Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Hướng dẫn chế biến súp cho người bệnh nuôi ăn qua ống thông

Nuôi dưỡng qua ống thông đường tiêu hóa (dạ dày, ruột) được ưu tiên hơn so với nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch do hợp sinh lý, bảo tồn chức năng đường tiêu hóa và niêm mạc ruột, chi phí thấp, ít biến chứng và có thể chế biến súp qua ống thông dễ dàng tại nhà.

Trong trường hợp người bệnh không thể ăn đường miệng hoặc dinh dưỡng qua đường miệng không đủ nhu cầu, khi chức năng đường tiêu hóa bình thường, nuôi dưỡng qua ống thông là một lựa chọn. Một số bệnh  lý có chỉ định nuôi qua ống thông như tai biến mạch máu não, liệt hầu họng, hôn mê, chấn thương sọ não, hoặc suy kiệt nặng…

1.Các hình thức nuôi dưỡng qua ống thông:

-         Dinh dưỡng qua ống thông mũi dạ dày: Là lựa chọn đầu tiên

-         Dinh dưỡng qua ống mở thông dạ dày qua da

-         Dinh dưỡng qua ống mở thông ruột qua da

* Trong mọi trường hợp, trước khi bơm thức ăn, cần đảm bảo người bệnh được đặt ngồi ăn đúng tư thế, nếu nằm thì nên nằm đầu cao từ trên 30 độ đến 60 độ so với mặt phẳng giường nhằm hạn chế trào ngược thức ăn vào phổi. Cần đảm bảo chắc chắn đầu ống thông cho ăn không sai lệch vị trí, ống không tắc tuột để thức ăn vào đúng dạ dày.

* Thức ăn chế biến dùng nuôi qua ống thông cần phải lỏng, mịn, xay nhuyễn để có thể bơm hoặc nhỏ giọt được, không có cục, vụn thịt hoặc rau …làm tắc ống thông nhưng lại cần đảm bảo về năng lượng và cân đối các thành phần các chất dinh dưỡng đạm, đường, chất béo, vitamin, khoáng chất để dễ hấp thu. Thành phần các chất dinh dưỡng, công thức chế biến súp sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào nhu cầu bệnh lý từng giai đoạn, lứa tuổi, bệnh nền của người bệnh (ví dụ như có hay không đái tháo đường, suy thận, bệnh lý gan mật, ung thư…)

2. Nhu cầu năng lượng và nguyên tắc xây dựng thực đơn:

- Duy trì cân nặng hợp lý khi có chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng: 18,5- 22,9 kg/m2. (chỉ số khối cơ thể = cân nặng (kg)/chiều cao2 (m).

- Người bệnh không có nguy cơ SDD cần trung bình 25 đến 30kcal/kg cân nặng/ngày. Người bệnh có nguy cơ SDD hoặc đã suy dinh dưỡng cần nhu cầu cao hơn 30 - 35 kcal/kg cân nặng/ ngày.

* Nên tư vấn bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng tiết chế để tính toán nhu cầu năng lượng và lựa chọn công thức, thành phần các chất dinh dưỡng phù hợp tối ưu cho từng cá thể trong mỗi giai đoạn bệnh.

3. Lượng súp bơm qua ống thông:

- Một người trưởng thành bình thường 50kg cần 1500 kcal/ngày, có thể ăn 3 bữa là cung cấp đủ. Súp nấu thông thường có thể đậm độ năng lượng thấp, do vậy để chế biến súp ăn sonde cho người bệnh, với độ lỏng có thể bơm được qua ống thông, hoặc nhỏ giọt, cần sử dụng các loại men để hóa lỏng thực phẩm mới đảm bảo được đậm độ năng lượng cần thiết (thông thường 1kcal/ml). Đối với bệnh nhân ăn qua ống thông, nếu mỗi bữa bơm ăn 250 - 300 ml thì cần bơm từ 4 đến 6 bữa/ ngày. Nếu bơm ăn quá nhanh, số lượng nhiều trong 1 bữa, dễ dẫn đến trào ngược, hít sặc thức ăn vào phổi.

- Để tiện lợi, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, có thể phối hợp cả nấu súp ăn sonde và sử dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng chế biến sẵn như sữa, bột dinh dưỡng và súp xay được hóa lỏng với năng lượng 250 đến 300kcal/ 1bữa. Nên lựa chọn các loại sản phẩm bổ sung dinh dưỡng chuẩn có đậm độ năng lượng 1kcal/ml và có lượng chất đạm cao (4-5 g/100kcal), không thay thế bằng các loại sữa tươi, sữa đặc có đường, sữa đậu nành… vì đó không phải bữa ăn hoàn chỉnh, không đảm bảo đủ năng lượng và thành phần các chất dinh dưỡng cần thiết khi nuôi ăn qua ống thông. Bắt đầu cho ăn với lượng ít đến nhiều, từ 100 - 200 ml/ bữa (tùy dung nạp của người bệnh và tăng dần lên cho đến khi đạt mục tiêu năng lượng trong vòng từ 3 đến 5 ngày từ khi bắt đầu nuôi ăn qua ống thông).

4. Công thức súp qua ống thông:

Công thức súp xay nên có đủ 4 nhóm thực phẩm giàu các chất đạm (thịt/cá/tôm/trứng/sữa), chất bột (gạo, bột gạo/khoai), chất béo (dầu/mỡ, hạt giàu chất béo), vitamin, chất khoáng, xơ (rau củ). Một công thức súp không áp dụng cho tất cả các loại bệnh lý. Do vậy, nên gặp tư vấn bác sĩ, tiết chế dinh dưỡng viên để có thực đơn phù hợp.

5. Ví dụ tham khảo công thức nấu súp ăn sonde đơn giản, thực phẩm phổ biến

Áp dụng Thực phẩm cho 1000 ml súp

Người bệnh nuôi ăn

qua ống thông

-         Gạo tẻ: 35g

-         Khoai tây: 250g

-         Thịt nạc: 130g

-         Bí đỏ: 100g

-         Rau cải bắp: 150g

-         Cà rốt: 30g

-         Dầu ăn: 35ml

-         Muối ăn: 2g.

-         Giá đỗ: 200g (dùng để hóa lỏng thực phẩm) hoặc men hóa lỏng thực phẩm

-         Năng lượng: 800 kcal/ 1000ml; Pr: 40g; Lipid: 40g; Gluxit: 70g

-         Tỉ lệ P:L:G = 18:32:50

 

6. Các bước tiến hành nấu 1.000 ml súp qua ống thông (*)

* Nấu 1 lần 1.000 ml súp chia thành 4 đến 5 bữa. Súp bảo quản ngăn mát tủ lạnh nhiệt độ từ 0 đến 5 độ C, trước khi cho ăn hâm nóng lại. Súp sử dụng trong 24h.

7. Thực phẩm thay thế tương đương:

Nhóm thực phẩm giàu đạm: 100g thịt lợn nạc tương đương với: 100g thịt bò, thịt gà; 120g tôm, 120g cá nạc; 2 quả trứng vịt; 3 quả trứng gà; 8 quả trứng chim cút;

Nhóm chất bột đường: 100g gạo, 100g bột gạo; 400g khoai các loại.

Nhóm chất béo: 1 thìa dầu ăn (5ml) tương đương với 8g lạc hạt, 8g vừng.

Muối: 1g muối ăn tương đương với 5ml nước mắm, 7ml magi

8. Nước uống qua ống thông:

Mỗi bữa cho ăn tráng ống thông 30ml trước và sau khi cho ăn. Lượng nước uống cả ngày tùy từng bệnh lý cụ thể và bệnh nền, nếu suy tim, suy thận cần hạn chế nước. Người bình thường cách tính lượng nước đưa vào cơ thể như sau (căn cứ vào lượng nước tiểu ngày hôm trước)

Ví dụ: Thể tích nước tiểu ngày hôm trước đo được 1200ml/24h

Lượng nước uống hôm nay = 1200ml + 300 ml đến 500ml (mồ hôi, hơi thở) – lượng nước tráng ống thông (khoảng 200ml cả ngày). Nếu có sốt, tăng mỗi độ từ trên 370C cần thêm ít nhất từ 100 ml đến 300ml nước.

9. Một số nguy cơ và cách xử lý khi cho ăn qua ống thông:

9.1: Trào ngược thức ăn miệng, mũi

- Nguyên nhân: Cho ăn nhanh hoặc chưa tiêu hóa hết lượng thức ăn của bữa trước

- Xử trí: Cho ăn chậm, nhỏ giọt bằng túi cho ăn  và kiểm tra lượng thức ăn còn tồn đọng trong dạ dày bằng cách hút dịch dạ dày trước khi bơm ăn, nếu còn trên 200ml thì ngưng ăn, 2 giờ sau có thể cho ăn lại với số lượng ít hơn. Giữ đầu cao 45 độ trong và sau khi ăn 30 phút đến 60 phút.

9.2. Tiêu chảy, chướng bụng, táo bón:

- Nguyên nhân: Việc chế biến và bảo quản thức ăn không đúng hướng dẫn , không dung nạp sữa, cách pha sữa, bột không đúng, thức ăn bảo quản không đảm bảo vệ sinh…

- Xử trí: Nếu các triệu chứng tiêu chảy, chướng bụng nhẹ thì vẫn tiếp tục cho ăn và hỏi ý kiến bác sỹ. Nếu có chướng bụng giảm lượng ăn và báo bác sĩ, không nên tự ý xử lý, thay đổi công thức nấu súp, cách pha sữa.

(*) Tham khảo Video clip hướng dẫn chế biến súp bơm qua ống thông:

https://www.youtube.com/watch?v=33LUrCGGZEE

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image