Một nghiên cứu của Bộ Y tế được thực hiện trên 9.345 người bệnh của 10 bệnh viện (BV) trong thời gian mới đây cho thấy tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) là 5,8%, trong đó viêm phổi đứng đầu, chiếm 55,4%. Một nghiên cứu khác của Sở Y tế TPHCM tại các BV công lập cũng cho thấy tỉ lệ NKBV chiếm 6,4%, trong đó viêm phổi chiếm đến 54,3%, tiếp đến là nhiễm khuẩn tiết niệu (12,3%), nhiễm khuẩn vết mổ và nhiễm khuẩn huyết (10%).
Nghiên cứu của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương khảo sát trên 3.671 bệnh nhân cũng cho thấy, tỉ lệ NKBV là 27,3%, tỉ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và BV dao động từ 60,5% đến 99,5%, trong đó các BV tuyến Trung ương có tỉ lệ NKBV cao hơn.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nhiễm khuẩn thường xảy ra ở đường hô hấp, vết mổ, đường tiết niệu, đường tiêu hóa, đường máu và các loại nhiễm trùng khác, chủ yếu tập trung vào 3 loại là nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng vết mổ và nhiễm trùng tiết niệu.
Thực tế, đã có không ít trường hợp tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) như người mổ đẻ bị NKBV nên bị hậu sản, phải cắt bỏ dạ con hoặc tử vong; nhiều người cũng bị NKBV nên thời gian điều trị kéo dài, chi phí chữa trị gia tăng, đặc biệt mức độ gây biến chứng và tử vong của NKBV cao hơn nhiễm khuẩn cộng đồng đã và đang trở thành một thực tế đáng lo ngại.
Ví dụ điển hình là dịch sởi năm 2014 khiến hơn 100 trẻ tử vong mà nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhi bị lây chéo các bệnh khác bởi công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của các cơ sở y tế, thậm chí là BV tuyến Trung ương còn chưa được thực hiện tốt.
Ông Lương Ngọc Khuê cho rằng, một trong những nguyên nhân chính của thực trạng này là do các cơ sở y tế chỉ chú trọng vào việc mua sắm máy móc hiện đại, phục vụ chất lượng khám chữa bệnh, trong khi công tác kiểm soát nhiễm khuẩn - cũng vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân và cần phải được đầu tư tương xứng - thì lại bị coi nhẹ.
Hiện, cả nước có tới 20,8% BV có quy mô trên 150 giường bệnh nhưng chưa thành lập khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Hầu hết bộ phận giám sát nhiễm khuẩn tại các BV đều thiếu và chưa được đào tạo về giám sát chuyên trách nên chưa thực hiện giám sát chủ động.
“Thực tế, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các BV hiện nay mới chỉ tập trung vào việc giặt là, hấp sấy, quản lý chất thải mà chưa chú trọng công tác giám sát, trong khi đây mới là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm cho người bệnh khi nằm viện”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chỉ ra thực trạng hiện nay.
NKBV đã và đang trở thành nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới người bệnh cũng như việc phát triển các kỹ thuật cao tại các cơ sở khám chữa bệnh và hậu quả sau cùng là ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh, sự hài lòng của người bệnh.
Vì vậy, cải thiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong BV đang trở thành yêu cầu cấp thiết, là nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế, trong đó trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở y tế và nhà quản lý mà cụ thể là Cục Quản lý khám chữa bệnh cần phải được đặt lên hàng đầu.
Được biết, Bộ Y tế đang tập trung đẩy mạnh đào tạo đội ngũ làm kiểm soát nhiễm khuẩn chuyên trách, có kỹ năng kiểm tra giám sát và quản lý chất lượng. Mục tiêu đặt ra là có trên 60% BV có bộ phận giám sát chuyên trách đúng quy định và trên 80% BV có bộ phận khử khuẩn, tiệt khuẩn đúng quy định.
Nguồn Baochinhphu.vn