* 5 bác sĩ, 9 y tá BV Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh) nhiễm cúm A/H1N1/2009.
* Gần 90% ca nhiễm cúm A/H1N1/2009 là lành tính.
* Một học sinh Trường tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) dương tính với cúm A/H1N1/2009.
Trao đổi với báo SK&ĐS chiều 4/8, TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường cho biết, sau khi có thông tin về trường hợp tử vong của bệnh nhân L., ở Khánh Hòa, Bộ Y tế đã yêu cầu điều tra xem bệnh nhân có mắc bệnh gì khác không, từ đó sẽ xác nhận yếu tố nào dẫn đến bệnh nhân bị tử vong, có phải do cúm A/H1N1/2009 hay do một bệnh nào khác.
TS. Nga cho biết thêm, nếu kết quả điều tra chính xác bệnh nhân tử vong do cúm A/H1N1/2009 thì tỉ lệ tử vong do bệnh này tại Việt Nam hiện là 0,1%, tức 1.000 người mắc có 1 người tử vong. Trong khi đó, trên thế giới tỉ lệ tử vong do cúm A/H1N1/2009 hiện ở mức từ 0,2 đến 0,5%, riêng Mexico cao hơn ở mức 1%. Những bệnh nhân cúm A/H1N1/2009 nếu thêm có tiền sử hen, tiểu đường, tim mạch, suy dinh dưỡng, béo phì, bệnh nhân AIDS, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em... là đối tượng dễ cảm nhiễm và có nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, theo ông Nga, trong trường hợp có nhiều người cùng mắc cúm A/H1N1/2009 trong một khu dân cư thì cũng không thể phong toả cả khu dân cư đó bởi dù mắc cúm người bệnh vẫn sinh hoạt trong nhà bình thường, chỉ cần hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh là an toàn. Hiện các trường hợp mắc cúm A/H1N1/2009 trên thế giới, kể cả ở Việt Nam có đến 80-90% là lành tính nên các chuyên gia không khuyến cáo hạn chế đi lại. Khi bị mắc cúm chỉ cần tự cách ly ở trong nhà, mở cửa sổ thông thoáng, có ánh nắng vào thì virut cúm không còn môi trường phát triển. Biện pháp tốt nhất là người dân phát hiện bệnh sớm để được điều trị kịp thời. Đồng thời, phòng ngừa lây lan cho cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang, không khạc nhổ bừa bãi, che miệng khi bị ho, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Vệ sinh trường học trước khi bước vào năm học mới. |
Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT Hà Nội, đến 17/8, toàn bộ học sinh các cấp trong thành phố Hà Nội sẽ tựu trường. Điều đáng lo, bên cạnh một số trường đã khẩn trương thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm nhưng một số trường vẫn chưa thành lập xong ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm và các cán bộ, giáo viên của trường cũng chưa được tập huấn gì. Ông Lê Quang Giao, chuyên viên phụ trách y tế học đường, Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết: "Dự kiến trong tháng 8 này, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Sở Y tế để mở 4 lớp tập huấn phòng chống cúm A/H1N1/2009 cho cán bộ, giáo viên các trường trên địa bàn thành phố".
Hiện nay, có thực trạng một số cơ sở giáo dục chưa có cán bộ y tế, đặc biệt là các cơ sở ngoài công lập bậc mầm non, giáo viên đang kiêm nhiệm luôn chức năng chăm sóc sức khoẻ cho các em học sinh; cơ sở vật chất nghèo nàn và trình độ của cán bộ y tế còn hạn chế.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu tất cả các trường học phải thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch phòng chống cúm A/H1N1/2009 với mục tiêu không để dịch cúm xâm nhập vào trường học. Riêng những trường thuộc khu vực huyện Từ Liêm, Sở GD-ĐT chỉ đạo tạm dừng mọi hoạt động giáo dục và không tập trung học sinh tới trường trước ngày 17/8/2009. Ông Mai Sỹ Nhật -Trưởng phòng công tác học sinh sinh viên, Sở GD-ĐT HN cho biết, thời gian tới, sở sẽ thành lập 15 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra trong các trường học, cơ sở giáo dục về việc chuẩn bị cơ sở vật chất trong năm học mới; công tác chỉ đạo, các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H1N1/2009. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức 4 lớp tập huấn cho cán bộ y tế, giáo viên về công tác y tế trong trường học đặc biệt là về dịch cúm A/H1N1/2009.
Anh Tuấn - Hạ Hiền
www.suckhoedoisong.vn