Ngày 23/11, Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe toàn cầu Nhật Bản (NCGM) tổ chức Chương trình đào tạo trực tuyến “Phương pháp nghiên cứu lâm sàng” cho các bác sĩ, dược sĩ... Đây là chương trình đào tạo liên tục nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bệnh viện Bạch Mai và NCGM dành cho các nghiên cứu viên về phương pháp nghiên cứu khoa học, thử nghiệm lâm sàng.
Tham dự khai giảng khóa tập huấn, đại diện phía giảng viên có GS.TS Nguyễn Văn Tuấn - Đại học UTS Autralia; Đại diện cho Bệnh viện Bạch Mai có TS.BS Đỗ Văn Thành - Phó bí thư Đảng ủy, Phụ trách Đảng bộ Bệnh viện Bạch Mai; PGS.TS Vũ Văn Giáp - Giám đốc Trung tâm Đào tạo & Chỉ đạo tuyến cùng đông đảo 634 học viên từ các đầu cầu trên cả nước...
Phát biểu khai mạc khóa đào tạo, TS.BS. Đỗ Văn Thành chia sẻ: Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học là một trong các mục tiêu trọng điểm của các bệnh viện nói riêng và hệ thống y tế nói chung. Đi đôi với việc củng cố cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị y tế, thì nâng cao chất lượng y tế, trong đó nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học là công việc quan trọng của ngành y tế. Bệnh viện Bạch Mai là Bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước, với lịch sử 110 năm xây dựng và phát triển đã luôn chú trọng công tác nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế. Bệnh viện đã tổ chức nhiều khóa đào tạo về các hoạt động nghiên cứu cho cán bộ y tế trong bệnh viện cũng như cho hệ thống y tế cả nước. Trong khuôn khổ hợp tác với NCGM lần này, Bệnh viện tổ chức khóa đào tạo với thời lượng 5,5 ngày dành cho các nghiên cứu về phương pháp nghiên cứu khoa học và cách thức tiến hành các thử nghiệm lâm sàng... Với đội ngũ giảng viên có uy tín, có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực nghiên cứu lâm sàng, đây là cơ hội tốt để các học viên có thể lĩnh hội các kiến thức chuẩn chỉnh về nghiên cứu, những vướng mắc có thể gặp phải và cách giải quyết để có được những đề tài, công trình nghiên cứu có chất lượng, giúp chúng ta hội nhập với môi trường nghiên cứu quốc tế và góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Trong 1 tuần đào tạo, các tham dự viên sẽ được các giảng viên chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về phương pháp nghiên cứu lâm sàng, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, quản lý dữ liệu trong nghiên cứu lâm sàng, thống kê và phân tích số liệu trong nghiên cứu lâm sàng, phương pháp viết đề cương nghiên cứu, phương pháp viết bài báo và báo cáo khoa học, trình bày đề cương nghiên cứu. Kết thúc khóa đào tạo, các học viên sẽ nắm được kiến thức về khái niệm nghiên cứu lâm sàng; các thiết kế nghiên cứu lâm sàng; các phương pháp chọn mẫu, tính cỡ mẫu trong nghiên cứu lâm sàng; hiểu được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, các nguyên tắc cơ bản về thu thập dữ liệu dùng công cụ điện tử; biết cách thiết kế công cụ thu thập, quản lý dữ liệu; trình bày được các nội dung chính thực hiện trong pha 1, 2, 3 và giám sát hậu mại (pha 4) của chương trình phát triển lâm sàng thuốc; các quy định về thử nghiệm lâm sàng thuốc trên thế giới và tại Việt Nam; các hoạt động Cảnh giác Dược đảm bảo an toàn thuốc trong thử nghiệm lâm sàng. Bên cạnh đó, về kỹ năng, các học viên sẽ biết được cách tính cỡ mẫu trong nghiên cứu lâm sàng; cách lập kế hoạch thử nghiệm lâm sàng; sử dụng được một số lệnh thống kê; phác thảo được đề cương nghiên cứu; chuẩn bị bản thảo bài báo khoa học quốc tế dựa trên khung mẫu đã xây dựng; xây dựng được đề cương nghiên cứu lâm sàng từ ý tưởng nghiên cứu và vận dụng được các kiến thức để phân tích hồ sơ và chuẩn bị đề cương nghiên cứu lâm sàng trong các chuyên đề tiếp theo...
Hoàn thành chương trình đào tạo, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ “Phương pháp nghiên cứu lâm sàng” theo quy định của Thông tư 22/2013/TT-BYT và Thông tư 26/2020/TT-BYT về đào tạo liên tục. Với nội dung hấp dẫn và thiết thực, khóa đào tạo trực tuyến này đã thu hút sự tham gia của 633 học viên đến từ 23 bệnh viện trong cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Tin: Đỗ Hằng - Ảnh: Thành Dương