Từ tháng 8/2017, 38 bệnh viện Trung ương sẽ liên thông kết quả xét nghiệm. Theo ước tính của Bộ Y tế, việc này sẽ tiết kiệm được 237,5 tỷ đồng mỗi năm. Các bác sĩ đánh giá, quy định của Bộ Y tế rất mở, trao cho bác sĩ lâm sàng quyền quyết định công nhận, với mục đích cao nhất là vì kết quả điều trị người bệnh.
Bệnh nhân H - một trong những bệnh nhân được hưởng lợi từ việc công nhận kết quả xét nghiệm, chụp chiếu - đang điều trị tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: V.Thu
Đã từng công nhận kết quả xét nghiệm, chụp chiếu
Trung tuần tháng 7, bà Nguyễn Thị H (61 tuổi, ở Quốc Oai, Hà Nội) bị sốt từng cơn, kèm đau đầu, đau nhức người, buồn nôn, nôn, sau đó có tức ngực, khó thở. Bà được đưa lên Bệnh viện Đa khoa huyện chẩn đoán sốt xuất huyết, có nhiễm trùng máu nghi ngờ viêm nội tâm mạc (một bệnh lý về tim). Sau đó, bà được chuyển lên Bệnh viện Tim Hà Nội để điều trị bệnh.
Sau nhiều xét nghiệm, thăm khám, Bệnh viện Tim Hà Nội xác định bà H không bị bệnh này và chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị sốt xuất huyết, nhiễm trùng máu. Khi nhập viện, với những triệu chứng của bệnh nhân, các bác sĩ chưa thể loại trừ bệnh nhân có viêm nội tâm mạc không, nhưng nhờ có kết quả siêu âm của Bệnh viện Tim trước đó, các bác sĩ công nhận luôn, chỉ yêu cầu làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu về liên quan đến nhiễm trùng máu, sốt xuất huyết để phục vụ công tác điều trị.
“Nếu không công nhận, bệnh nhân phải làm lại các kết quả về siêu âm tim tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hoặc chúng tôi phải gửi sang Viện Tim mạch Quốc gia để có chất lượng kiểm tra tim mạch cao nhất. Ngoài việc tốn chi phí, bệnh nhân còn rất tốn thời gian. Vì với bệnh nhân không cấp cứu, có thể phải hẹn một vài ngày”, BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu nói.
Một trường hợp khác, là bệnh nhân N.V.T (40 tuổi, ở Hà Nội) mắc viêm não herpes. Trước đó, bệnh nhân đã chụp cộng hưởng từ (MRI) và các xét nghiệm từ một đơn vị y tế tư nhân có hệ thống xét nghiệm tốt. Kết quả MRI được bác sĩ đầu ngành trực tiếp thực hiện và đọc kết quả. Chính vì vậy, khi được chuyển đến khoa Cấp cứu trong tình trạng nguy cấp, các bác sĩ không mất thời gian chỉ định bệnh nhân phải làm lại một số xét nghiệm, hay chụp lại MRI… Chưa kể, việc chuyển bệnh nhân nặng từ phòng cấp cứu xuống phòng chụp MRI có thể nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Nhờ việc được bệnh viện công nhận các xét nghiệm của bệnh viện tư nhân trên, bệnh nhân đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí (nếu không có BHYT sẽ phải mất từ hơn 1.745.000 – 2.336.000 đồng tuỳ loại).
Tiết kiệm rất nhiều thời gian, kinh phí
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, việc công nhận kết quả xét nghiệm, chụp chiếu giữa các cơ sở y tế đã được thực hiện từ lâu, bất kể tuyến nào, tư nhân hay công lập, phụ thuộc vào uy tín, chất lượng. “Vì hiếm bệnh viện nào giỏi tất cả các chuyên khoa, nên với các bệnh viện chuyên ngành (như Sản, Nội tiết, Tim mạch, Da liễu…) mà bệnh viện mình không chuyên, chúng tôi sẽ mặc nhiên công nhận. Vì họ có trang thiết bị, con người, kỹ thuật chuyên sâu về chuyên khoa đó hơn. Đó cũng là lý do chúng tôi công nhận kết quả siêu âm tim của bệnh nhân H, dù Bệnh viện Tim Hà Nội không phải tuyến Trung ương”, BS Nguyễn Trung Cấp phân tích.
Tại Bệnh viện E, GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện cho biết, hiện nay Bệnh viện đã công nhận rất nhiều kết quả xét nghiệm, chiếu chụp của nhiều bệnh viện khác. Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ khám bệnh, điều trị cũng công nhận một số kết quả xét nghiệm từ các cơ sở y tế khác.
Đánh giá chủ trương liên thông kết quả xét nghiệm là định hướng đúng đắn, BS Cấp phân tích: Nếu bác sĩ có sẵn kết quả đáng tin cậy thì sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian cho chẩn đoán, ra phác đồ điều trị. Bởi có những xét nghiệm cho kết quả nhanh, nhưng cũng có những xét nghiệm phải chờ đợi rất lâu như lao (vài tuần mới có), các xét nghiệm nội tiết cũng làm phức tạp, mất thời gian. Đồng tình với quan điểm này, BS Trần Thị Chi Mai - Trưởng khoa Hoá sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có những xét nghiệm như acid hữu cơ niệu, hay acid amin máu thường phải tối đa 10 ngày mới có kết quả. Đây là những xét nghiệm chuyên sâu, phức tạp, đòi hỏi phải có trang thiết bị, trình độ xét nghiệm ở bệnh viện tuyến cao mới thực hiện được. Việc công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian, kinh phí cho cả bệnh nhân lẫn cơ quan bảo hiểm y tế.
Xét nghiệm lại khi tình trạng bệnh diễn biến nhanh
Hiện Bộ Y tế đã ban hành danh mục 65 kỹ thuật xét nghiệm được liên thông kết quả (theo Quyết định số 3148 ngày 7/7/2017) thuộc 3 nhóm: Huyết học, Hoá sinh và Vi sinh. Mỗi kỹ thuậtcó những khoảng thời gian tối đa công nhận kết quả khác nhau. Ví dụ: Với kỹ thuật tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (bằng máy đếm laser), không quy định thời gian tối đa mà phụ thuộc vào đánh giá của bác sĩ và tình trạng bệnh nhân. Một bệnh nhân thông thường, xét nghiệm này không thay đổi trong 1-2 ngày, nhưng nếu có xuất huyết hay mất dịch nặng, kết quả này thậm chí thay đổi trong 1-2 giờ. Hoặc kỹ thuật xét nghiệm máu lắng (bằng máy tự động) được quy định thời gian tối đa để công nhận là 5 ngày. “Sự thay đổi trong kết quả xét nghiệm máu lắng khá chậm. Để sự thay đổi có ý nghĩa đánh giá, xem có điều chỉnh phác đồ điều trị hay không thì phải qua 5 ngày”, BS Nguyễn Trung Cấp phân tích.
Theo BS Chi Mai, danh sách 65 kỹ thuật xét nghiệm được cho phép liên thông là những loại xét nghiệm cơ bản, không quá chuyên sâu, gần như có kết quả tương đồng, không bị ảnh hưởng bởi phương pháp, máy móc, hoá chất hay con người làm xét nghiệm. Có những xét nghiệm làm một lần nhưng rất lâu sau mới thay đổi, thậm chí không thay đổi, chỉ cần có kết quả một lần ở một cơ sở đủ khả năng đảm bảo chất lượng sẽ có giá trị với mọi cơ sở y tế khác như HIV, viêm gan mạn...
PGS.TS Lê Thị Minh Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, một số xét nghiệm như: Vi khuẩn bệnh lao, nhóm máu,… nếu đã có rồi, người bệnh sẽ không phải xét nghiệm lại ngay để chẩn đoán bệnh. Bởi những chỉ số này sẽ kéo dài rất lâu chứ không phải một sớm một chiều thay đổi được.
Bên cạnh đó, có những xét nghiệm thay đổi từng ngày, từng giờ, như: Chức năng thận, đường máu (phụ thuộc vào bệnh nhân đã ăn no/ăn đói). Do đó, tất cả các xét nghiệm có nguy cơ thay đổi trong thời gian ngắn, bất kể kết quả xét nghiệm là tuyến Trung ương hay tuyến dưới đều phải làm lại.
BS Nguyễn Trung Cấp đưa ra ví dụ: Với bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, lúc này hồng cầu đạt mức 3 triệu chưa phải truyền máu, nhưng vì có xuất huyết nên chỉ một lúc sau, hồng cầu có thể giảm xuống còn 2 triệu, sẽ phải truyền máu. Những gì có diễn biến nhanh chóng đều phải chỉ định xét nghiệm lại.
Ngoài ra, những xét nghiệm dùng để theo dõi kết quả điều trị và diễn biến bệnh, đều phải chỉ định xét nghiệm lại. Như xét nghiệm chỉ số CRP theo dõi nhiễm trùng. Nếu kết quả xét nghiệm trước đó xác định bệnh nhân có nhiễm trùng, phải dùng kháng sinh, 3 ngày sau xét nghiệm lại, chỉ số này giảm thì cho thấy kháng sinh tốt, nhưng chỉ số này tăng vọt lên chứng tỏ kháng sinh vô tác dụng và phải thay đổi kháng sinh khác.
Còn theo TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai), nhiều xét nghiệm vẫn cần làm lại để bảo đảm tính chính xác, an toàn cho người bệnh, nhất là khi các bác sĩ ở tuyến cuối luôn là người đưa ra các quyết định điều trị và chịu trách nhiệm về sức khỏe của bệnh nhân.
Bộ Y tế ước tính, chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm riêng số xét nghiệm không phải thực hiện khoảng 4,75 triệu lượt. Nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đồng thì tiết kiệm được khoảng 237,5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, bước đầu Bộ Y tế thí điểm mỗi chuyên ngành có 2-3 xét nghiệm được liên thông, sau đó từng bước mở rộng, xây dựng các danh mục xét nghiệm. Trong tháng 8 này, Bộ Y tế sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá, thực hiện liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm tại các cơ sở y tế.
Võ Thu/GĐXH