Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Luân phiên bác sĩ có chứng chỉ y học gia đình về trạm y tế làm việc 1-2 buổi/tuần

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm túc việc bố trí cán bộ luân phiên và bác sĩ có chứng chỉ y học gia đình của tuyến trên xuống các trạm y tế làm việc theo lịch từ 1-2 buổi/tuần.

Bên cạnh đó, các trạm y tế cần rà soát và đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các trạm y tế có đủ buồng phòng đảm bảo theo quy định để thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn.

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thu hút bệnh nhân từ tuyến y tế cơ sở, Bộ Y tế đã phê duyệt và chọn 4 trạm y tế của Hà Nội là Trạm y tế xã Minh Châu, huyện Ba Vì (vùng 3), Trạm y tế xã Tân Hội, huyện Đan Phượng (vùng 2), Trạm y tế phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (vùng 1), Trạm y tế phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông (vùng 1) là mô hình điểm của Bộ Y tế thực hiện theo nguyên lý y học gia đình.

Từ khi triển khai đến nay, các trạm y tế đã nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại trạm theo nguyên lý y học gia đình; thu hút số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh nhiều hơn. Đặc biệt, người dân tham gia khám được lập hồ sơ sức khỏe cá nhân và quản lý bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường...

luan-phien-bac-si-co-chung-chi-y-hoc-gia-dinh-ve-tram-y-te-lam-viec-1-2-buoi-tuan-1

Trạm y tế có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Ảnh minh họa.

Tiếp tục nhân rộng mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, thành phố phấn đấu đạt 100% số trạm y tế hoạt động theo mô hình trạm y tế điểm, cụ thể: năm 2019, đạt tối thiểu 45% trạm y tế theo mô hình điểm của Bộ Y tế; 80% vào năm 2020, và đạt 100% vào năm 2021.

Để đạt được chỉ tiêu UBND thành phố đề ra, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân hiểu được về lợi ích của mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và hưởng ứng tham gia để được quản lý sức khỏe sớm hơn và hiệu quả hơn.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về các chương trình y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế nhằm thu hút người dân sử dụng các dịch vụ y tế ngay tại trạm y tế xã; vận động nhân dân thực hiện bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân...

Việt Nam là một điểm đến của nhiều nước đang phát triển trên thế giới khi được đánh giá sở hữu một hệ thống y tế địa phương bài bản. Với nhiệm vụ trong công tác dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc bà mẹ trẻ em, dinh dưỡng và giờ khám chữa bệnh BHYT, việc lồng ghép nguyên lý y học gia đình với mô hình bác sĩ gia đình rất thuận lợi để triển khai chăm sóc sức khỏe người dân tuyến đầu.

Từ kinh nghiệm các nước và thực tiễn cho thấy, có khoảng 80-90% người dân bị bệnh nhẹ đều có thể được khám và điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Đây là tuyến chăm sóc hiệu quả cho người mắc các bệnh mạn tính, những bệnh nhẹ, tránh tốn kém tiền bạc, tránh bị bệnh nặng mới đi chữa bệnh.

Thực tế, có ít nhất 30-40% bệnh nhân điều trị tại tuyến Trung ương có thể điều trị tại tỉnh, 30-40% tuyến tỉnh có thể điều trị tại huyện, 30-40% tuyến huyện có thể được chăm sóc tại xã. 

Có bệnh viện tuyến Trung ương khám tới 5.000-6.000 người/ngày, trong khi tuyến xã chỉ khám cho 2-3 người/ngày. Vì vậy, tăng cường y tế cơ sở là cách để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image