Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Không tự ý điều trị khi trẻ nhỏ sốt cao

Các bác sĩ Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) vừa cứu sống bệnh nhi Nguyễn Hoàng (7 tuổi, khu đô thị Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội), bị viêm não Herpes. Theo gia đình bệnh nhân, cách đây hơn một tháng, bé bị sốt đột ngột, nhiệt độ cơ thể là 39 độ C. Gia đình cho rằng bé bị sốt thông thường nên cho uống Paracetamol. Sau 4 ngày tự điều trị, bé Hoàng đỡ sốt. Thế nhưng, chỉ hai ngày sau, bé lại sốt cao kèm theo các biểu hiện chứng rối loạn tâm thần, như la hét, quấy khóc, cơ thể co giật nên gia đình đưa cháu vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, thường xuyên bị co giật, la hét, nói lảm nhảm. Các bác sĩ đã lấy dịch não tủy xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhi bị viêm não Herpes và đã dùng thuốc Acyclovir để điều trị cho bé. Đây là loại thuốc rất đắt, có giá 350.000 đồng/lọ, trung bình mỗi ngày bệnh nhi phải sử dụng 9 lọ. Sau 3 tuần dùng thuốc, bệnh nhân vẫn sốt liên tục, có ngày co giật tới 3 tiếng. Tiếp đó, bệnh nhân được chụp phim, phổi, cấy máu, cấy nước tiểu nhưng không phát hiện ra bệnh nhiễm trùng khác. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn cho bệnh nhi dùng kháng sinh tổng hợp để đề phòng. Với quyết tâm phải cứu sống bệnh nhi, khoa đã mời hai bác sĩ người Nhật Bản cùng hội chẩn, rồi tập trung điều trị vi-rút Herpes. Sau một tuần, bé cắt sốt, chơi được, không còn la hét.

Cũng theo PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng, mỗi năm bệnh viện gặp vài ca, nhưng trường hợp bé Nguyễn Hoàng là nguy hiểm nhất bởi sốt kéo dài. Trong quá trình điều trị, bệnh nhi lại có những triệu chứng khác, có thời điểm tưởng chừng không qua khỏi. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của các y sĩ, bác sĩ, bệnh nhân đã hồi phục, không để lại di chứng về thần kinh. Theo các chuyên gia, bệnh viêm não Herpes rất dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm não khác do có những triệu chứng gần giống nhau. Bệnh lây qua đường hô hấp, tiếp xúc ngoài da qua các vết xước và truyền từ mẹ sang con qua đường máu. Bệnh phát triển quanh năm, nhưng mùa lạnh thường gặp hơn vì thời tiết thuận lợi cho vi-rút phát triển. Bệnh tuy có thuốc chữa, nhưng phải phát hiện đúng bệnh, dùng thuốc đúng liều lượng. Nếu chữa trị không đúng, sẽ để lại di chứng về thần kinh, thậm chí tử vong. Hiện ở Việt Nam chỉ có vài bệnh viện lớn có thể xét nghiệm và chẩn đoán chính xác bệnh này. Do đó, nếu gia đình và y sĩ, bác sĩ tuyến dưới nếu nghi ngờ thì nên chuyển thẳng lên tuyến trên, không nên tự điều trị theo triệu chứng.

Để đề phòng, người dân cần rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, tránh nơi đông người. Cha mẹ thấy con sốt dai dẳng, đau đầu, tróc mép, tróc mũi hoặc có biểu hiện có những loại viêm não khácthì nên đưa ngay đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm nhằm tránh biến chứng về sau.

 

Hà Vũ (Quân đội nhân dân Online)

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image