Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Không thể để bệnh viện là nơi côn đồ lộng hành

Để đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng, tinh thần của các cán bộ y tế, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đề nghị xem xét, thảo luận việc ban hành luật về phòng chống bạo hành nhân viên y tế và huỷ hoại tài sản ở các cơ sở dịch vụ y tế, hoặc chí ít có một điều luật nằm trong bộ luật hình sự đang chỉnh sửa.
 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Ảnh Như Ý)
 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Ảnh Như Ý)
 

Ngày 24/5, góp ý vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho biết, trong thời gian qua, tình hình bạo hành đối với nhân viên y tế đã gia tăng ở mức báo động. Ví dụ, từ đầu năm 2016 đến nay, tại BV Bạch Mai đã có 23 vụ phạm pháp hình sự bị bắt quả tang. Còn BV Thanh Nhàn, riêng trong năm 2016 có 8 trường hợp nhân viên y tế bị hăm doạ, hành hung.

“Đã có nhân viên y tế bị hành hung gây thương tích nghiêm trọng, đã có những côn đồ manh động vào tận bệnh viện truy sát, cắt cổ giết người”, ông Hiếu giãi bày.

Theo ông, không thể phủ nhận sự cố gắng của Bộ Y tế, chính quyền địa phương, Bộ Công An như việc cắt cử các chiến sĩ công an trực 24/24h ở các bệnh viện lớn, nhanh chóng truy bắt các đối tượng manh động… Tuy nhiên, tính chất răn đe của luật pháp còn chưa cao dẫn đến hậu quả là số vụ bạo hành nhân viên y tế ngày càng gia tăng.

“Bảo đảm cho nhân viên y tế yên tâm công tác chính là phương pháp tốt nhất để người bệnh có được sự chăm sóc chu đáo, đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác điều trị”, ông Hiếu nói.

ĐB viện dẫn trên thế giới, một số quốc gia đã có luật phòng chống bạo hành nhân viên y tế và huỷ hoại tài sản của các cơ sở dịch vụ y tế. Ở Việt Nam, ngành y tế cũng không được sự hỗ trợ bởi điều luật chống, hành hung người đang thi hành công vụ.

“Không thể để bệnh viện là nơi mà tính côn đồ được lộng hành. Trong các nhà hàng, bến xe, khi hành động bạo hành xảy ra, các nhân viên, cán bộ có thể sử dụng vũ lực chống trả, nhưng với những người thầy thuốc thì việc cởi áo ra để tự vệ thật không hề dễ dàng”, ông Hiếu bày tỏ.

Để đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng, tinh thần của các cán bộ y tế, đại biểu Hiếu đề nghị Quốc hội có lộ trình xem xét, thảo luận việc ban hành luật về phòng chống bạo hành nhân viên y tế và huỷ hoại tài sản ở các cơ sở dịch vụ y tế, hoặc chí ít có một điều luật nằm trong bộ luật hình sự đang chỉnh sửa.

Đề cập đến tội phạm phỉ, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, nếu lần sửa đổi này bỏ điều luật quy định về tội hoạt động phỉ tại Điều 83 Bộ luật hình sự năm 1999, sẽ dẫn đến bỏ lọt hành vi cướp phá tài sản nhằm chống chính quyền nhân dân.

“Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này cho thấy, việc đưa hành vi cướp phá tài sản nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân vào Điều 112, tội bạo loạn để xử lý hành vi này là không phù hợp. Bởi lẽ, đặc trưng của loại tội bạo loạn là các hành vi hoạt động vũ trang, hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân nhưng không có mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trong khi đó, hành vi cướp phá tài sản nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân của tội hoạt động phỉ là có yếu tố chiếm đoạt tài sản, địa điểm xảy ra cũng ở những vùng hiểm yếu, khu vực rừng núi, biên giới, hải đảo”, bà Xuân phân tích.

Bên cạnh đó, tội hoạt động phỉ còn có yếu tố về mặt khách quan, đó là hành vi lén lút, bí mật chứ không công khai như tội bạo loạn. Đây là hành vi rất đặc trưng và phổ biến của tội hoạt động phỉ đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hình sự. Nếu xử lý theo tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân thì sẽ không bao quát hết được hành vi cướp phá tài sản của tội hoạt động phỉ.

“Tôi đề nghị phải bổ sung điều luật quy định về tội hoạt động phỉ như Bộ luật hình sự năm 1999”, đại biểu Xuân kiến nghị.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) lại cho rằng, qua nghiên cứu Bộ luật Hình sự năm 1985, 1999 và năm 2015, cho thấy cấu thành tội phạm của các tội bạo loạn, tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, tội phá hủy cơ sở vật chất, kĩ thuật của nhà nước đều đã được phân định rất hợp lý, rõ ràng.

Hơn nữa, các hành vi cướp phá tài sản hoặc hành vi phá hủy tài sản của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vừa khó phân biệt, vừa không phải là hành vi phản ánh đặc trưng của tội bạo loạn và tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân. Nếu bổ sung các hành vi này, thì trên thực tế sẽ còn nhiều hành vi nguy hiểm tương tự cũng cần phải bổ sung, như hành vi cố ý gây thương tích, hãm hiếp, làm nhục cán bộ, công chức…

Luân Dũng/TP

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image