Nhằm giảm phiền hà, tránh lãng phí tiền bạc, thời gian cho người bệnh, tiết kiệm nguồn lực của xã hội, từ ngày 1-7-2017, 122 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm theo Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
122 bệnh viện sẽ liên thông kết quả xét nghiệm từ ngày 1-7-2017,
Đây là chủ trương để các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế thực hiện theo Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 27-2-2016 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025 và Công văn số 1154/VPCP-KGVX ngày 13-2-2017 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm đối các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương.
Cụ thể, lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ được thực hiện trước ngày 1-7-2017; bệnh viện hạng I và tương đương trước ngày 1-1-2018. Đến năm 2025, sẽ liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm trên toàn quốc.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện nay, chất lượng các phòng xét nghiệm trong cả nước vẫn chưa đồng nhất, cùng một bệnh nhân nhưng mỗi phòng xét nghiệm lại cho kết quả khác nhau. Do đó, Bộ Y tế sẽ hình thành mạng lưới phòng xét nghiệm tham chiếu, để đảm bảo chất lượng và độ tin cậy, tiến tới các bệnh viện công nhận kết quả xét nghiệm của nhau. Mục tiêu đến năm 2025 mạng lưới này sẽ hoàn thiện trong cả nước.
Ông Lương Ngọc Khuê cũng cho biết, năm 2016 các cơ sở y tế thực hiện 516 triệu xét nghiệm các loại. Số lượng xét nghiệm tại các cơ sở y tế tăng đều hằng năm, mức tăng trung bình từ 10 đến 15%/năm. “Nhưng hiện tại mỗi bệnh viện một kiểu máy, chất lượng nhân lực không đồng đều, đơn vị đo kết quả cũng khác nhau nên dễ gây nhầm lẫn. Việc này ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và không thể công nhận được kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện”, ông Khuê nói.
Phải có trung tâm kiểm nghiệm chất lượng xét nghiệm
Hiện nay, nhiều bệnh viện vẫn chưa công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, dẫn đến tình trạng bệnh nhân khi chuyển tuyến, hoặc đi khám lại ở viện khác phải làm lại các xét nghiệm. Thậm chí, có những bệnh nhân vừa hôm trước xét nghiệm ở bệnh viện tỉnh nhưng hôm sau chuyển lên bệnh viện Trung ương vẫn bị yêu cầu làm lại đúng xét nghiệm đó. Tại những bệnh viện lớn như: Việt Đức, Bạch Mai, tỷ lệ bệnh nhân phải làm lại các xét nghiệm mà trước đó họ đã làm ở cơ sở y tế khác khá cao khiến người bệnh bức xúc, gây lãng phí, tốn kém.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, việc các bệnh viện không công nhận kết quả xét nghiệm của bệnh viện khác (đặc biệt với bệnh viện hạng đặc biệt như Bạch Mai) có thể là vì lý do khách quan. Bởi có rất nhiều loại xét nghiệm mà kết quả có thể thay đổi theo từng giờ, từng ngày nên không thể vì bệnh nhân vừa mới xét nghiệm hôm qua mà nay không cần xét nghiệm lại. Mặt khác, các phòng xét nghiệm của các bệnh viện hiện đa số còn chưa đồng chuẩn, chất lượng xét nghiệm cũng có sự chênh lệch, trong khi muốn công nhận kết quả xét nghiệm của nhau thì phải có một chuẩn chung. “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc liên thông và công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện để giảm bớt chi phí của người bệnh. Tuy nhiên, việc công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn phòng xét nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai đạt chuẩn ISO 15189, nhưng các bệnh viện có phòng xét nghiệm đạt chuẩn như vậy ở nước ta không nhiều. Chưa kể máy móc xét nghiệm, hóa chất xét nghiệm của các bệnh viện được đầu tư khác nhau, nhân lực làm xét nghiệm trình độ khác nhau nên kết quả có thể khác nhau. Nếu bác sĩ không chỉ định xét nghiệm lại mà căn cứ vào kết quả xét nghiệm của bệnh viện khác để mổ luôn, chẳng may bệnh nhân có làm sao thì ai chịu trách nhiệm?…”, TS Dương Đức Hùng phân tích.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, để các bệnh viện công nhận kết quả xét nghiệm của nhau phải đảm bảo các kết quả đó ngang bằng về chất lượng. Để làm được điều đó phải xây dựng các trung tâm kiểm định chất lượng trung gian để thực hiện kiểm định năng lực xét nghiệm, chất lượng xét nghiệm của các bệnh viện. Nếu phòng xét nghiệm của các bệnh viện đạt chuẩn ngang nhau mới có thể công nhận được kết quả của nhau. “Nhiều chỉ số xét nghiệm có thể chấp nhận được, chỉ những chỉ số cần thiết mới làm lại. Liên thông kết quả xét nghiệm là các bệnh viện phải chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau. Có những xét nghiệm mang tính chất theo dõi quá trình điều trị tại từng thời điểm thì vẫn xét nghiệm lại, nhưng khá nhiều xét nghiệm có giá trị sử dụng tương đối dài thì dùng lại kết quả, nếu các phòng xét nghiệm đó có độ tin cậy cao. Việc công nhận kết quả xét nghiệm đòi hỏi trách nhiệm của các bác sĩ điều trị, nhưng phải có vai trò của giám đốc bệnh viện. Khi quyết định đầu tư, giám đốc bệnh viện cần cân nhắc quy mô, nhu cầu khám chữa bệnh để trang bị máy phù hợp, khai thác đúng yêu cầu điều trị, tránh việc chỉ định xét nghiệm để đạt chỉ tiêu của đối tác”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết.
Hiện Bộ Y tế cũng đang xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm y học tại các bệnh viện theo 5 mức: Rất tốt, tốt, khá, trung bình khá, trung bình và không xếp hạng. Đây cũng là bộ công cụ để đánh giá việc tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý chất lượng bệnh viện nói chung, từng bước nâng cao chất lượng xét nghiệm nói riêng, nhằm đảm bảo kết quả xét nghiệm được chính xác, kịp thời, chuẩn hóa, làm cơ sở cho việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám chữa bệnh, giảm phiền hà và giảm chi phí cho người bệnh. “Bộ tiêu chí là công cụ để phòng xét nghiệm đánh giá việc tuân thủ theo các quy định hiện hành về quản lý chất lượng và thực hiện các hoạt động cải tiến chất lượng liên tục, duy trì chất lượng phòng xét nghiệm”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.
Còn ông Lương Ngọc Khuê cho rằng, phải nâng cao chất lượng xét nghiệm giữa các bệnh viện, để từ đó giúp các bác sĩ chẩn đoán, điều trị bệnh một cách chính xác nhất. Bên cạnh đó, thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện để giảm lãng phí tiền bạc, thời gian cho người bệnh và giảm chi phí từ quỹ bảo hiểm y tế.
Nguồn qdnd.vn