Nhiều loại ma túy thế hệ mới được cơ quan chức năng phát hiện. Điều đáng lo lắng, thế hệ trẻ là đối tượng tiếp xúc với ma túy thế hệ mới gia tăng. Thời gian gần đây có nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc ma túy thế hệ mới; trong đó phần lớn là người trẻ, học sinh, sinh viên và “dân chơi” ma túy.
Nhiều thế hệ ma túy mới lộ diện
Nếu như trước kia, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) thường tiếp nhận các trường hợp ngộ độc heroin (một tháng có vài trường hợp) thì gần chục năm trở lại đây, số ca ngộ độc này giảm hẳn (mỗi năm chỉ còn vài trường hợp). Thay vào đó là những ca ngộ độc các loại ma túy mới (ma túy tổng hợp) như Amphetamin và các chất cùng loại, lá khát (khat), cần sa, ma túy dạng thấm (LSD) có xu hướng gia tăng rõ rệt.
Nạn nhân ma tuý thế hệ mới điều trị tại BV Bạch Mai.
Một trong những loại ma túy thế hệ mới gây nhiều nguy hiểm đó là ma túy dạng “tem giấy” hay còn gọi là “bùa lưỡi”. Ma túy dạng tem giấy có nguy cơ xâm nhập trường học và từng công khai mua bán, gây nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe, tính mạng giới trẻ.
Cũng như “tem giấy”, "bóng cười" cũng là một dạng ma túy mới đặc biệt nguy hiểm. Nếu thường xuyên sử dụng “bóng cười” được cảnh báo sẽ gây tổn thương thần kinh não, ảnh hưởng tới việc chuyển hóa vitamin B12 cần thiết cho sự sản sinh các hồng cầu trong tủy xương, các vỏ bọc dây thần kinh và các protein... Ngoài ra, các bác sĩ cũng lo ngại về tình trạng ngộ độc ma túy "lá khát" có chứa cathinone - chất kích thích giống ma túy tổng hợp amphetamine nhưng có tác dụng nhanh hơn với mức độ độc hại cao hơn 500 lần so với các loại ma túy thông thường.
Gần đây, loại ma túy mới xuất hiện tại Việt Nam, đang được một bộ phận giới trẻ ưa chuộng gọi là "nấm thần" hay nấm ma thuật. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47, Công an Hải Phòng) thời gian qua đã bắt giữ một số vụ mua bán, vận chuyển “nấm thần” (còn gọi là nấm ảo giác, nấm ma thuật, nấm thức thần) vào Việt Nam. Các mẫu được xét nghiệm tại Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho thấy nấm này có chứa psilocybine và psilocine, chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội.
Loài nấm này có tên khoa học là Psilocybe pelliculosa, mọc phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới như Bắc Mỹ, Mexico, Nam Mỹ, bán đảo Scandinavia và vài vùng ở Châu Á. Phần lớn nấm ma thuật ở Việt Nam hiện nay là những loại nấm được nhập về từ Bắc Mỹ hay Nam Mỹ và một số nước Châu Á. Về ngoại hình, nấm thức thần trông cũng giống các loại nấm thông thường được sử dụng trong chế biến thực phẩm.
Trong thành phần của nấm có một hoạt chất gây ảo giác mạnh là psilocybin. Người sử dụng sẽ bị ảo giác và các trạng thái thức thần khác, thậm chí buồn nôn, nôn và nôn khan... Mỗi cây nấm được cắt ra làm 2 - 3 phần, chân nấm dài có thể được cắt nhiều phần hơn. Mỗi miếng nhỏ (hàng loại 1) có giá khoảng 500.000 đồng.
Hiệu ứng nấm thần cũng phụ thuộc vào trạng thái tâm lý, tình cảm của người sử dụng và môi trường xung quanh. Tùy thuộc vào mức độ sử dụng các “chất thức thần” và trạng thái tâm lý của người sử dụng mà những người sử dụng có cảm nhận khác nhau.
Báo động nguy hại từ ma túy thế hệ mới
Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, nhiều loại ma túy thế hệ mới được bào chế thành những viên kẹo "bắt mắt" hay được trộn vào bánh quy, đồ uống khiến giới trẻ dễ bị lừa. Trung tâm Chống độc từng tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc ma túy do ăn bánh có trộn cần sa. Hơn nữa, với một số loại thuốc điều trị có thành phần ức chế thần kinh, việc sử dụng chúng ở liều cao cũng tạo cảm giác "phê", ảo giác. Điều đáng nói là hiện nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ lên mạng, tiếp cận với thông tin y tế sai lệch, chấp nhận tác dụng phụ, tăng liều dùng những loại thuốc nói trên để có được cảm giác "phê".
Cũng theo Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên: Có một đặc điểm chung của các ca ngộ độc ma túy thế hệ mới khi vào viện đó là hầu như họ đều bị ngộ độc nặng kèm ảo giác. Đa phần các trường hợp này đều không hợp tác điều trị với nhân viên y tế, thậm chí có trường hợp còn mang theo dao trong người gây gổ, dọa truy sát cán bộ y tế khi điều trị. Có trường hợp một thiếu niên bị ngộ độc ma túy dẫn đến tình trạng ảo giác nên khi vào Trung tâm Chống độc thiếu niên này còn “giảng giải” cho bác sĩ cách điều trị về loại ma túy mà cậu ta đang sử dụng.
“Bệnh nhân ngộ độc sau khi sử dụng ma túy thế hệ mới gặp nhiều tình huống nguy hiểm tới tính mạng và sức khỏe, như tính khí thay đổi, hung hãn, ảo giác, loạn thần kiểu tâm thần phân liệt, tăng thân nhiệt, co giật, xuất huyết nội sọ, nghiến răng... (có người vận động kiểu múa vờn và nghiến răng liên tục)”, Ths.BS Nguyên cho hay.
Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) các bác sĩ từng điều trị nhiều bệnh nhân ngộ độc ma túy thế hệ mới. Như trường hợp một bệnh nhân nam, 41 tuổi, quê quán Hải Dương nhập viện trong tình trạng rất nặng, hiện vẫn đang hôn mê, tiên lượng xấu. Qua khai thác tiền sử, các bác sĩ được biết người bệnh đã sử dụng ma túy đá được 4 năm.
Trước đó, sau khi đi chơi khuya về, người này vào phòng đóng kín cửa, sáng hôm sau gia đình phá cửa phòng vào thì phát hiện người bệnh đã hôn mê. Khi được đưa đi cấp cứu và chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đã có 2 lần ngừng tim, nhưng đã được hồi sức kịp thời. Sau đó, các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai đã kết hợp và hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, chụp mạch vành và phát hiện bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, tắc 3 vị trí mạch vành đã được can thiệp ngay lập tức.
Trường hợp một bệnh nhân nữ còn rất trẻ năm nay mới 16 tuổi. Bệnh nhân này quê ở Kiên Giang, làm việc tại Hòa Bình được khoảng 6 tháng nay. Khi bị sốc do sử dụng ma túy đá, cô gái này đã được bạn đưa đi cấp cứu. Khi nhập vào Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh hoàn toàn. Tại đây, bệnh nhân đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng phải 5 ngày sau, bệnh nhân mới có dấu hiệu hồi tỉnh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn giới trẻ đến với ma túy, trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là trẻ thiếu sự quan tâm của gia đình. Nhiều bệnh nhân được sinh ra trong gia đình khá giả, cha mẹ mải làm ăn nên không thường xuyên gần gũi, chăm sóc con mình... Bệnh viện chỉ là nơi điều trị triệu chứng, muốn cách ly trẻ với nguồn chất gây nghiện thì cần phải có sự vào cuộc của gia đình, cộng đồng và chính bản thân người nghiện.
Vì vậy, bên cạnh giải pháp tuyên truyền, cảnh báo về hậu quả của việc sử dụng ma túy thế hệ mới, các cơ quan chức năng và nhà trường, gia đình cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục, quản lý để ngăn ngừa tình trạng giới trẻ tiếp cận với loại chất vô cùng độc hại này.
Hiện chưa có thống kê toàn quốc về người sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, kết quả điều tra xã hội năm 2017 của Tổng cục Thống kê tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy, tỉ lệ người sử dụng trái phép chất ma túy là khoảng 0,66% dân số trong độ tuổi điều tra (từ 15 - 64 tuổi), trong đó 8% sử dụng ma túy lần đầu dưới 18 tuổi, 60% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi. Mặc dù, kết quả này không đại diện cho cả nước nhưng con số nêu trên cũng phản ánh khá chính xác tình hình hiện nay.
Theo Hà Lê/Lao động