Đừng bỏ qua dấu hiệu sớm của đột quỵ
TS.BS Hoàng Bùi Hải - Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, BV Đại học Y Hà Nội cảnh báo: Đột quỵ không tự nhiên mà có mà nó liên quan đến các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, uống rượu bia, hoặc di truyền, hoặc dị dạng mạch não, hoặc phình mạch não khiến mạch não bị vỡ. Đột quỵ là tình trạng cấp tính, hầu như không được báo trước. Một số dấu hiệu được coi là đột quỵ những thực ra đó là những dấu hiệu sớm của đột quỵ như đau đầu, bừng mặt, tê 1 bên, lưỡi khó nuốt, mờ mắt 1 bên, ... rồi lại thấy bình thường - gọi là tai biến mạch não thoáng qua. Rất nhiều người chủ quan cho rằng không bị làm sao và không đi khám. Trong vòng 1 tháng đầu, những người này nếu không đến viện khám và tìm thêm những yếu tố nguy cơ để xử trí và điều trị, nguy cơ bị lại nặng hơn. 50% những người này có thể bị lại trong vòng 1 tháng đầu.
Truyền hình trực tuyến “Chủ động phòng chống dịch bệnh dịp lễ, Tết” do Báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức
Các bác sĩ khuyên cần sớm dự phòng đột quỵ. Những người có tuổi, từ 40 tuổi trở lên nên đi khám định kỳ để xem có bị các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường.... nếu có những vấn đề đó phải điều trị, kiểm soát bệnh để làm giảm các yếu tố nguy cơ. Đặc biệt những người trẻ hút thuốc lá nhiều, ăn uống không kiểm soát ... cũng có nguy cơ bị đột quỵ.
Dưới góc độ chuyên gia dinh dưỡng Ths Lê Thị Hải - Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo: Thông thường từ ngoài 40 tuổi trở lên chúng ta cần lưu ý đến chế độ ăn uống để phòng tránh những bệnh mạn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng. Xuất huyết não và nhồi máu não là bệnh liên quan đến chế độ ăn. Những người bị tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, rối loạn chuyển hóa chất béo, béo phì...cần chú ý phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Những người này rất chú ý việc ăn uống, nếu bị cao huyết áp nên ăn nhạt, hạn chế thực phẩm giàu cholesterol như phủ tạng động vật như óc, tim, gan, lòng đỏ trứng...; ăn giảm đường ngọt giữ cho cân nặng ổn định, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Người trên 60 tuổi, nhu cầu năng lượng không nhiều, nên ăn 1 bát cơm, ăn nhiều rau xanh hoa quả để tăng cường chất xơ, nhất là với người tiểu đường tăng cường chất xơ rất quan trọng, hạn chế rượu bia, thuốc lá, nước ngọt có ga. Cần ăn thực phẩm chế biến dưới dạng hấp, luộc. Cần có chế độ sinh hoạt hợp lý, nên đi ngủ sớm, tập luyện thể dục thể thao. Chế độ dinh dưỡng khoa học kết hợp với luyện tập thể dục thể thao, chúng ta có thể phòng tránh đột quỵ xảy ra.
Bệnh trở nặng vì uống bia rượu “thả ga”
TS.BS Hoàng Bùi Hải cho biết, cứ vào dịp lễ Tết, số lượng bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đều tăng cao vì liên quan đến điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, ăn uống “thả ga”, tình trạng lạm dụng rượu bia khiến gia tăng các ca bệnh cấp cứu. Nhóm bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, bệnh mãn tính, nhóm bệnh nhân bị chấn thương liên quan đến sử dụng rượu bia tăng hơn hẳn so với các dịp khác.
Uống nhiều rượu bia 1 rất dễ dẫn đến ngộ độc cấp, nhất là việc sử dụng rượu methadol kém chất lượng có thể dẫn đến tử vong hoặc các biến chứng nặng như hôn mê, suy hô hấp, trụy tim mạch, viêm tụy cấp. Nếu uống nhiều trong thời gian dài sẽ dẫn đến xơ gan, suy gan, xuất huyết tiêu hóa... Có rất nhiều biến chứng liên quan đến rượu bia. Rất nhiều tai nạn thương tích, những bệnh tật liên quan đến lạm dụng rượu bia đã được nói đến xong mọi người, nhất là các đấng nam nhi đều phớt lờ.
Qua thực tế điều trị, TS.BS Hoàng Bùi Hải lưu ý, rất nhiều bệnh nhân đang hứng chịu hậu quả của việc lạm dụng bia rượu. Thậm chí có không ít bệnh nhân đã mang trong mình bệnh trọng như viêm tụy mãn, tiểu đường, huyết áp cao, xơ gan...vẫn không thể từ bỏ được bia rượu. Cứ điều trị một đợt thấy đỡ lại “nhậu tới bến”, bệnh lại tái phát nặng hơn, nguy cơ tử vong cao...
Bệnh nhân ngộ độc rượu dẫn đến hôn mê điều trị tại Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai
Ths.BS Lê Thị Hải nhấn mạnh, khi bệnh nhân bị viêm tụy, chế độ ăn rất quan trọng, nên bỏ rượu bia hoàn toàn, nên hạn chế chất đạm và chất béo để tuyến tụy không phải làm việc quá mức bệnh mới thuyên giảm.
Người bị bệnh tiểu đường vào những ngày lễ tết thường dễ bị bùng phát nhất, khiến nhiều bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu. Vì nhiều người có xu hướng uống bia rượu, ăn đồ ngọt, bánh kẹo, ăn đồ béo quá mức. Vì vậy, những người bị bệnh tiểu đường, viêm tụy cần hết sức lưu ý chế độ dinh dưỡng trong những ngày tết. Họ cần phải duy trì chế độ ăn, sinh hoạt gần giống như ngày thường. Đối với những người bị thừa cân, béo phì cần phải ăn những bữa ăn giảm năng lượng để giữ cân nặng trở về mức bình thường.
Mỗi người cần có chế độ dinh dưỡng tốt để có thể phòng bệnh, ngăn ngừa bệnh tật, đặc biệt, vào dịp lễ tết. Giữ gìn sức khỏe cho bản thân để được hưởng niềm vui trọn vẹn vào dịp tết, không phải vào viện vì những lý do suy yếu sức khỏe.
Ngọc Phương/SKĐS