Tại Việt Nam thống kê của ngành y tế cho thấy, hiện nay chỉ có 8 bác sỹ trên 10.000 người dân, trong khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện cấp 1 và cấp 2 là 120-160%. Các nhân viên y tế phải "căn mình" làm việc. Do đó, một trong những thách thức của mỗi bệnh viện đó là tăng chất lượng chăm sóc bệnh nhân với một nguồn lực hữu hạn và thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tốt hơn, giám chi phí nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng chăm sóc bệnh nhân.
Tham luận tại hội thảo chuyên đề về quản lý bệnh viện thông minh và Triển lãm trang thiết bị y tế theo mô hình bệnh viện hiện đại diễn ra ngày 24/8 tại Hà Nội, TS. Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực, BV Nhi Trung ương cho biết: Khoa có 80 giường bệnh, mỗi năm tiếp nhận và điều trị cho 1000 bệnh nhân, mỗi tháng làm thực hiện từ 1200 – 1300 thủ thuật.
Trong khi đó, phương tiện dữ liệu theo dõi và quản lý bệnh nhân của bệnh viện rất đơn giản, bệnh án điện tử chưa thực sự phát huy hiệu quả vẫn mang nặng thủ tục hành chính. Quản lý xét nghiệm chưa liên kết được với bệnh án điện tử chủ yếu bệnh án giấy, sổ sách. Moniter chưa có hệ thống theo dõi trung tâm, chưa có sự kết nối giao tiếp giữa monitor với nhau và với nhân viên y tế. Điều đáng nói là khám bệnh, nhận xét, chỉ định điều trị thực hiện trên bệnh án giấy.
TS. Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Nhi Trung ương chia sẻ tại Hội thảo
“Công việc hành chính giấy tờ mất nhiều thời gian dẫn đến việc nhân viên y tế quá tải thiếu thời gian chăm sóc bệnh nhân, rất dễ nhầm lẫn với y lệnh và xét nghiệm ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc điều trị, ảnh hưởng đến công tác nghiên cứu khoa học số liệu không đầy đủ chính xác.” Ts. Tạ Anh Tuấn bày tỏ.
Ts. Tạ Anh Tuấn cũng băn khoăn, việc ghi chép bằng giấy tờ thủ công có thể gây ra những thất thoát về chi phí y tế như không tập hợp đầy đủ y lệnh điều trị, xét nghiệm, thủ thuật, bảng kê chi phí không chính xác không đầy đủ, thiếu hoặc thừa, có những bệnh án nặng đến 4 kg …Do đó, tại Khoa Điều trị tích cực có nhiều bảng kê chi phí điều trị không chính xác thiếu hoặc thừa chi phí. Chẳng hạn như năm 2017 thống kê chi phí điều trị không chính xác phải kiểm tra lại 1 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2018 cũng phải kiểm tra lại 340 triệu đồng.
Cùng quan điểm trên, TGS.TS Đào Xuân Cơ – Trưởng Khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, đặc trưng của Khoa hồi sức tích cực là hầu hết các bệnh nhân đều ở giai đoạn nguy hiểm, bệnh nhân trong tình trạng nặng từ khắp nơi chuyển đến.
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai chia sẻ tại Hội thảo
Tại Khoa có rất nhiều máy móc hỗ trợ cho bệnh nhân như máy trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO), máy thở, máy lọc máu, máy sốc điện, cần nhân viên y tế theo dõi liên tục 24/24 giờ. Trong khi một điều dưỡng phải chăm sóc 3-4 bệnh nhân vì thiếu nhân lực.
Chính vì vậy các bệnh viện và ngành y tế càng cần có các giải pháp công nghệ thông minh để theo dõi, quản lý trang thiết bị và vật tư y tế giúp nhân viên y tế.
Liên quan đến vấn đề quản lý vật tư, thiết bị y tế, PGS. Cơ dẫn chứng, quả thực vấn đề này hiện tại hết sức còn lúng túng, quản lý hầu hết bằng giấy tờ, sổ sách, có phần mềm nhưng thô sơ và đơn giản. Việc quản lý chính vẫn thông qua giấy tờ và sổ sách. Việc hồ sơ bệnh án của một bệnh nhân nặng tới mấy kg là chuyện bình thường. Hiện tại với cách quản lý cũ chúng ta vẫn mang nặng giấy tờ sổ sách, chưa khoa học, ảnh hưởng làm mất nhiều thời gian của nhân viên y tế.
Theo PGS.Cơ, qua theo dõi những bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, tình trạng trên hầu hết cũng diễn ra ở tất cả các bệnh viện phía Bắc.
Chính vì vậy, các chuyên gia về Hồi sức tích cực cho hay, các bệnh viện cần đẩy mạnh việc áp dụng và triển khai các phần mềm quản lý bệnh viện thông minh hay các máy monitor theo dõi bệnh nhân thông minh sẽ giúp nhân viên y tế giảm bớt được nhiều thời gian và bớt áp lực hơn để nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh.
Nguồn: http://suckhoedoisong.vn