Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Lo ngại gia tăng bệnh dạ dày ở trẻ

Trước đây, người dân và ngay cả bác sĩ nhi khoa đều cho rằng, viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh của người lớn. Song vài năm trở lại đây, số ca mắc bệnh ngày càng trẻ hóa trong đó không hiếm trẻ ở trong độ tuổi học sinh từ cấp 1 đến cấp 2.

Lo ngại gia tăng bệnh dạ dày ở trẻ

Trẻ chịu nhiều áp lực

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, chuyện trẻ bị đau dạ dày do áp lực bởi lối sống, ăn uống và stress cũng không còn lạ.

Hơn nữa, tình trạng trẻ em mắc bệnh viêm loét dạ dày đang gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Gần đây Khoa Nhi đã tiếp nhận một bệnh nhi 10 tuổi vào cấp cứu vì viêm loét dạ dày, tá tràng gây chảy máu đường tiêu hóa.

Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, lứa tuổi mắc bệnh dạ dày thường gặp nhất từ 5 - 10 tuổi. Mỗi tháng bệnh viện này tiếp nhận khoảng 200 trường hợp đến khám và điều trị vì đau dạ dày.

Bác sỹ Nguyễn Thị Út (Khoa Tiêu hóa) thông tin: Gần đây, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc dạ dày, trẻ nhất có cháu chỉ mới chưa đầy 2 tuổi, còn độ tuổi trung bình các bé rơi vào khoảng 7 - 9 tuổi.

Theo bác sỹ Trần Văn Phúc (Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), số trẻ em đến khám phát hiện viêm loét dạ dày tá tràng ngày càng tăng.

Trường hợp nhỏ tuổi nhất được phát hiện, là bé H.A (2 tuổi), nhà ở Hà Nội. Đa số các cháu đến khám thuộc nhóm 6 - 8 tuổi, khi khai thác tiền sử, nhiều bé đang phải chịu áp lực học hành từ ngay bố mẹ, nhà trường. Bác sĩ Phúc cho rằng, nhiều em không còn cảm thấy đến trường là niềm vui, mà ở đó là những giờ học căng thẳng.

“Trở về nhà, những đứa trẻ không đạt được kỳ vọng của bố mẹ, chuyện hứng chịu đòn roi, hứng chịu những chỉ trích là điều diễn ra thường nhật.

Một điều nguy hiểm đối với trẻ, đó là những sang chấn tâm lí kéo dài, mà hệ quả tất yếu sẽ dẫn đến những tổn thương về thể chất (như viêm loét dạ dày tá tràng), đến tổn thương về tinh thần (như stress nặng hay trầm cảm)” - Bác sỹ Phúc cho biết thêm.

Theo các chuyên gia y tế khi bị căng thẳng, trẻ có nguy cơ bị ợ, gây hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản, tức là axit trong dạ dày trào lên thực quản gây ợ nóng, trào lên họng sẽ gây ho.

Hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây viêm loét dạ dày. Bị bệnh dạ dày, nếu trẻ không được điều trị sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, đặc biệt là biến chứng gây hẹp môn vị.

Giảm áp lực cho trẻ!

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay: Nguyên nhân đầu tiên gây nên bệnh đau dạ dày ở trẻ chủ yếu là do ăn uống. Việc ép con cái ăn nhiều dễ khiến trẻ bị nôn, trớ vì trẻ no, hệ thống tiêu hóa không làm việc kịp dẫn đến đau dạ dày.

Ngoài ra, một lý do mới và cũng là yếu tố quan trọng là trẻ gặp nhiều căng thẳng, áp lực ghê gớm từ gia đình, sức ép học tập lớn, khiến trẻ luôn căng thẳng, sợ hãi và từ đó góp phần dẫn đến những cơn đau bụng cứ dần tăng lên, một biểu hiện ban đầu của bệnh lý dạ dày ở trẻ.

Thường thì nhóm trẻ từ 10 - 16 tuổi có tỉ lệ mắc bệnh dạ dày còn cao hơn nhiều so với nhóm nhỏ tuổi hơn vì đây là nhóm trẻ thường gặp áp lực trong học tập, áp lực từ gia đình và bạn bè.

Để tránh những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh dạ dày ở trẻ, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyên cha mẹ cần chú ý việc vệ sinh trong ăn uống cho trẻ để phòng ngừa các bệnh tiêu hóa nói chung. Đặc biệt, cha mẹ không nên cho trẻ vừa ăn vừa chơi máy tính, xem tivi hay nhảy múa hát ca trong bữa ăn...

Việc vừa ăn, vừa xem hoặc chơi đùa khiến trẻ phân tâm, sao nhãng dẫn đến khó tiêu hóa thức ăn, trẻ không cảm thấy món ăn ngon hay không mà chỉ đưa thức ăn vào miệng như một thói quen, từ đó hạn chế tiết dịch tiêu hóa thức ăn và có thể dẫn đến các bệnh lý về tiêu hóa.

Cũng theo bác sỹ Phúc, mọi trẻ em đều có thể mắc bệnh lý dạ dày tá tràng. Vậy nên nếu trẻ đã được chẩn đoán loét tá tràng thì dù không tìm thấy vi khuẩn HP, một loại khuẩn rất dễ lây lan gây đau dạ dày, cũng cần phải điều trị cho trẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, cha mẹ muốn con giỏi giang, chăm chỉ nhưng không quan tâm mấy đến suy nghĩ và sở thích của con, điều đó làm cho trẻ áp lực, lo lắng, có cháu thành ra sợ hãi và tự ti, dẫn đến bệnh lý dạ dày. Việc giúp trẻ thoải mái, vui vẻ, giảm bớt căng thẳng cũng là cách giảm bớt nguy cơ bệnh tật.

Nguồn Giaoducthoidai.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image