Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Hơn 700 đại biểu tham dự Hội thảo Chủ đề: Tuân thủ dài hạn ở bệnh nhân Đái tháo đường Việt Nam

Ngày 14/03, Viện Đào tạo và Nghiên cứu Y dược Bạch Mai và Khoa Nội tiết Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức Hội thảo Chủ đề D: Tuân thủ dài hạn ở bệnh nhân Đái tháo đường Việt Nam. 

Chủ trì chương trình là PGS. TS. BS. Nguyễn Khoa Diệu Vân, Phó Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam. Tham dự khai mạc chương trình có TS. Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình đào tạo ABCDE về lựa chọn thuốc điều trị đái tháo đường tuýp 2 tổ chức mỗi tháng một buổi từ tháng 11/2023 đến tháng 4/2024 theo cả hình thức trực tiếp tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu Y dược Bạch Mai, BV Bạch Mai và truyền hình trực tuyến tới 10 bệnh viện khác.


 

Chủ đề A tổ chức ngày 14/11/2023 với nội dung “Kiểm soát HbA1c cho người bệnh đái tháo đường Việt Nam”. Chủ đề B tổ chức ngày 21/12/2023 nội dung về: Kiểm soát huyết áp và cá thể hóa cân nặng ở bệnh nhân đái tháo đường như thế nào? Chủ đề C tổ chức ngày 11/01/2024: Kiểm soát biến chứng và bệnh đồng mắc trên người bệnh đái tháo đường. Chủ đề E dự kiến ngày 25/4/2024 sẽ là: Lựa chọn điều trị phù hợp cho người bệnh đái tháo đường ở các nước đang phát triển.

Trong khuôn khổ Chủ đề D: Tuân thủ dài hạn ở bệnh nhân Đái tháo đường Việt Nam, các tham dự viên được lắng nghe 2 nội dung do ThS.BS. Phan Thị Minh Tâm, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về: Giá trị của tuân thủ dài hạn trong điều trị cho người bệnh Đái tháo đường tuýp 2 tại Việt Nam và BSCKII. Nguyễn Thị Thu Hương, Phó trưởng Khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương chia sẻ về Ca lâm sàng: Tăng tuân thủ trong điều kiện điều trị Đái tháo đường Việt Nam.

Như chúng ta đã biết: Đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa mạn tính, do cơ thể không sản sinh được insulin hoặc không sử dụng được insulin để hấp thụ glucose máu dẫn đến đường trong máu cao hơn mức bình thường. Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhược cơ quan. Đái tháo đường được nhiều người biết đến ở dạng đái tháo đường tuýp 1, đái tháo đường tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ. Ở Việt Nam, số người bị tiền đái tháo đường cao hơn gấp 3 lần so với số người đã mắc bệnh. Trên thực tế, có rất nhiều người bị đái tháo đường nhưng không hề biết mình mắc bệnh, cho tới khi xuất hiện các biến chứng nặng trên tim, mắt, thận, thần kinh... Các triệu chứng của đường huyết cao bao gồm: Ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân nhiều. Nếu bệnh đái tháo đường không được chữa trị, có thể gây ra nhiều biến chứng như: Hạ đường huyết, hôn mê nhiễm toan ceton, thậm chí tử vong, bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận mạn tính, loét chân, bệnh lý võng mạc...


 

Qua thực tế điều trị của mình, ThS.BS. Phan Thị Minh Tâm cho biết: Dưới 50% bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 không đạt được mức kiểm soát đường huyết đầy đủ (HbA1c <7%) (ADA). Một trong những yếu tố góp phần chính là việc tuân thủ dùng thuốc kém. Và tuân thủ dùng thuốc kém được ghi nhận là rất phổ biến. Theo một nghiên cứu gần đây, 20 đến 30% đơn thuốc không bao giờ được mua đầy đủ và khoảng 50% số thuốc điều trị bệnh mãn tính không được dùng theo chỉ định. Việc không tuân thủ điều trị bệnh đái tháo đường có thể liên quan đến chế độ ăn kiêng, tập thể dục, lối sống, thuốc men, tái khám và tự theo dõi. Từ việc kém tuân thủ điều trị dẫn đến việc kiểm soát đường huyết không đầy đủ. Hệ lụy là tăng tỷ lệ mắc bệnh và tăng nguy cơ tử vong; tăng chi phí chăm sóc bệnh nhân ngoại trú, tăng tỷ lệ nhập viện và quản lý các biến chứng của bệnh…

BS. Minh Tâm chia sẻ: Nếu các bệnh nhân tuân thủ điều trị thì tỷ lệ tử vong chung giảm 32% và giảm 17% nhập viện mọi nguyên nhân. Rào cản của việc không tuân thủ hoặc kém tuân thủ điều trị của các bệnh nhân đái tháo đường có nhiều nguyên nhân. Một trong số những nguyên nhân chính là vấn đề tài chính, do chưa nhận thức hết nguy cơ và do đãng trí, quên uống thuốc. Để giải quyết vấn đề này, bác sĩ Tâm gợi mở một số phương pháp như khi tiếp cận lấy bệnh nhân làm trung tâm, tập trung vào các rào cản đối với việc tuân thủ của từng cá nhân; Giao tiếp cởi mở và nâng cao kiến ​​thức cho bệnh nhân có thể giúp vượt qua các rào cản; Tuân thủ điều trị tốt hơn giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường tốt hơn, góp phần ngăn ngừa các biến chứng sớm cũng như các biến chứng lâu dài, giảm chi phí chăm sóc sức khoẻ và sử dụng nguồn lực; Cải thiện việc tuân thủ dùng thuốc cũng góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đái tháo đường…

Với những nội dung hết sức thiết thực, cập nhật những phác đồ điều trị mới theo thực tiễn của người bệnh, Hội thảo Chủ đề D: Tuân thủ dài hạn ở bệnh nhân Đái tháo đường Việt Nam đã thu hút sự tham gia của hơn 700 tham dự viên. Trong đó 605 người tham gia trực tuyến và gần 100 người tham gia trực tiếp. Theo thông tin từ Ban tổ chức - Viện Đào tạo và Nghiên cứu Y dược Bạch Mai, Bệnh viện Bạch Mai, những người đủ điều kiện theo quy định sẽ được cấp CME./.

Diệu Hiền - Thế Anh

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image