một thực trạng thách thức với ngành y tế trong việc phải đẩy mạnh y tế cơ sở để lấy lòng tin của người dân.
Y tế cơ sở trên đà lấy lòng tin
Mặc dù còn nhiều khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân nhưng đến nay, trong nỗ lực đổi mới y tế cơ sở với việc triển khai thí điểm mô hình trạm y tế tại 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố, việc quản lý bệnh mạn tính, không lây nhiễm tại y tế cơ sở bước đầu có kết quả tích cực với13,6% người bệnh tăng huyết áp, 28,9% người bệnh đái tháo đường. Việc lập hồ sơ sức khỏe thí điểm tại một số địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh… đã có những biến đổi tích cực đạt khoảng 80% dân số được lập hồ sơ. Bộ trưởng Y tế cho hay “Hiện cả nước có 11.400 trạm y tế xã bao gồm cả mạng lưới y tế thôn, bản; 87,5% số trạm có bác sĩ khám, chữa bệnh; 97% số trạm có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; gần 75% số thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96%. Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản được triển khai hiệu quả, sâu rộng như tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến huyện ngày càng tăng, nhiều đơn vị đã thực hiện được các kỹ thuật của tuyến trên, góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân lên đến gần 50% số thẻ đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện/trung tâm y tế huyện… Gần 80% người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại y tế cơ sở (huyện: 47%, xã: 33%); khoảng 70% số lượt khám chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở (huyện: 50%, xã: 20%). Chỉ số hài lòng của người sử dụng dịch vụ về chất lượng bệnh viện tuyến huyện tăng”. Tuy nhiên, trước sự thiếu và yếu thực tế của y tế cơ sở, lại phải đối mặt với chính sách thông tuyến, các trạm y tế xã đang dần mất sức cạnh tranh để thu hút người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu tại đây. Do đó, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho rằng, cần phải nâng cao năng lực và uy tín trạm y tế xã. Theo đó, ngoài việc tăng cường tập huấn, những trạm nào chưa có bác sĩ, địa phương phải cử bác sĩ từ Trung tâm y tế huyện xuống trạm y tế 2-3 ngày/tuần/lần để tăng thêm uy tín cho trạm y tế. “Nếu năng lực trạm y tế hoàn thiện thì Trung tâm Y tế cầm tay chỉ việc. Tôi nghĩ với sự giám sát của tuyến trên, cán bộ y tế tuyến dưới sẽ vững tin hơn trong việc chẩn đoán, quản lý điều trị, tư vấn, chăm sóc cho người bệnh”, ông Khuê nói. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh/thành phố tính toán, giao thí điểm định suất cho số thẻ đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế xã thí điểm; đảm bảo đủ thuốc theo phân tuyến, thuốc đã quy định trong gói dịch vụ y tế cơ bản...
Nguồn: http://vietbao.vn