Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Liên thông kết quả xét nghiệm: Chặng đường nhiều gian nan

Sau hơn 1 năm triển khai liên thông kết quả xét nghiệm (từ ngày 1-8-2017), mới có 28/38 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế được thí điểm sử dụng kết quả xét nghiệm của nhau. Dù việc công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế tạo nhiều thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho cả người bệnh lẫn bệnh viện, nhưng để triển khai trên toàn quốc, chặng đường còn nhiều gian nan...
 
 
Để liên thông kết quả xét nghiệm, các phòng xét nghiệm phải đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ Y tế
 
Theo lộ trình từ ngày 1-8-2017, 38 bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế bắt đầu triển khai liên thông kết quả xét nghiệm y tế. Đến năm 2020, việc liên thông này sẽ được triển khai trong phạm vi tuyến tỉnh và đến năm 2025 là trên toàn quốc. Thế nhưng, đến nay, mới có 28 bệnh viện tuyến trung ương được thí điểm việc liên thông kết quả xét nghiệm. Điều kiện để được liên thông kết quả xét nghiệm là bệnh viện phải có phòng xét nghiệm đạt ISO 15189 (tiêu chuẩn quốc tế quy định các yêu cầu về năng lực và chất lượng đối với các phòng xét nghiệm y tế).
Quan trọng nhất vẫn là chất lượng xét nghiệm

Cách đây hơn một tuần, chị Nguyễn Kim D. (phố Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) được phẫu thuật u phổi tại Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai). Vì đây là ca mổ phức tạp, các mạch máu quấn quanh khối u nên phải mất hơn 4 giờ đồng hồ mới hoàn thành. Hiện sức khỏe chị D. đang dần hồi phục. Chị D. cho biết, chị đã thực hiện các xét nghiệm và phát hiện khối u phổi tại Bệnh viện K. Khi chị quyết định phẫu thuật khối u tại Viện Tim mạch Việt Nam, các bác sĩ đã công nhận luôn kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện K.

Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Bạch Mai tiến hành hơn 11 triệu xét nghiệm hóa sinh, hơn 1,1 triệu xét nghiệm huyết học và khoảng 1,4 triệu xét nghiệm vi sinh. Ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai), Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch và lồng ngực (Viện Tim mạch Việt Nam) cho biết, để có thể dùng chung kết quả xét nghiệm, đòi hỏi đầu tiên là giữa các bệnh viện phải có chuẩn chung về tiêu chuẩn xét nghiệm. Thực tế, có nhiều bệnh viện cùng tuyến chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai mà không cần làm lại một số xét nghiệm. Việc sử dụng kết quả xét nghiệm của nhau giúp tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh, giảm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả của bệnh nhân. Mặt khác, bệnh viện không bị quá tải các xét nghiệm, tiết kiệm được nhân lực, thời gian của nhân viên y tế...

Tương tự, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, không chỉ liên thông kết quả xét nghiệm với các bệnh viện tuyến trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương…, cơ sở y tế này còn công nhận một số kết quả xét nghiệm của bệnh viện chuyên khoa hạng 1, trực thuộc ngành Y tế Thủ đô là Bệnh viện Tim Hà Nội. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương), không phải xét nghiệm nào, bệnh viện nào cũng được liên thông. Bởi thực tế, chỉ một số xét nghiệm có tính bền vững, ít biến đổi theo thời gian sẽ không phải thực hiện lại; những chỉ số thường xuyên thay đổi theo diễn biến tình trạng bệnh thì phải xét nghiệm lại. Hơn nữa, việc công nhận kết quả xét nghiệm hay phải xét nghiệm lại phụ thuộc chủ yếu vào uy tín của bệnh viện, chất lượng phòng xét nghiệm và sự nhạy cảm của bác sĩ điều trị. 

Không phải đến thời điểm Bộ Y tế triển khai liên thông kết quả xét nghiệm (từ ngày 1-8-2017), mà từ lâu, tại một số bệnh viện hạng 1 trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, như: Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội… cũng đã công nhận một số kết quả xét nghiệm trước đó của bệnh nhân. Tuy nhiên, đa phần đó là kết quả xét nghiệm của bệnh viện tuyến trung ương hoặc một số bệnh viện hạng tương đương tuyến thành phố và hạn chế sử dụng kết quả của bệnh nhân ở tuyến dưới chuyển lên.

Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho rằng, các xét nghiệm là chỉ định không thể thiếu, là “con mắt thần” giúp bác sĩ phát hiện tổn thương, bệnh lý trong cơ thể người bệnh. Chủ trương liên thông kết quả xét nghiệm của ngành Y tế tạo thuận lợi cho cả bệnh nhân và bác sĩ. Thế nhưng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là hiệu quả điều trị và an toàn cho người bệnh. Kết quả xét nghiệm chính xác mới cho ra phương pháp điều trị đúng và ngược lại. Chất lượng xét nghiệm phụ thuộc vào hai yếu tố chính: Máy móc và con người. Do đó, khó khăn lớn nhất hiện nay khiến các bệnh viện chưa thực hiện được việc liên thông kết quả xét nghiệm là do chất lượng xét nghiệm…

Cần bảo đảm các yếu tố về con người, trang thiết bị
 

Phòng xét nghiệm Khoa Hóa sinh (Bệnh viện Bạch Mai) được đầu tư hiện đại, ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới.

Trên toàn quốc hiện có khoảng 3.000 phòng xét nghiệm và để tất cả các phòng xét nghiệm đạt ISO 15189 là rất khó khả thi. Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Bộ đang đánh giá chất lượng xét nghiệm của các bệnh viện hạng 1. Sau đó, Bộ Y tế sẽ công bố kết quả này để các bệnh viện có chất lượng xét nghiệm tương đương nhau có thể liên thông kết quả. Còn các bệnh viện ở mức thấp hơn phải sử dụng kết quả xét nghiệm ở bệnh viện có mức cao hơn. Hơn nữa, Bộ Y tế đã điều chỉnh tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, thêm yếu tố đánh giá chất lượng của phòng xét nghiệm.

Người dân đang kỳ vọng việc đẩy nhanh quá trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện. Song, thực tế cho thấy vẫn còn không ít vấn đề đặt ra. Ngay cả những bệnh viện đã có phòng xét nghiệm đạt ISO 15189, nếu các trang thiết bị không được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên thì cũng khó bảo đảm cho ra kết quả xét nghiệm chính xác, đạt chuẩn. Chưa kể, hóa chất xét nghiệm của các bệnh viện khác nhau, nhân lực làm xét nghiệm trình độ khác nhau, có thể cho ra những kết quả khác nhau. Nếu bác sĩ không chỉ định xét nghiệm lại, mà căn cứ vào kết quả xét nghiệm của bệnh viện khác để phẫu thuật luôn cho người bệnh, không may xảy ra sai sót, ai sẽ chịu trách nhiệm? Vì vậy, cùng với việc bảo đảm về cơ sở vật chất theo quy định, cần chú trọng đào tạo, xây dựng đội ngũ nhân lực làm xét nghiệm có trình độ tương đồng.

 
 
 
Tăng liên thông, giảm chi phí
(HNM) - Từ ngày 1-8-2017, 38 bệnh viện tuyến trung ương trên toàn quốc chính thức liên thông kết quả xét nghiệm. Đến năm 2020, việc liên thông sẽ được triển khai trong phạm vi tuyến tỉnh và đến năm 2025 là trên toàn quốc.

 

 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image