Ngày 11.10, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM đã trao quyết định khen thưởng cho các y bác sĩ Bệnh viện quận 11 TPHCM vì đã phẫu thuật kết hợp xương cho bệnh nhân bị gãy 2 cẳng chân mắc bệnh tim bẩm sinh.
PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, nỗ lực của các bác sĩ Bệnh viện quận 11 không chỉ cứu sống bệnh nhân mà còn mang ý nghĩa về mặt chuyên môn của ngành y, đặc biệt là tính nhân văn trong xã hội”.
Theo đó, BS Tăng Chí Thượng đánh giá cao năng lực của ê-kíp phẫu thuật của bệnh viện. Đây là chuyện “có một không hai”, bởi trước khi được các bác sĩ Bệnh viện quận 11 phẫu thuật, bệnh nhân đã bị bệnh viện tuyến trên từ chối phẫu thuật vì mắc bệnh tim nặng.
Trước đó, ngày 29.9, khoa Ngoại Chấn thương Bệnh viện Quận 11 đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ tên Lê Thị Ngọc D (39 tuổi, ở Long An) bị gãy xương cẳng chân bên phải, không đi lại được do tai nạn giao thông. Ban đầu, chị được đưa đến bệnh viện huyện Cần Giuộc Long An cấp cứu và sau đó được chuyển lên một bệnh viện chuyên về xương khớp tại TPHCM.
Nhưng tại đây, bệnh nhân cũng chỉ được nằm theo dõi sức khỏe và không được mổ ghép xương. Lý do là bác sĩ sợ bệnh tim bẩm sinh của chị (tứ chứng Fallot) nguy hiểm đến tính mạng.
Sau đó, các bác sĩ ở bệnh viện này khuyên gia đình đưa chị sang bệnh viện tuyến trung ương. Tại đây, các bác sĩ cũng giải thích ca mổ sẽ nguy hiểm vì chị mắc tứ chứng Fallot nên cũng không dám mổ.
Vì bệnh nhân có người nhà đang tạm trú tại Quận 11 nên đã đưa chị vào Bệnh viện Quận 11 thăm khám. Bác sĩ Phạm Thanh Vũ – Phụ trách khoa Ngoại Chấn thương, Bệnh viện Quận 11 đã tiếp nhận ca này. Sau khi phối hợp với các bác sĩ khoa Tim mạch chuyển hóa, khoa Chẩn đoán hình ảnh, khoa Gây mê hồi sức... và hội chẩn toàn bệnh viện, các bác sĩ ghi nhận, bệnh nhân bị gãy xương cẳng chân bên phải (đoạn ống quyển) thành 2 đoạn phức tạp: “Việc mổ ghép xương cho ca này không khó, nhưng khó là bệnh nhân mắc bệnh tim quá nguy hiểm, cần phải tính toán kỹ lưỡng, nếu không sẽ tử vong trên bàn mổ vì gây tê toàn thân thì máu đổ về tim nhiều, khiến tim quá tải, co giãn quá sức sẽ gây nguy hiểm trên bệnh nhân vốn bị tim bẩm sinh là tứ chứng Fallot” – BS Phạm Thanh Vũ chia sẻ.
Ê-kíp các bác sĩ đã tính toán và đưa ra phương án gây mê, hồi sức cho bệnh nhân. Ca mổ kéo dài một giờ, bệnh nhân được kết hợp xương bằng đinh nội tủy có chốt. Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, cử động chân được. Hiện, bệnh nhân đã được xuất viện và hồi phục sức khỏe tốt.
Theo Lao động