Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Kỳ tích ngày trở về của bệnh nhân biến chứng sốc tim, ngừng tuần hoàn

Sốc tim là biến chứng nặng nề nhất của nhồi máu cơ tim….Để cứu sống người bệnh, các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai phải tiến hành đặt tim phổi nhân tạo (ECMO) rồi mới tiến hành can thiệp đặt 2 stent. Sau 15 ngày điều trị tích cực, người bệnh đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần một cách ngoạn mục để trở về nhà trên đôi chân của chính mình.

Đó là bệnh nhân nam, 52 tuổi được đưa vào Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Nam vì đau ngực dữ dội kèm khó thở nhiều. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp/có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường nhiều năm, được xử trí: thở oxy, giảm đau, thuốc chống kết tập tiểu cầu. Tuy nhiên, chỉ sau 45 phút nhập viện, bệnh diễn biến nặng: xuất hiện rối loạn nhịp tim, ngừng tuần hoàn và được cấp cứu ngừng tuần hoàn 10 phút thì có mạch trở lại. Các bác sĩ BVĐK tỉnh Hà Nam đã lập tức tiến hành đặt ống nội khí quản, duy trì thuốc vận mạch và chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân vào Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng: tỉnh, tiếp xúc tốt, huyết áp 120/80, tuy nhiên, nhịp tim 100 và đang duy trì thuốc vận mạch liều cao (noradrenalin và dobutamin). Ngay lập tức, bệnh nhân được hội chẩn bởi các chuyên gia đầu ngành của Viện Tim mạch. Qua đánh giá lâm sàng và các kết quả xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán: Nhồi máu cơ tim cấp biến chứng sốc tim, ngừng tuần hoàn. Với kinh nghiệm cấp cứu dày dặn của mình, các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp nhồi máu cơ tim rất phức tạp, hẹp cả 3 thân động mạch vành chính gây thiếu máu nuôi dưỡng cho tim, nguy cơ tử vong rất cao. Lại một cuộc hội chẩn liên khoa cấp tốc giữa Trung tâm Cấp cứu A9, Viện Tim mạch và Trung tâm Hồi sức tích cực được triệu tập để xây dựng phác đồ điều trị và cứu sống người bệnh. Chiến lược điều trị là: Can thiệp tái tưới thông mạch vành cấp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tối đa, người bệnh cần được hỗ trợ tim phổi nhân tạo trước khi can thiệp. Bởi lẽ, với tình trạng khẹp gần khít cả 3 động mạch thì người bệnh dễ có nguy cơ ngừng tái tuần hoàn trong quá trình can thiệp.

bnT

Bệnh nhân T. trong những ngày điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai

Bộ kiềng ba chân gồm các chuyên gia hàng đầu của chuyên ngành Hồi sức tích cực, Tim mạch và Cấp cứu đã phối hợp nhịp nhàng tạo thành “lá chắn” vững chắc, bảo vệ người bệnh trước lưỡi hái tử thần. Ca can thiệp thành công đúng như dự kiến. Bệnh nhân được đặt 2 stent và sau đó chuyển lên Trung tâm Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị.

Tại Trung tâm Hồi sức tích cực, bệnh nhân được các bác sĩ, nhân viên y tế theo dõi sát sao, điều chỉnh, cân đo từng chỉ số. Tình trạng sốc tim của bệnh nhân cải thiện dần. Chỉ sau can thiệp một ngày, bệnh nhân đã rút được ống nội khí quản, tự thở. Giảm dần liều thuốc vận mạch và ngày thứ 5 thì dừng hỗ trợ tim phổi nhân tạo. Không chỉ được điều trị tích cực, bệnh nhân còn được các điều dưỡng, nhân viên y tế của Trung tâm chăm sóc toàn diện từ miếng ăn, giấc ngủ đến mọi sinh hoạt cá nhân.

ThS.BS. Nguyễn Tú Anh, Trung tâm Hồi sức tích cực, người tham gia điều trị ca bệnh cho biết: Nhồi máu cơ tim là căn bệnh thường gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Những đối tượng có nguy cơ cao là: nam giới, trên 50 tuổi, hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường. Các dấu hiệu để nhận biết thường là những cơn đau ngực dữ dội, kéo dài 15-30 phút, có thể lan lên 2 vai hoặc tay. Cơn đau thường xuất hiện sau khi người bệnh gắng sức hoặc nghỉ ngơi. Khi đó, người bệnh cảm thấy khó thở nhiều, vã mồ hôi. Vì vậy, để tránh những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra, khi thấy những dấu hiệu trên, người có triệu chứng nên khẩn trương đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để được thăm khám và tư vấn kịp thời.

Với ca bệnh nhân này, có thể nói đây là một trong những ca bệnh rất nặng của bệnh lý mạch vành. Sốc tim là biến chứng nặng nề nhất của nhồi máu cơ tim. Rất may, bệnh nhân được đưa vào viện sớm; được xử trí ban đầu tại bệnh viện tuyến dưới kịp thời. BVĐK tỉnh Hà Nam - nơi bệnh nhân được sơ cứu ban đầu là một trong những bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai, là cánh tay nối dài của Bạch Mai. Mọi kỹ thuật hiện đại, tiên tiến đều được các Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, cầm tay chỉ việc và cập nhật hết sức kịp thời.

Khi chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân cũng được chẩn đoán bởi các chuyên gia đầu ngành, dày dặn kinh nghiệm và bản lĩnh điều trị. Bệnh nhân đã được chẩn đoán, điều trị đúng hướng ngay từ đầu, đúng phác đồ và điều trị tích cực nên đã thoát khỏi cửa tử một cách ngoạn mục. Sau 15 ngày điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, ngày 4/5, bệnh nhân đã được rời giường bệnh và trở về nhà trên đôi chân của mình.

Vâng, được bước ra khỏi cửa Trung tâm Hồi sức tích cực trên đôi chân của chính mình là niềm vui của người bệnh, của gia đình người bệnh và cũng là niềm hạnh phúc vô bờ đối với những người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng. Mong rằng, mỗi người dân sẽ luôn đề cao tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh, nên định kỳ đi khám và kiểm tra sức khỏe để luôn có một cơ thể khỏe mạnh./.

Tiểu Vũ

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image