Thời gian chờ rút ngắn
Hơn một năm trước, Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện (BV) Bạch Mai - một trong những đơn vị tiên phong của BV đã áp dụng thử nghiệm đưa thẻ KCB điện tử nhỏ gọn như thẻ ATM với rất nhiều tiện ích cho bệnh nhân.
Thẻ KCB điện tử giống như một bệnh án điện tử, mỗi lần đi KCB, bệnh nhân không phải mang nhiều giấy tờ, hồ sơ bệnh án, không phải chờ đợi làm các thủ tục, xét nghiệm, thăm khám lại, mà bác sĩ điều trị vẫn có thể xác định tương đối chính xác phác đồ điều trị bởi mọi thông tin bệnh án như tiền sử bệnh, triệu chứng, kết quả xét nghiệm, đơn thuốc, các chất chống chỉ định cũng như tất cả thông tin liên quan qua các lần KCB, điều trị... đã được lưu giữ tại hệ thống máy tính BV.
Tại BV Nhi Đồng 1 - TP.HCM, việc làm chủ CNTT và ứng dụng thành công CNTT trong quản lý BV đã đem lại những hiệu quả rất thiết thực. Thời gian chờ khám khi chưa ứng dụng CNTT trung bình là 30 phút, đến nay đã giảm hơn nửa; thời gian chờ mua thuốc trước là 45 phút nay còn khoảng 10 phút; thời gian làm thủ tục xuất viện trước từ 2-4 giờ, nay chỉ còn... 15 phút!.
Những đơn thuốc bằng máy tính, không còn lo chữ bác sĩ khó đọc.
Việc kê đơn thuốc trước đây nhiều người bệnh kêu ca về chữ bác sĩ xấu, khó đọc, nay nhờ áp dụng mô hình quản lý bằng CNTT mà đơn thuốc được in trên giấy vi tính dễ đọc, lãnh đạo BV lại dễ dàng quản lý việc kê đơn thuốc nhằm giảm tình trạng các đơn thuốc chưa hợp lý đến tay người bệnh.
Tăng hiệu quả điều trị
Từ thực tế hiện nay cho thấy, nhờ ứng dụng CNTT, Bộ Y tế đã chỉ đạo một số BV tuyến Trung ương triển khai Telemedicine, hỗ trợ các BV vệ tinh ở tuyến tỉnh, tuyến huyện và bước đầu có kết quả rất khả quan.
Các BV Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, Nhi TW, Phụ sản TW, Chợ Rẫy đã thường xuyên hội chẩn trong KCB cho một số BV tuyến tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả cấp cứu, phẫu thuật của các BV vệ tinh.
Hệ thống Telemedicine đi vào hoạt động góp phần xử lý kịp thời các ca bệnh khó, các tình huống bệnh nguy kịch, hiểm nghèo cần xử lý gấp mà không kịp chuyển lên BV tuyến trên, đặc biệt là tại các BV vùng biên giới, hải đảo, nằm cách xa trung tâm
Riêng tại Quảng Ninh, hệ thống thông tin hỗ trợ KCB từ xa cũng được đầu tư tại 10 điểm cầu, lắp đặt trong các phòng phẫu thuật với mục tiêu hội chẩn, phẫu thuật, tư vấn và KCB từ xa cho các cơ sở y tế. Từ đó, thay vì phải chuyển bệnh nhân lên BV tuyến trên, các BV của Quảng Ninh với công nghệ truyền hình tương tác, có thể kết nối với nhiều chuyên gia, bác sĩ tại nhiều BV để chẩn đoán cấp cứu cấp tốc, thực hiện ca mổ cứu sống bệnh nhân nguy kịch và kịp thời...
Theo các chuyên gia y tế, bên cạnh yếu tố hỗ trợ cứu chữa kịp thời, tiết kiệm chi phí, thời gian do không phải di chuyển lên BV tuyến trên, hệ thống KCB từ xa mỗi năm tiết kiệm nhiều tỷ đồng cho bệnh nhân và người nhà.
SKĐS