Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Mỗi năm 3,4 triệu người tử vong do hậu quả của tình trạng thừa cân hoặc béo phì

Thừa cân và béo phì là nguy cơ đứng hàng thứ sáu về số trường hợp tử vong trên toàn cầu. Ít nhất 3,4 triệu người lớn tử vong mỗi năm do hậu quả của tình trạng thừa cân hoặc béo phì. Ngoài ra, 44 % gánh nặng do bệnh tiểu đường, 23 % gánh nặng bệnh tim thiếu máu cục bộ và từ 7% đến 41% gánh nặng về một số bệnh ung thư là do thừa cân và béo phì.

Kết quả hình ảnh cho thừa cân béo phì

Hơn 1,4 tỷ người lớn bị thừa cân

Đó là con số mà Tổ chức Thế giới (WHO) thống kê vào năm 2008. Năm 2011, hơn 40 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân. Béo phì từng được coi là một vấn đề ở các  quốc gia có thu nhập cao, thì hiện nay thừa cân và béo phì đang gia tăng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là ở đô thị. Hơn 30 triệu trẻ em thừa cân đang sống ở các nước đang phát triển và 10 triệu ở các nước phát triển.

Ước tính năm 2014, toàn thế giới có khoảng 1,9 tỷ người trưởng thành bị thừa cân (tương được với 39% dân số), trong đó có 600 triệu người bị béo phì. Như vậy số người  thừa cân béo phì (TCBP) hiện nay đã tăng gấp hơn hai lần so với năm 1980. Ở Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành bị TCBP cũng chiếm khoảng 25% dân số.

Béo phì - Nguyên nhân và những hậu quả

Nguyên nhân căn bản TCBP là do tình trạng mất cân bằng về năng lượng giữa lượng calo đưa vào cơ thể và lượng calo được sử dụng. Xu hướng gia tăng tỉ lệ TCBP trong cộng đồng hiện nay chủ yếu là do gia tăng tiêu thụ các thực phẩm giàu năng lượng, có hàm lượng chất béo cao cùng với lối sống ít hoạt động thể lực, lười vận động.

Việc thay đổi thói quen ăn uống, lười vận động là hậu quả của các thay đổi về mặt kinh tế, XH và môi trường sống. Bên cạnh đó là vấn đề thiếu hụt các chính sách hỗ trợ kịp thời, đồng bộ trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp, giao thông, quy hoạch đô thị, kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn, giáo dục, quảng cáo, tiếp thị, v.v..

Béo phì cũng liên quan đến yếu tố gia đình do có cùng đặc điểm về lối sống, được thể hiện qua việc trẻ dễ bị thừa cân khi có cha hoặc mẹ bị TCBP.

TCBP là yếu tố nguy cơ của huyết áp, đột quỵ, xơ vữa và tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim;  nguy cơ của bệnh đái tháo đường tuýp 2 và một số bệnh ung thư như ung thư túi mật, ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến và bệnh lý về thận. Nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng: Huyết áp cao và tiểu đường là nguyên nhân của 2/3 tổng số ca suy thận. Các bác sĩ cho biết, mối liên quan giữa béo phì và suy thận có thể giải thích rằng, tình trạng béo phì làm tăng nguy cơ của cả hai bệnh tiểu đường và cao huyết áp. Các nghiên cứu đã cho thấy béo phì có thể gây hại cho chức năng thận trước khi các tác động tiêu cực của huyết áp cao và tiểu đường lên thận được khẳng định. Trong quá trình nghiên cứu, nhiều bệnh nhân đã có mức albumin vượt an toàn dù họ có huyết áp, mức đường huyết và hoạt tính của insulin khỏe mạnh. Nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tử vong càng cao khi chỉ số BMI càng lớn.

Theo WHO, chi phí cho quản lý và điều trị thừa cân, béo phì có thể lên đến 2% - 7% tổng chi phí cho chăm sóc y tế của các nước phát triển. Có thể chia chi phí cho TCBP thành 3 nhóm:

- Chi phí trực tiếp:  Các chi phí liên quan đến việc chữa trị thừa cân béo phì, như chi phí cho thuốc giảm cân, các phẫu thuật…

- Chi phí  gián tiếp:  Các chi phí chữa trị các  bệnh lý gây nên do thừa cân béo phì như đái tháo đường, tăng huyết áp…

- Chi phí  cơ hội:  Bao gồm các chi phí phát sinh do giảm khả năng lao động, tử vong sớm có nguyên nhân từ thừa cân, béo phì.

Ưu tiên cấp bách - Phòng chống TCBP

Phòng chống TCBP là một trong ưu tiên cấp bách hàng đầu của mỗi quốc gia. Đây không chỉ là vấn đề sức khỏe quan trọng tại các nước phát triển mà còn đối với cả những nước đang phát triển như ở Việt Nam.

Có thể thấy các yếu tố xã hội và môi trường tác động nhiều đến cân bằng năng lượng hơn là tác động vào các yếu tố sinh học và di truyền. Do đó, các chuyên gia nhận định có thể can thiệp vào hai yếu tố là dinh dưỡng và hoạt động thể lực để làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì một cách hiệu quả.

Theo WHO, có hai cách tiếp cận chính trong phòng chống TCBP là phòng ngừa tăng cân và thúc đẩy giảm cân. Phòng chống TCBP thực hiện theo các nguyên tắc: Tập trung làm giảm các yếu tố môi trường đang tạo thuận lợi cho TCBP làm giảm các yếu tố nguy cơ tác động đến các cá nhân hay nhóm có nguy cơ; đồng thời quản lý từng trường hợp cho các đối tượng đã bị TCBP.

Việc phòng ngừa để người có cân nặng bình thường không bị TCBP là vấn đề quan tâm chính. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên phối hợp phòng chống TCBP trong chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm của quốc gia.

Đối với mỗi cá nhân, để chủ động phòng thừa cân, béo phì thì cần thực hiện những khuyến nghị sau:

- Duy trì cân nặng hợp lý

- Hạn chế ăn các loại chất béo, nhất là chất béo bão hòa

- Hạn chế ăn đường và muối

- Tăng cường ăn rau và trái cây,

- Thường xuyên hoạt động thể lực, ít nhất 30 phút/ngày,  đối với người trưởng thành.

5 phương pháp giảm cân chống béo phì

- Thay đổi chế độ ăn uống

- Tập thể dục và các hoạt động thể thao.

- Thay đổi hành vi, lối sống

- Sử dụng thực phẩm chức năng giảm cân, thuốc giảm cân

- Một số phương pháp điều trị béo phì đặc biệt

    + Đặt bóng vào dạ dày, gây cảm giác đầy dạ dày, cảm giác no và hạn chế ăn. 

    + Phẫu thuật nối shunt hỗng tràng dạ dày làm giảm hấp thu thức ăn.  

    + Khâu nhỏ dạ dày  

    + Phẫu thuật lấy mỡ ở bụng. 

Đỗ Hằng

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image