Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không: Một Bạch Mai tiếp nối truyền thống cha ông luôn vững vàng trước mọi thử thách

Ngày 16/12, đoàn công tác của Thành ủy Hà Nội do đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố làm trưởng đoàn đã đến dâng hương tại tượng đài tưởng niệm 28 anh hùng liệt sĩ – nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai đã anh dũng hi sinh trong trận ném bom ngày 22/12/1972.

up4

Ngược dòng 50 năm lịch sử

111 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện Bạch Mai như một lão nhân lịch sử lặng lẽ chứng kiến những niềm vui, nỗi buồn của bao người khi bước chân đến đây. Từ một cơ sở chuyên chữa bệnh truyền nhiễm với cái tên ban đầu: Nhà thương Cống Vọng hay còn gọi là Nhà thương làm phúc, Bệnh viện Bạch Mai đã trở thành bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước, là địa chỉ tin cậy cho người dân khi có nhu cầu khám chữa bệnh.

Ngược dòng lịch sử về 50 năm trước, khi Hà Nội oằn mình trước những trận không kích và rải bom B52 của không quân Mỹ, Bệnh viện Bạch Mai là một trong hai cứ điểm phòng không của Hà Nội. Bên cạnh nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe nhân dân, cứu chữa những chiến sĩ bị thương khi chiến đấu, các cán bộ y tế của bệnh viện còn góp sức mình trong công cuộc chiến đấu bảo vệ thủ đô. Đỉnh điểm là năm 1972, Bệnh viện Bạch Mai đã chịu 4 trận ném bom, oanh kích của không quân Mỹ vào bệnh viện. Nhưng bi thương và nặng nề nhất là trận ném bom B52 ngày 22/12/1972. Ông Đỗ Thọ, nguyên phó phòng Hành chính quản trị, người đã đồng hành cùng bệnh viện trong cuộc chiến 12 ngày đêm lịch sử chia sẻ: “Sáng hôm sau, ngày 23/12/1972, khi tôi đến bệnh viện thì không còn hình dáng bệnh viện nữa. Lúc đó, chúng tôi tập trung quay vào cứu sập, cứu nạn, cứu đồng đội trong đống đổ nát. Chỗ sập lớn nhất là chỗ khu nhà B1. Chỗ đó bị kẹp giữa tảng bê tông. Chị điều dưỡng đã mất, bị kẹp ở giữa, bên trong vẫn còn người sống. Để mở đường cứu đồng đội bên trong, chúng tôi buộc phải mời một bác sĩ ngoại khoa xuống để tháo khớp chị điều dưỡng đã mất, tháo từng phần để mở lối vào bên trong cứu đồng đội còn sống. Cảnh tượng vô cùng thương tâm”.

28 nhân viên của bệnh viện đã ngã xuống trong ngày định mệnh đó. Tượng đài tưởng niệm tưởng nhớ 28 nhân viên y tế hy sinh đã được được lập lên ngay khu nhà bị sập. Hàng năm, cứ đến dịp lễ lớn, lễ kỷ niệm các ngày trọng đại... các thế hệ hậu bối lại đến thắp hương tưởng nhớ.

Tại buổi tiếp đoàn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS. Đào Xuân Cơ đã ôn lại truyền thống lịch sử của Bệnh viện Bạch Mai. Giám đốc Cơ tâm sự: Ngày bệnh viện bị ném bom, tôi còn chưa ra đời, nhưng qua lời kể của các thế hệ tiền bối, tôi được biết ngày 22/12/1972, bom B52 đã rải thảm xuống Bệnh viện Bạch Mai. Tại thời điểm đó, trong viện có hơn 300 bệnh nhân đang nằm điều trị dưới hầm. Nhiều khu nhà làm việc, phòng khám bị sập, nhiều bệnh nhân, bác sĩ và nhân viên y tế của bệnh viện đã tử nạn vì bom đạn của Mỹ.

Tuy nhiên, chỉ sau 5 ngày khắc phục hậu quả, cán bộ y tế toàn Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp tục công tác cứu người, đặc biệt là những nạn nhân bị thương nặng do bom B52 rải thảm xuống Khâm Thiên và một số khu vực khác trên địa bàn Hà Nội.

Bệnh viện Bạch Mai sang trang mới

up2

50 năm qua đi, lịch sử đã sang trang mới, lớp lớp các thế hệ cán bộ y tế Bệnh viện Bạch Mai từ trong đổ nát của chiến tranh đã từng bước xây dựng lại bệnh viện. Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đầu tiên trong cả nước được công nhận là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt. Báo cáo với đoàn công tác của Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Đào Xuân Cơ tự hào chia sẻ: Trong thời gian qua, các thế hệ cán bộ, nhân viên bệnh viện vẫn luôn tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của bệnh viện. Đặc biệt là trong đại dịch Covid-19, từng đoàn quân áo trắng với hàng nghìn cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng của bệnh viện đã lên đường hỗ trợ miền Nam chống dịch. Có thể nói, trong thời bình, các chiến sĩ của Bạch Mai đã tiếp nối truyền thống cha ông, cũng xẻ dọc đất nước, tham gia trên mọi trận tuyến để chiến đấu với kẻ thù vô hình - giặc COVID 19. Bên cạnh đó, trước những khó khăn trong thực hiện các cơ chế chính sách, thiếu thốn trang thiết bị, vật tư y tế, tập thể cán bộ, nhân viên bệnh viện vẫn luôn cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân, nhất là người dân trên địa bàn Thủ đô.

up3

Ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên, y bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai, đồng thời chia sẻ những khó khăn mà bệnh viện đang phải đối mặt, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Ngọc Tuấn mong muốn thời gian tới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống dịch; đẩy mạnh công tác chuyên môn, ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và đảm bảo an toàn người bệnh, đồng thời tăng cường các hoạt động đào tạo, chỉ đạo tuyến, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế để phục vụ mục tiêu phát triển Bệnh viện Bạch Mai trở thành Trung tâm y tế hàng đầu của Việt Nam./.

Tiểu Vũ – Thành Dương

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image