Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

LỰA CHỌN THỰC PHẨM CHO NGƯỜI BỆNH KHI SỬ DỤNG THUỐC CHỐNG ĐÔNG KHÁNG VITAMIN K

Thuốc chống đông kháng vitamin K (VTM K) được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa huyết khối trong bệnh rung nhĩ, van tim nhân tạo, huyết khối tĩnh mạch sâu,… Một số nhóm thuốc chống đông kháng vitamin K như Aceno coumarol (sintrom, vincerol), warfarin (coumadine), fluindione (previscan)

Nguyên tắc dinh dưỡng

Vitamin K có vai trò trong quá trình tạo các yếu tố đông máu, dẫn đến hình thành các cục máu đông. Thuốc chống đông kháng vitamin K sẽ cạnh tranh với vitamin K trong tế bào gan, ngăn ngừa tổng hợp các yếu tố đông máu.

Vitamin K có trong nhiều thực phẩm nên lượng vitamin K ăn vào cũng ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Nếu hàm lượng vitamin K từ khẩu phần ăn được người bệnh nạp vào quá nhiều sẽ làm tăng tổng hợp các yếu tố đông máu dẫn đến giảm tác dụng của thuốc, tăng nguy cơ huyết khối. Ngược lại, nếu hàm lượng vitamin K nạp vào quá ít sẽ làm tăng tác dụng của thuốc, dẫn đến nguy cơ xuất huyết do thiếu vitamin K.

Do vậy điều quan trọng khi sử dụng thuốc chống đông kháng vitamin K là chúng ta cần duy trì một lượng vitamin K ổn định trong chế độ ăn. Lượng vitamin K trong một ngày nên đạt khoảng 150 µg

Lượng vitamin K trong thực phẩm

Vitamin K thường có hàm lượng cao ở các loại rau có màu xanh lá đậm

Bảng 1. Hàm lượng vitamin K trong 100g thực phẩm (µg/100g)

RẤT CAO

Rau mùi tàu

1640

Rau muống

482,9

Rau giền

1140

Rau húng

414,8

Cải xanh

497,3

CAO

Rau mùi

310

Hành lá

193

Cải xoong

250

Rau xà lách

173,6

Dầu đậu nành

197,6

Rau diếp

173,6

TRUNG BÌNH

Bơ thực vật

93

Hẹ

47

Súp lơ xanh

92,5

Măng tây

41,6

Cải bắp

60

Cải thảo

35,8

Đậu tương

47

THẤP (<30)

Cần tây, súp lơ trắng, đậu hà lan, bí ngô, su hào, củ cải, cà chua, chuối xanh,….

Ổn định lượng vitamin K trong chế độ ăn

Nhóm thực phẩm vitamin K rất cao/ cao: Không nên ăn, hoặc ăn với lượng rất ít

Nhóm thực phẩm chứa hàm lượng vitamin K trung bình: khoảng 150-200g/ngày

Nhóm thực phẩm chứa hàm lượng vitamin K thấp: ăn theo nhu cầu

Lưu ý

- Không nên uống rượu và các thức uống có cồn, trà xanh, nước vối.

- Một số loại thảo dược (Ginkgo biloba, hắc kỳ tử,…), thực phẩm chức năng (vitamin tổng hợp), nhân sâm,… có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Vì vậy cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi sử dụng

Thực đơn tham khảo (Cho người bệnh 50kg, E: 1500kcal, protein: 80g, Vitamin K: 150µg)

Sáng: Bún thịt gà

Bún: 150g

Thịt gà xé: 50g

Hành lá: 7g

Dầu ăn: 3ml

Trưa

1,5 bát cơm (gạo: 90g)

Tôm rang thịt (tôm: 50g, thịt lợn nạc: 60g, dầu ăn: 7ml)

Đậu phụ luộc: 60g

Súp su, cà rốt luộc (su su: 150g, cà rốt: 50g)

Tối:

1,5 bát cơm (gạo: 90g)

Cá trắm hấp (100g cả xương)

Chả lá lốt 2 cái (thịt lợn nạc: 40g, dầu: 5ml)

Cải bắp luộc 150g

Phụ sáng: 200g táo

Phụ chiều: 150g ổi

Thực phẩm thay thế tương đương

a, Nhóm đạm: 100g thịt lợn nạc tương đương với: 100g thịt bò; 100g thịt gà; 120g tôm, cá nạc, 2 quả trứng vịt; 3 quả trứng gà; 8 quả trứng chim cút, 200g đậu phụ.

b.  Nhóm chất bột: 100g gạo tương đương 2 nửa bát cơm; 100g miến; 100g bột mỳ; 100g bánh quy; 100g phở khô; 100g bún khô; 170g bánh mỳ; 250g bánh phở tươi; 300g bún tươi; 400g khoai củ các loại.

c.  Nhóm chất béo: 1 thìa dầu ăn (5ml) tương đương 8g lạc hạt, 8g vừng.

d.  Muối: 1g muối ăn tương đương với 5ml nước mắm, 7ml xì dầu.

ThS.BSNT Ngô Quỳnh Trang

Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, BV Bạch Mai

 

                                                                               

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image