Lần đầu tiên các bác sĩ Việt Nam phẫu thuật cho em bé ngay ngoài tử cung người mẹ trong lúc sinh. Em bé chỉ mới nhô đầu ra ngoài, chưa hoàn toàn lọt lòng mẹ.
Ca mổ đặt nội khí quản thông đường thở cho em bé được thực hiện chớp nhoáng chỉ trong vòng 8 phút, với sự phối hợp của bác sĩ hai bệnh viện Nhi đồng 1 và Từ Dũ (TP.HCM).
Chiều nay (24.1), bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết: Em bé có khối bướu hạch bạch huyết rất lớn nằm dưới cằm. Khối bướu chèn ép đường thở. Vì vậy, ngay khi lọt lòng mẹ (phải tự thở) nếu không được mở đường thở, bé sẽ tử vong.
8 phút chớp nhoáng mổ cho mẹ lẫn con
Được biết, em bé là con của sản phụ 30 tuổi, quê Phú Yên. Khi thai được 19 tuần thì phát hiện có khối bướu này. Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã theo dõi sát tình hình thai phụ.
Khi thai đủ 38 tuần, bác sĩ đã lên kế hoạch mổ bắt con phối hợp hai chuyên khoa sản - nhi để đảm bảo an toàn cho mẹ và con.
Các bác sĩ của hai bệnh viện Nhi đồng 1 và Từ Dũ đã hội chẩn và quyết định phương án “xử trí ngoài tử cung trong lúc sinh” (EXIT - Extrauterine Intrapartum Treatment).
“Các bác sĩ phải phẫu thuật thần tốc cho em bé khi vừa ló đầu ra khỏi bụng mẹ. Các bác sĩ phải thực hiện thật nhanh, đặt nội khí quản để em bé thở trước khi hoàn toàn ra khỏi bụng mẹ, bánh nhau bong ra và được cắt dây rốn”, bác sĩ Hiếu cho biết.
Bác sĩ Hiếu giải thích, vì khi trong bụng mẹ, em bé được mẹ nuôi dưỡng. Cơ thể mẹ cung cấp dưỡng chất và cả ô xy cho em bé được truyền qua nhau, dây rốn. Khi chào đời, em bé phải tự thở. Vì vậy, phải kiểm soát, đặt được nội khí quản để mở đường thở cho em bé (thở máy) trước khi rời bụng mẹ.
Em bé đã được đặt nội khí quản thành công cho thở máy |
Thông thường sản phụ khi sinh xong, bác sĩ phải nhanh chóng bóc nhau hoặc sau 3 - 5 phút nhau sẽ tự bong. Khi nhau bong ra, em bé sẽ không được cung cấp ô xy từ người mẹ nữa. Còn nếu giữ để nhau bong chậm, tử cung co chậm sẽ dẫn đến bị đờ tử cung, đe dọa tính mạng sản phụ. Đó là áp lực khó khăn của ca mổ.
Vì vậy, tổng thời gian để các bác sĩ mổ mở tử cung của mẹ, bắt em bé, đặt nội khí quản, mở đường thở cho bé được các bác sĩ tính toán phải được thực hiện chỉ trong 10 phút.
Trong ca mổ này, các bác sĩ sản đã gây tê cho người mẹ sinh mổ. Đường rạch tử cung đòi hỏi phải tính toán hợp lý, vừa thuận tiện để can thiệp bé, vừa không tổn thương khối bướu.
Em bé được kéo ra ngoài chỉ phần đầu và vai, để nhau không bong nhanh và đủ không gian cho bác sĩ nhi phẫu thuật.
Các bác sĩ nhi đã phải phẫu thuật chớp nhoáng cho em bé ngay ngoài tử cung của mẹ, trong tư thế em bé nửa nằm ngoài, nửa còn nằm trong bụng mẹ.
Ca mổ chạy đua với thời gian được thực hiện chỉ trong vòng 8 phút. Sau khi đã được đặt nội khí quản thành công để thở máy, em bé được cắt dây rốn. Sản phụ được sổ nhau.
Bác sĩ thăm khám em bé đang được chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 1 |
Hiên tại, sức khỏe của cả mẹ và bé ổn định. Người mẹ đang được chăm sóc hậu sản ở Bệnh viện Từ Dũ. Em bé đang được chăm sóc đặc biệt tại Khoa Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1.
Bác sĩ Hiếu cho biết, vài ngày tới, các bác sĩ sẽ tiếp tục thực hiện ca phẫu thuật cắt bỏ bướu cho em bé để bé có thể phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.
Hi vọng cho thai nhi bệnh lý đường thở
Theo bác sĩ Hiếu, tỉ lệ bướu bẩm sinh ở trẻ là thường gặp. Các trường hợp thai nhi bị bướu chèn đường thở như vầy, trước đây, nếu không được can thiệp ngay trong lúc sinh, sẽ xảy ra hai trường hợp: hoặc thai phụ phải bỏ thai, hoặc nếu sinh ra thì em bé cũng sẽ tử vong ngay khi chào đời vì không thể thở.
"Trong khi, những trường hợp này chỉ cần có thể mở đường thở cho em bé ngay trong lúc sinh thì hoàn toàn có khả năng cứu sống. Công việc tiếp theo là bác sĩ sẽ xử trí khối bướu. Đây hoàn toàn nằm trong khả năng của y học Việt Nam hiện nay. Điều này làm chúng tôi trăn trở và tìm hiểu biện pháp can thiệp ngay trong lúc sinh này", bác sĩ Hiếu chia sẻ.
Theo bác sĩ Hiếu, “xử trí ngoài tử cung trong lúc sinh” mới được thực hiện vài năm gần đây ở các trung tâm phụ sản lớn trên thế giới.
Can thiệp xử trí ngoài tử cung trong lúc sinh là phương pháp giải áp kiểm soát đường thở ngay khi em bé vừa ra khỏi bụng mẹ. Như thế sẽ giúp cứu các trường hợp thai nhi bị các bệnh lý có liên quan đến tắc nghẽn đường thở. Nhiều bệnh lý có thể được phát hiện trong thai kỳ.
Phương pháp mở ra hướng điều trị giúp các thai phụ sẽ không phải chọn lựa việc bỏ thai nữa.
Theo Thanh niên